![]() |
Các ngành sản xuất giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội cần được hỗ trợ lãi suất vay vốn ở mức cao hơn 4%/năm. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất chả cá surimi tại Công ty Thủy sản XNK Côn Đảo. |
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã đưa ra hai gói vốn kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng lên tới 162.000 tỷ đồng, đây là nguồn vốn khá lớn để duy trì tăng trưởng kinh tế. Nỗi lo đối với việc triển khai thực hiện hai gói kích cầu này là phải kiểm tra, giám sát như thế nào để phát huy hiệu quả tốt nhất với mục đích chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
VỐN KÍCH CẦU TƯƠNG ĐƯƠNG 10% GDP CẢ NƯỚC
Trong những ngày đầu làm việc của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại về tính hiệu quả chưa được thể hiện rõ nét của gói tín dụng kích cầu thứ nhất trị giá 17.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) để hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng. Bởi, từ 1-2-2009, sau 3 tháng triển khai thực hiện gói kích cầu này, vẫn chưa có những thống kê đầy đủ để đánh giá hiệu quả. Gói kích cầu thứ hai được Chính phủ đưa ra vào tháng 3 với giá trị 145.000 tỷ đồng (8 tỷ USD), làm tăng nguồn vốn kích cầu qua các kênh dẫn vốn của ngân hàng lên tới 162.000 tỷ đồng, tương đương với 10% GDP cả nước.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 01/2009/CT-NHNN ngày 22-5-2009, yêu cầu các NHTM và TCTD kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng. Cấm nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Tính đến đầu tháng 6- 2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất qua các NHTM và TCTD với các khoản vay bằng đồng Việt Nam đạt hơn 320 ngàn tỷ đồng. |
Trong chuyến diễn thuyết mới đây tại Việt Nam, giáo sư Paul Krugman – người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 cho rằng: hầu hết các gói kích cầu của các quốc gia trên thế giới nhằm vực dậy nền kinh tế đều chưa đủ lớn, quy mô của các gói kích cầu phần lớn chỉ dừng lại ở mức 2,5% GDP, phải từ 4%-5% GDP mới đủ mạnh để kích thích nền kinh tế đang suy giảm.
Theo các chuyên gia tài chính – thị trường, nếu xét theo tiêu chí trên, các gói kích cầu của Chính phủ đã đủ lớn cả về quy mô giá trị và chi phối từ kích cầu đầu tư sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực tiêu dùng. Nền kinh tế nước ta chỉ mới suy giảm chứ chưa đến mức suy thoái như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Do vậy, với tỉ lệ bằng 10% GDP, các gói kích cầu của Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới. Trị giá các gói kích thích bằng 10% GDP được đưa vào nền kinh tế trong một thời gian ngắn dễ tạo ra lạm phát. Đây là vấn đề đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước. Cho đến tháng năm, chỉ số CPI dù chỉ tăng 0,44%, nhưng tính chung cả 5 tháng đầu năm 2009, CPI đã tăng hơn so với năm 2008 đến 11,59%.
NGĂN NGỪA VIỆC “ĐẦU CƠ NÓNG”
![]() |
Mức hỗ trợ lãi suất bình quân 4%/năm có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các ngành nghề và vùng kinh tế. Trong ảnh: Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Ông Lê Đình Liệu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tín dụng (TCTD) phải triển khai thực hiện cùng lúc 3 cơ chế hỗ trợ lãi suất theo các quyết định của Chính phủ gồm: Quyết định số 131/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất cho tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động ngắn hạn để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh trong nước. Quyết định số 443/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng. Quyết định số 497/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Mức hỗ trợ lãi suất vay vốn theo các quyết định này hầu hết là 4%/năm. Riêng với nhu cầu vay vốn mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay
Mặc dù chịu sự tác động trong cùng một cuộc khủng hoảng, nhưng mức độ ảnh hưởng giữa các vùng kinh tế, các ngành nghề, doanh nghiệp là khác nhau, nên mức hỗ trợ cũng phải khác nhau. Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng 4%/năm cho nhiều đối tượng theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế là mang tính bình quân, không tạo cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế, giảm bớt những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Vấn đề “cào bằng” mức hỗ trợ lãi suất có thể làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, do việc cho vay mang nặng tính bao cấp, không phát huy vai trò điều tiết của cơ chế thị trường trong việc tái cơ cấu sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Do vậy, cần xem xét lại mức hỗ trợ lãi suất, tránh tình trạng bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các khu vực và vùng kinh tế. Nỗi lo hiện nay là các gói kích cầu có nguồn vốn tăng lên quá lớn, nếu không được giám sát chặt chẽ và có hiệu quả thì chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ làm phát sinh hiện tượng “đầu cơ nóng” với các dự án chất lượng thấp, hoặc giải ngân kém, sử dụng vốn không đúng mục đích làm gia tăng gánh nặng nợ nần.
(Theo báo Bà Rịa Vũng Tầu)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com