Ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, để cơ cấu lại nền kinh tế, trước tiên, phải có hệ thống tư duy mới về phát triển đất nước phù hợp với thời kỳ mới.
Hiện nay, nước ta đang tập trung sức vào nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư trong đó đầu tư công chiếm phần quan trọng song hiệu quả thấp, dựa vào lao động dồi dào nhưng chất lượng kém, dựa vào khai tác tài nguyên thô, giá rẻ, sang phát triển dựa vào năng suất, chất lượng, hiệu quả với năng lực cạnh tranh cao. Nói cách khác, đó cũng là tìm ra một mô hình tăng trưởng phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, mọi tiềm năng của đất nước kết hợp với các nguồn lực bên ngoài, hình thành một mô hình phát triển đất nước tương xứng với đất nước và con người Việt Nam trong thời đại mới.
Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một công việc rộng lớn và hết sức khó khăn, đòi hỏi những giải pháp căn cơ để đổi mới toàn bộ hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện cơ cấu lại toàn bộ các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Song, thực tế cho thấy có những rào cản, những thách thức cần phải vượt qua. Bài này gợi lên một số vấn đề coi là thách thức lớn nhất.
Một là, còn những vấn đề chưa đủ sáng tỏ, nhất trí về quan điểm phát triển, về tư duy kinh tế. Để cơ cấu lại nền kinh tế, trước tiên, phải có hệ thống tư duy mới về phát triển đất nước phù hợp với thời kỳ mới. Đó là những vấn đề như: quan điểm, triết lý phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò lãnh đạo của Đảng; về chức năng quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường; về phát huy sức mạnh của toàn dân tộc; về sự bình đẳng trong kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp; về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự; về vị trí, vai trò của tầng lớp doanh nhân, v.v... Lâu nay, chính những quan điểm, nhận thức chưa thống nhất, thông suốt trong những vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành hệ thống thể chế, chính sách dẫn đến chưa phát huy được đầy đủ các nguồn lực của đất nước cho phát triển. Thế nhưng, việc nghiên cứu, thảo luận để đi đến nhất trí về những vấn đề trên lại chưa được tiến hành thấu đáo, dứt điểm.
Chính vì thế, việc khắc phục những cản trở về tư duy lý luận đối với những vấn đề cốt lõi của công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới cần được coi là tiền đề có ý nghĩa quyết định của toàn bộ công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc tập trung vào cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu doanh nghiệp cũng như cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại cũng đòi hỏi trước hết giải quyết những vấn đề về quan điểm, lý luận phát triển. Rất cần có sự "đột phá về lý luận", như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội đồng lý luận trung ương (ngày 19-10-2011): "Phát triển bền vững trong điều kiện thế giới ngày nay, nhất là trước những biến đổi dữ dội của môi trường và áp lực của kinh tế tri thức, nếu không có những đột phá về lý luận thì không thể tạo ra được tiền đề khoa học cho sự phát triển thực tiễn, cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đảng và Nhà nước ta". Như vậy, công tác lý luận cần được cải tiến hơn nữa: thực hiện dân chủ rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, lý luận, tăng cường đối thoại, không né tránh những vấn đề chưa đạt được sự nhất trí, khuyến khích các tổ chức tư vấn phản biện chính sách, qua đó, thu hút đông đảo trí thức, doanh nhân vào việc nghiên cứu đường lối, chính sách phát triển, v.v...
Hai là, bộ máy quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém. Bộ máy quản lý nhà nước đang còn nhiều yếu kém có thể ảnh hưởng không thuận đến việc triển khai tái cơ cấu nền kinh tế cũng như mỗi ngành, mỗi địa phương, nếu như việc này lại được giao cho bản thân bộ máy quản lý của ngành, địa phương đó thực hiện.
