Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tập đoàn nhà nước làm gì?

Mấy ngày nay, thông tin tuyên bố thoái vốn tại các công ty con, cũng như không đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước lại dày đặc.
 
Thị trường chứng khoán tiếp tục lao xao, khi nhiều công ty con trong diện này đã niêm yết. Vẫn biết tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ dấy lên những đợt sóng lớn, song câu hỏi tập đoàn nhà nước sẽ làm gì tiếp theo?

Đây là một câu hỏi khó, bởi định hướng kinh doanh tới đây của các tập đoàn nhà nước, các công ty nhà nước chưa thực sự rõ ràng. Mặc dù về nguyên tắc, mỗi tập đoàn nhà nước đều được giao nhiệm vụ trọng tâm, đó là ngành nghề kinh doanh chính, song nhìn vào danh mục ngành nghề của nhiều tập đoàn nhà nước, mọi việc lại rất khác. Một thực tế là, bảng danh mục ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của nhiều tập đoàn gần như bao trọn các lĩnh vực kinh doanh, từ dịch vụ sang sản xuất, kinh doanh, thương mại, tài chính - ngân hàng… Trong số này, có những ngành nghề thực sự không dễ tìm được mối liên kết với ngành nghề chính của các tập đoàn.

Vào lúc này, trong rất nhiều ý kiến bàn luận về tập đoàn nhà nước sau sự cố đình đám của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), câu chuyện đầu tư ngoài ngành và trách nhiệm của những người quyết định, hội đồng quản trị công ty nhà nước lại được xới xáo. Những phân định về tỷ lệ đầu tư ngoài ngành - trong ngành, cơ chế hạch toán cho hoạt động này đang được nhiều chuyên gia đề nghị tách khỏi các hoạt động chính ngạch để tránh sự nhập nhèm trong lợi nhuận của công ty nhà nước. Các cơ chế giám sát độc lập và chuyên nghiệp cũng được đề xuất, nhằm tạo hình ảnh minh bạch cho khu vực được xác định là “quả đấm thép” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, dường như, đó chưa phải là mấu chốt của vấn đề, bởi những cơ chế này không giải quyết được câu hỏi cốt lõi là tập đoàn nhà nước với vai trò “quả đấm thép” của mình đang làm gì để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, nếu không có câu trả lời này, cơ chế giám sát mà nhiều chuyên gia nhắc tới cũng rất khó thực hiện, vì thiếu cơ sở.

Khi bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Cung, một trong những tác giả chính của Luật Doanh nghiệp (bộ luật đang điều chỉnh chung hoạt động quản trị nội bộ của các doanh nghiệp, trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước vừa gia nhập từ đầu tháng 7/2010) cho rằng, có lẽ, phải đặt vấn đề theo hướng chủ sở hữu nhà nước muốn gì ở các tập đoàn, công ty nhà nước. Ông Cung cho rằng, trả lời được câu hỏi này, thì những vấn đề khác đang đặt ra cho khu vực sẽ có định hướng để xử lý.

Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc cả mục tiêu mà chủ sở hữu muốn đặt lên vai các tập đoàn nhà nước. Nhìn lại câu chuyện thoái vốn của các tập đoàn nhà nước, có thể thấy, nguồn vốn không những đang bị phân tán lớn, mà còn phải gánh chịu cạnh tranh từ chính những “người anh em” cùng chủ sở hữu.

Đơn cử, trường hợp của Vinashin, kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin khẳng định, đơn vị này chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu biển. Quan điểm của chủ sở hữu rõ ràng như vậy, sẽ định hướng cho các chiến lược hoạt động của không chỉ Vinashin, mà cả các bên liên quan. Cơ chế giám sát cũng sẽ giải toả được sự khiên cưỡng khi các khoản đầu tư của Vinashin nếu chệch hướng sẽ dễ dàng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Khi đó, việc đầu tư trong hay ngoài ngành có thể được giám sát, mà không cần cơ chế đặc thù đi kèm. Điều đáng nói là, với nhiệm vụ rõ ràng, người được trao vị trí lãnh đạo cũng sẽ khó dẫn các doanh nghiệp này đi chệch hướng.

Hơn thế, vai trò trong sự phát triển kinh tế của Vinashin cũng trở nên rõ ràng, đó là không phải tìm kiếm kinh doanh lợi nhuận theo kiểu đầu tư tài chính, kinh doanh bằng mọi giá, mà là đầu tư tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, giá trị gia tăng mới, có độ lan tỏa với nền kinh tế, với các doanh nghiệp khác và với lĩnh vực then chốt.

Có lẽ, các tập đoàn nhà nước khác cũng phải được định vị mục tiêu như vậy, để có thể phối hợp thực hiện trách nhiệm mà chủ sở hữu giao, thay vì dễ dàng va chạm và tác động tiêu cực tới nhau khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh… Khi đó, những cải thiện về quản trị doanh nghiệp theo thực tiễn tốt, cơ chế minh bạch thông tin… cũng sẽ có điều kiện để phát huy hiệu quả.

(Theo Bảo Duy // Báo đầu tư)

  • BMI dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6%
  • Các dự án bãi đậu xe ngầm ở TP.HCM: Cơ hội bỏ lỡ quá lâu
  • Kinh tế Việt Nam và các nước Châu Á vững vàng hơn so với dự báo
  • Tăng trưởng và những điều đáng lưu tâm
  • Nhiều công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ: Không chỉ lãng phí ngân sách
  • Bộ Chính trị: Không để sụp đổ Vinashin
  • Phát triển nhanh gắn với bền vững trong thập niên mới
  • Quan chức không môi giới dự án FDI
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi