Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng hạng, nhưng vẫn dễ tổn thương

Phân xưởng dệt của một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sản phẩm may mặc ở TPHCM. Ảnh: THANH TAO.

Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011 vừa được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (Unido) và Bộ Công Thương công bố tuần qua. Theo đó, hiệu suất cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam tăng nhưng không vững chắc.

Theo báo cáo, chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) của Việt Nam năm 2009 tăng 14 bậc so với cách đó bốn năm, lên hạng thứ 58 trong số 118 nền kinh tế. Đây là một kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, khi phân tích các yếu tố cấu thành nên CIP thì thấy rằng thành quả trên thiếu nền tảng vững chắc và ngành công nghiệp Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương.

Chỉ số CIP là một thước đo của Unido về năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp của một nền kinh tế trên thị trường thế giới. Việc Việt Nam tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng là sự ghi nhận về bước phát triển của ngành công nghiệp cũng như sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Thậm chí, Việt Nam đã vượt qua được một số đối thủ cạnh tranh có trình độ phát triển cao hơn là Nga, Ai Cập và Morocco.

Trong 10 năm, từ năm 2000-2009, giá trị của ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam đã tăng vọt, từ 5,8 tỉ đô la Mỹ lên 15,4 tỉ đô la Mỹ. Xét về tốc độ, Unido xem “đó là một kỳ tích”, nhưng cũng đặt ra câu hỏi là liệu Việt Nam có duy trì nổi tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng đó hay không, khi mà quy mô của ngành này đã lớn hơn trước rất nhiều. Câu trả lời sẽ là “không”, nếu Việt Nam vẫn muốn duy trì mở rộng các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động.

Xuất khẩu tăng mạnh, nhưng rủi ro cũng lớn

Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã xây dựng được 80 chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cho nhiều ngành công nghiệp độc lập. Nhưng chúng ta lại thiếu một kế hoạch thực hiện hiệu quả để kết hợp nó một cách hài hòa.

“Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam trong thập kỷ gần đây là vô cùng ấn tượng, thậm chí còn làm lu mờ sự tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2009”, các chuyên gia thực hiện Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011 đã ghi nhận như vậy. Tuy nhiên, thế mạnh của Việt Nam lại nằm ở nhóm sản phẩm công nghệ thấp, với tỷ lệ xuất siêu của nhóm này đến 10 tỉ đô la Mỹ (năm 2009) trong khi thâm hụt thương mại rất lớn ở những ngành chế tạo với công nghệ tinh vi hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa là sản phẩm xuất khẩu chưa đa dạng, mà trái lại phụ thuộc rất nhiều vào một số ít sản phẩm chủ lực, như dệt - may, da - giày, chế biến gỗ, thủy sản... Việc tập trung sản xuất ở mức độ cao vào một số ít sản phẩm xuất khẩu là mối lo ngại thực sự cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam vì nó sẽ khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng của thị trường và sự cạnh tranh của nước thứ ba. Cũng may là thị trường xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng, trong khu vực chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Sự đa dạng đó sẽ giúp hạn chế phần nào tính dễ bị tổn thương nêu trên.

Khả năng chuyển đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu một cách nhanh chóng để thích nghi với những thay đổi về nhu cầu của thị trường thế giới, cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng lên khả năng cạnh tranh. Báo cáo của Unido và Bộ Công Thương ghi nhận, năm 2009 Việt Nam đã tăng được một bậc về tính năng động so với năm 2000. Giá trị xuất khẩu của nhóm “sản phẩm năng động” (sản phẩm mới) tính trên đầu người trong giai đoạn này tăng tới chín lần, đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ. Nhưng Việt Nam vẫn là nước nhập siêu đối với loại sản phẩm này, với giá trị nhập năm 2009 tới 13 tỉ đô la Mỹ. Điều này nói lên khả năng thích nghi với nhu cầu thay đổi của thế giới của ngành công nghiệp dù có tốt hơn, nhưng vẫn còn rất chậm.