Cộng đồng doanh nghiệp đã nói nhiều đến tình hình kém hiệu lực của bộ máy hành chính, đáng quan tâm nhất là hệ thống thể chế, chính sách quản lý. Việc rà soát 16 luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành và công bố kết quả vào cuối tháng 11-2011 vừa qua đã cho thấy đang còn rất nhiều quy định không hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, chưa kể giữa các nghị định và thông tư, gây cản trở không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Trách nhiệm giữa các bộ, ngành cũng chưa rõ ràng, có vấn đề chồng chéo, có vấn đề bị bỏ trống; hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, sự thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành cũng còn nhiều.
Không những thế, thủ tục hành chính còn rườm rà đang là một trở ngại rất lớn đối với doanh nghiệp. Tuy Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính đã giảm bớt nhiều thủ tục không cần thiết, song trên thực tế, những cải tiến tác động thuận lợi đến với người dân và doanh nghiệp chưa nhiều. Đội ngũ công chức còn yếu về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, đồng thời sa sút về phẩm chất, đạo đức; nạn tham nhũng đang diễn biến tinh vi, phức tạp; kỷ luật hành chính không được thi hành nghiêm túc.
Chính vì thế, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, không thể không chấn chỉnh bộ máy hành chính nhà nước: mỗi cơ quan hành chính, mỗi công chức đều phải "vượt lên chính mình" để cơ cấu lại cơ quan mình, bộ phận mình, làm đúng chức năng hành chính nhà nước. Phải cơ cấu lại hệ thống cơ quan hành chính của ta hiện đang vận hành có phần nặng về cai trị, can thiệp, kiểm tra, kiểm soát chuyển mạnh sang hướng dẫn, tạo điều kiện cho thị trường vận hành theo đúng quy luật của kinh tế thị trường, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Phải chuyển mạnh sang một Nhà nước "kiến tạo phát triển" như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nhấn mạnh.
Ba là, sự tác động của các nhóm lợi ích(lợi ích cá nhân, công ty, tập đoàn, ngành,địa phương,...) và tư duy nhiệm kỳ. Đây là loại tác động có thể ảnh hưởng đến việc hoạch định quy hoạch kế hoạch, thể chế, chính sách hoặc có thể ảnh hưởng đến việc thực thi thể chế, chính sách, bằng cách lái thể chế, chính sách hoặc quá trình thực thi sang chiều hướng có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó. Cả hai loại tác động này không chỉ phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch, ảnh hưởng đến việc hình thành cơ cấu kinh tế phù hợp nhất đối với toàn bộ nền kinh tế; mà còn gây ra sự lãng phí to lớn đối với các nguồn lực của đất nước, mà kẻ hưởng lợi chính là các nhóm lợi ích.
Có thể thấy nguyên nhân của tình trạng trên là sự thiếu nghiêm túc, không theo đúng quy trình trong việc hoạch định quy hoạch, kế hoạch, thể chế, chính sách là những kẽ hở để các nhóm lợi ích có thể tác động. Tình trạng chạy theo mục tiêu "chuyển dịch cơ cấu kinh tế", thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách máy móc cùng với sự phân cấp quản lý cho các địa phương quá rộng mà thiếu sự giám sát chặt chẽ cũng là một cơ hội thuận lợi cho lợi ích địa phương phát triển. Sự thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa các bộ, ngành với địa phương cũng có thể làm cho lợi ích nhóm, lợi ích địa phương phát triển, cơ cấu kinh tế hợp lý của cả nước không thể hình thành. Cũng như vậy, việc cơ cấu lại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng có thể bị kéo dài, khó thực hiện, nếu như chưa khắc phục được tác động của các nhóm lợi ích.
Vì vậy để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thành công, nhất thiết phải khắc phục những tác động của nhóm lợi ích, của tư duy nhiệm kỳ, tất cả phải phục vụ lợi ích toàn cục, lợi ích tối cao của đất nước. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khi kết luận Hội nghị lần thứ ba của Trung ương Đảng khóa XI (ngày 10-10- 2011): "Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối". Cần thực hiện việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy, qua đó thu hút sự tham gia của dân vào công việc quản lý nhà nước, đồng thời phát hiện và khắc phục được những tác động của nhóm lợi ích cũng như của tư duy nhiệm kỳ vào công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, hình thành mô hình tăng trưởng mới.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com