Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận định, chi phí tái cấu trúc DNNN có thể phát sinh lớn, là gánh nặng với nền kinh tế, nhiều khả năng tăng thêm nợ công.
Trong buổi tọa đàm mới đây, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đánh giá, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của các DN này còn yếu mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực. Ông Huệ lẫy dẫn chứng, trong năm 2009 để tạo ra một đồng doanh thu, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn, trong khi đó DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng và DN FDI là 1,3 đồng. Trong khi so với mức trung bình chung của các DN VN là 1,5 đồng.
Ông Huệ cho biết, năm 2010, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mới chỉ đạt 16,5%. Trong 10 năm qua, con số này trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì ở trên mức trên dưới 10%.
Sở dĩ có sự yếu kém đó là do sự chậm chạp trong nhận thức về đổi mới, hạn chế về lựa chọn, xây dựng, chiến lược, mô hình, cơ chế chính sách cho phát triển DN nói chung và DNNN nói riêng. Bên cạnh đó, các đơn vị này đầu tư vào những ngành, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào vốn vay; hay tình trạng độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường trong một số lĩnh vực làm hạn chế động lực cạnh tranh và phát triển.
Ông Huệ nêu ví dụ cụ thể, Tcty Thép VN chiếm 35% thị phần trong nước, Tcty Công nghiệp Xi măng VN chiếm trên 50%, TĐ xăng dầu VN chiếm trên 60%, TĐ Điện lực VN sản xuất và cung ứng tới 80% nhu cầu tiêu thụ điện toàn xã hội; Riêng TĐ công nghiệp Than - Khoáng sản cũng chiếm đến 98% thị phần.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ chia sẻ, việc Tái cơ cấu DNNN được xác định là khó khăn nhất cho dù đó là DN ngân hàng hay phi ngân hàng. Bên cạnh đó, để giải quyết, sắp xếp việc làm và lao động dôi dư cũng là một thách thức không nhỏ.
Xét về mặt kinh tế, chi phí cho tái cơ cấu DNNN bao gồm các khoản nợ phải thu khó đòi, khoản lỗ, chi giải quyết việc làm người lao động, cấp vốn cho các định chế tài chính trung gian có thể phát sinh lớn, ước hàng chục tỉ đồng.
"Đây sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế, nhiều khả năng làm tăng thêm nợ công nếu không có phương án xử lý tốt". Bộ trưởng Tài chính nói.
Ông Huệ đề xuất năm nhóm giải pháp TCT DNNN, trong đó tập trung vào các TĐ kinh tế và Tổng công ty nhà nước. Một là, thực hiện sắp xếp các DNNN hiện có thành các nhóm DN và có giải pháp cụ thể như nhóm 100% vốn NN, trên 75% vốn thuộc sở hữu NN, từ 65-75% vốn thuộc sở hữu NN và nhóm NN không nắm giữ cổ phần chi phối.
Hai là, thực hiện nhất quán cổ phần hóa (CPH) DNNN theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu tại các DN, thu hút đầu tư chiến lược và có giải pháp đồng bộ phát triển thị trường chứng khoán và mua bán nợ.
Ba là, điều chỉnh, xây dựng mô hình chiến lược phát triển cơ cấu lại vốn, phù hợp với từng TĐ, Tcty NN, chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành.
Bốn là, đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với DNNN. Năm là, sắp xếp, TCT căn bản các công ty nông, lâm nghiệp. "Trong năm nay phải xây dựng xong Đề án TCT DNNN, không thể chậm trễ hơn". Ông Huệ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đề xuất, phải tạo được môi trường bình đẳng, minh bạch để thu hút đầu tư tư nhân trong nước. "Lâu nay chúng ta có một mệnh đề: kinh tế tư nhân không làm được thì NN làm. Cái này không sai nhưng phải tư duy ngược lại: Tư nhân phát triển đến đâu thì DNNN rút lui tới đó, phải hỗ trợ họ chứ không cạnh tranh chèn ép họ". Ông Cung nêu quan điểm.
Đại diện ban đổi mới DNNN, ông Phạm Viết Muôn, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới DNNN nhấn mạnh, giờ là thời điểm cần hành động. Điều vướng mắc hiện tại là cơ chế chính sách cần CPH DNNN. Năm nay mới chỉ làm được có 30 DN. Trong khi muốn CPH 573 DN trong 5 năm thì bình quân mỗi năm phải làm được 150 DN.
----------------------------------------------------
Tác giả: Hoàng Lộc // Nguồn: VEF
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com