Chủ yếu dựa vào tài nguyên và công nghệ thấp

Cho đến nay, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào tài nguyên và đây cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng về hiệu suất cạnh tranh của công nghiệp. Báo cáo nhấn mạnh: “Sự mở rộng của những sản phẩm dựa vào nguồn tài nguyên làm gia tăng sự bùng nổ hàng hóa và hậu quả là sự sụp đổ”. Ông Wilfried Luetkenhorst, Giám đốc điều hành Unido, khẳng định: “Hiện tại, những sản phẩm dựa vào tài nguyên đang nằm trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Việt Nam”.

Một điểm yếu khác là ngành sản xuất với công nghệ thấp hiện đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực chế tạo sản phẩm xuất khẩu, với giá trị tới 22,5 tỉ đô la Mỹ (năm 2009). Do vậy, xuất khẩu của Việt Nam dễ bị tổn thương trong cạnh tranh, nhất là với Trung Quốc.

Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu với công nghệ trung bình (đóng tàu, ô tô, xe máy...), tuy có mức tăng trưởng đến 24%/năm trong thập kỷ qua, nhưng thị phần trên thị trường thế giới vẫn rất nhỏ và đến nay Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu với nhóm sản phẩm này.

Tương tự, nhóm sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao, dù thị phần trên thị trường thế giới tính đến năm 2009 đã tăng gần bốn lần so với năm 2000, nhưng cũng chỉ chiếm 0,22%, một con số vô cùng khiêm tốn.

Việt Nam cần làm gì ?

Báo cáo chỉ ra rằng, các nguồn tài nguyên trên thế giới đang dịch chuyển đến những nơi có năng lực sản xuất hiệu quả, tiết kiệm và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, những nguồn tài nguyên di động này luôn cần được bổ trợ bằng những nguồn tài nguyên tại chỗ. Đó không phải là những nguồn tài nguyên thiên nhiên cơ bản hay lực lượng lao động thô sơ, mà là những kỹ năng tổ chức và công nghệ, mạng lưới phân phối hiệu quả, cơ sở hạ tầng dịch vụ hỗ trợ đào tạo cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Cũng theo báo cáo này, để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp, duy trì nhịp độ tăng trưởng một cách bền vững, có năm lĩnh vực then chốt mà Việt Nam cần thực hiện. Đó là hoạch định lại các chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp; đa dạng hóa các ngành công nghiệp với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển nguồn nhân lực cho khu vực công nghiệp chế tạo; phát triển công nghệ và cuối cùng là thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng cho hoạt động sản xuất. Trong mỗi lĩnh vực, các chuyên gia tư vấn đã chỉ ra những giải pháp, những việc cần phải làm khá cụ thể. Vấn đề còn lại là Việt Nam có tiếp thu những ý kiến này không và sẽ thực hiện như thế nào.

Có một thực tế mà báo cáo này cũng nhắc đến, đó là chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam không thiếu. Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã xây dựng được 80 chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển cho nhiều ngành công nghiệp độc lập. Nhưng chúng ta lại thiếu một kế hoạch thực hiện hiệu quả để kết hợp nó một cách hài hòa. Chính sách hiện tại đã vạch ra những mục tiêu cho các ngành, với các biện pháp hỗ trợ, nhưng không thể thực hiện một cách triệt để vì thiếu nguồn lực.

Nhắc lại điều này để thấy rằng, ban hành chính sách, chiến lược không khó. Rất có thể từ gợi ý của các chuyên gia trong Báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011, sẽ có những chính sách, chiến lược mới phục vụ cho mục tiêu phát triển công nghiệp ra đời. Nhưng nếu chúng ta không khắc phục được những tồn tại trong khâu thực hiện, thì cũng khó mà hy vọng vào sự thay đổi.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • 1 và 99: khoảng cách có đáng sợ không?
  • Bức tranh đa sắc của truyền thông Việt năm 2011
  • Việt Nam: Mặt tích cực của suy thoái
  • Điểm nóng Kinh tế 2011: Những con số gây sốc
  • Tái cơ cấu: Ngân hàng mới là “kinh khủng”
  • Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà Nước: Chính phủ gánh thêm nợ?
  • Cơ cấu lại nền kinh tế: nhận diện những thách thức
  • Nhìn lại lạm phát 2011: Hai đột biến và sự “đi hoang” của dòng tiền
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi