Tài nguyên nước ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề do các nguyên nhân: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm dòng chảy sông hồ, sự cạn kiệt nguồn nước…, rộng hơn là do biến đổi khí hậu. Đây là nhận định chung của các nhà khoa học tham dự hội thảo Tài nguyên nước và sự phát triển bền vững diễn ra hôm nay, 19-1.
Nhiều thách thức trong quản lý tài nguyên nước của Việt Nam. |
Chất lượng nước giảm
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho biết, Việt Nam được xếp là quốc gia có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, mức bình quân đầu người khoảng 11.000 m3/năm. Hiện nay, tình trạng khai thác nước thiếu quy hoạch, lãng phí và gây ô nhiễm nguồn nước đang là những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong công tác quản lý tài nguyên nước.
“Cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, những vấn đề mới nảy sinh như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm dòng chảy sông hồ, sự cạn kiệt nguồn nước… đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và an sinh xã hội”, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Viện trưởng Viện Phát triển Công nghệ, Truyền thông và Hỗ trợ Cộng đồng (IMC) nói.
Nhiều đại biểu đề cập đến những mối nguy hiểm đối với nguồn nước Việt Nam. Theo ông Paul W. Brandt-Rauf, ĐH Tổng hợp Illinois tại Chicago, Mỹ, nhiều tầng chứa nước ở Đông Nam Á, như ở Bangladesh, Ấn Độ, Thái-lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam bị nghi ngờ nhiễm các chất độc hại như thạch tín, chất có trong các lớp lắng cặn tự nhiên. Ở một số nơi, nhiều người đã bị nhiễm độc thạch tín ở các mức độ khác nhau khi sử dụng nước ngầm làm nước uống thay vì nước bề mặt. Chất độc hại này khiến con người bị nhiễm các căn bệnh như: tổn thương ngoài da, ung thư da và hình thành các khối u bên trong cơ thể, các bệnh mạn tính khác liên quan đến phổi và hệ tuần hoàn, các bệnh rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Bộ môn Địa chất Thủy văn, Trưởng Khoa Địa chất, ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu, quan trắc tài nguyên nước dưới đất từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay cho thấy, nguồn tài nguyên nước dưới đất ở nhiều khu vực đã và đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, nhiễm mặn do nước biển. Mực nước của các tầng chứa nước khai thác bị hạ thấp liên tục theo thời gian, điển hình như ở Hà Nội, mực nước tầng chứa nước Pleistoxen hạ thấp với biên độ 0,4m/năm; TP Hồ Chí Minh là 0,6m/năm; Cà Mau là 1,0m/năm…
Chất lượng nước dưới đất cũng đã có những dấu hiệu ô nhiễm cục bộ ở nhiều nơi, như tình trạng nhiễm bẩn Mn, As (khu vực phía Nam, tây bắc Hà Nội, Phủ Lý - Hà Nam, Kiến An - Hải phòng; TP Hưng Yên. Nhiều đô thị ven biển, nước dưới đất đang có chiều hướng bị nhiễm mặn (TP Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến tre, Long An, Mỹ Tho, TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Hưng Yên, Hạ Long). Trước thực trạng đó, chúng ta cần có các hành động khẩn cấp để bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ sự sống của cộng đồng.
Hơn 3.000 tỷ đồng để “cứu” tài nguyên nước
Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Tài nguyên nước cho biết, để góp phần giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ đã thực hiện chiến lược phát triển có hiệu quả và bền vững nhằm khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước; thực thi Luật Tài nguyên nước; phê chuẩn Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020; xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Về nguyên nhân khiến tài nguyên nước bị xâm hại nghiêm trọng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của QH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, luật nhiều, nhưng các tỉnh rất ít, thậm chí không có văn bản nào hướng dẫn thi hành luật ở địa phương. Hệ quả là việc xử lý sai phạm về môi trường nước rất chậm, dù đã quy định mức xử lý hình sự. Ngoài ra, còn do việc thiếu quy hoạch khi xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như thiếu đánh giá tác động môi trường trong các dự án. Ông Nghiêm Vũ Khải cho biết thêm, tỷ lệ thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ đề ra trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường là 55 - 70%; 100% cơ sở phát sinh nước thải chưa thực hiện việc xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Để giải quyết những tồn tại trên, theo ông Khải, thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan về xử lý tội phạm về gây ô nhiễm, thất thoát, hủy hoại tài nguyên nước; khắc phục tồn tại của hệ thống pháp luật hiện hành; tăng cường đầu tư hệ thống và bộ máy bảo vệ tài nguyên nước; xã hội hóa, nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên nước… trong đó, đặc biệt nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, đại diện là QH.
Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, bảo đảm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ được thực hiện từ 2010-2020 nhằm bảo đảm an ninh về nguồn nước sử dụng cho trước mắt và lâu dài, quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước một cách tổng hợp, toàn diện, bền vững và hiệu quả cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
(Theo HỒNG VÂN // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com