Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sông Nhuệ bị lấn chiếm nghiêm trọng

Công trình vi phạm sát lòng sông Nhuệ tại xã Tả Thanh Oai . Ảnh: K.N

Sông Nhuệ, trục tưới tiêu và thoát úng ngập chủ yếu của Hà Nội đang ngày càng hẹp dần do nạn lấn chiếm, san lấp của người dân. Tình trạng trên diễn ra ngày một nghiêm trọng, các cơ quan chức năng vẫn lập biên bản, rồi cưỡng chế - nhưng vi phạm vẫn cứ phát sinh...

Diễn biến phức tạp

Đi dọc đê sông Nhuệ, đoạn qua xã Tả Thanh Oai, Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội), thấy những ngôi nhà cấp 4 mọc san sát trong hành lang bảo vệ đê. Phần diện tích lấn chiếm này được sử dụng làm hàng quán, nhà ở, bãi tập kết vật liệu xây dựng...

Dưới chân đê, sát với sông Nhuệ, một số hộ dân đóng cọc, đổ đất tràn ra sông để mở rộng diện tích, xây nhà. Thậm chí, có hộ dân còn đóng cọc bê tông rồi dựng nhà chìa ra sông Nhuệ.

Một số người dân địa phương cho biết: Việc lấn chiếm trên diễn ra trong nhiều năm. Ban đầu, một số hộ dân lấn chiếm mặt đê dựng lều lán, sau đó xuôi xuống chân đê chiếm đất để trồng chuối và các loại cây ăn quả khác.

Để bảo vệ vườn của mình, họ dùng rào tre quây kín phần đất lấn chiếm, rồi đổ phế thải xây dựng, đất cát xuống lòng sông để mở rộng diện tích. Một thời gian sau, họ xây công trình phụ và nhà ở trên đó. Thấy người này làm được, người khác cũng làm theo để lấn chiếm hành lang sông Nhuệ.

Tới một số nơi khác trên địa bàn Hà Nội, thấy tình trạng cũng diễn ra tương tự. Qua tìm hiểu được biết, những vụ lấn chiếm hành lang sông Nhuệ thường diễn ra vào ban đêm hoặc ngày nghỉ. Thậm chí có hộ dân thuê ô tô chở đất hoặc phế thải đến đổ trộm vào nơi cần san lấp rồi bỏ đi khiến cơ quan quản lý rất khó xử lý.

Có những công trình vi phạm bị cưỡng chế tới vài lần, nhưng lần nào cũng vậy giải tỏa xong thì công trình lại được xây dựng như cũ. Hậu quả của tình trạng vi phạm này khiến sông Nhuệ dần bị thu hẹp, điển hình như tại khu vực Cầu Diễn (huyện Từ Liêm), Thanh Bình (quận Hà Đông), Cầu Tó (huyện Thanh Trì)...

Theo thống kê của Cty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ (gọi tắt là Cty Sông Nhuệ), tổng số vụ vi phạm lấn chiếm hành lang sông Nhuệ lên tới trên 4.000 vụ, chiếm diện tích đất bất hợp pháp trên 150.000 m2, khiến dòng chảy của sông Nhuệ bị thu hẹp. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, hiệu quả tiêu thoát lũ của sông Nhuệ vào mùa mưa sẽ chậm hơn, dẫn đến nguy cơ tràn đê có thể xảy ra ở những đoạn xung yếu.

Khó xử lý?

Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó tổng Giám đốc Cty Sông Nhuệ cho biết: Cty có bộ phận thường xuyên đi kiểm tra hành lang sông Nhuệ. Khi phát hiện vụ việc vi phạm, chúng tôi tiến hành lập biên bản, nhưng việc làm này không đơn giản. Có những địa phương phối hợp tốt với Cty; nhưng có không ít địa phương lại thiếu hợp tác, dẫn đến việc xử lý hạn chế, thậm chí bỏ lửng. Đó là lý do chính khiến hiện nay có tới trên 4.000 vụ vi phạm hành lang đê nhưng chưa được xử lý.

Ông Lưu Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, địa bàn xã có gần 10km giáp với sông Nhuệ, nên tình trạng lấn chiếm hành lang sông diễn ra khá phức tạp với 250 trường hợp vi phạm. Trong thời gian vừa qua, xã đã phối hợp với Cty Sông Nhuệ tiến hành cưỡng chế 30 trường hợp vi phạm, thời gian tới sẽ xử lý tiếp 45 trường hợp khác.

Nếu tình trạng trên không được giải quyết đến một lúc nào đó đất công sẽ biến thành đất tư. Khi đó sông Nhuệ sẽ bị bức tử.

(Theo Tienphong Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi