Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thách thức thời khủng hoảng

 

Bình quân xuất khẩu trong 2 năm sau gia nhập WTO chỉ tăng 25,27%

Bình quân xuất khẩu trong 2 năm sau gia nhập WTO chỉ tăng 25,27%
Kinh tế thế giới đang trong thời kỳ “đại suy thoái” - đây quả là điều đáng bàn vì Việt Nam mới chính thức gia nhập WTO được hơn 2 năm. Nếu nói như vị trưởng đoàn đàm phán của nước ta cách đây hơn hai năm trước, cái được lớn nhất của chúng ta khi gia nhập WTO là có cả thị trường thế giới để phát triển, thì những thành quả gặt được trong hai năm qua chưa thật nhiều, còn những gì mà chúng ta phải đối mặt trong chặng đường phía trước mắt không hề nhỏ.


Cái được còn ở “thì tương lai”?

Hiển nhiên, nếu nói gia nhập WTO là có cả thị trường thế giới để phát triển, thì kết quả đầu tiên mà chúng ta gặt hái được trong hai năm gia nhập WTO vừa qua rõ ràng không thể coi là lớn.
 

Bởi lẽ, cho dù ước xuất khẩu năm 2008 đã vượt qua được hai ngưỡng 50 tỷ USD và 60 tỷ USD để đạt 62,9 tỷ USD và tăng 29,53% so với năm 2007, nhưng tính bình quân hai năm vừa qua cũng chỉ tăng 25,27%, không quá vượt trội so với 22,63%/năm của hai năm “tiền WTO” 2005-2006, thậm chí cũng chỉ tương tự như tốc độ tăng ba năm “tiền WTO” 2004-2006 (25,44%/năm).


Trong khi đó, cho dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng là “đoàn tàu xuất khẩu” của “người khổng lồ” Trung Quốc bình quân trong 6 năm “hậu WTO” 2002-2007 đã tăng đại nhảy vọt tới 28,85%/năm, cao gấp 2,91 lần so với chỉ 9,90%/năm trong giai đoạn “tiền WTO” 1996-2001 trước đó, cho nên cũng có thêm một căn cứ để nói rằng, xuất khẩu của nước ta vẫn chưa có sự bứt phá trong hai năm “hậu WTO” vừa qua.


Nói cách khác, cho dù chúng ta đã có cả một thời gian dài đằng đẵng cả chục năm để đàm phán gia nhập WTO và tuy nền kinh tế nước ta cũng là một nền kinh tế phát triển theo định hướng xuất khẩu, nhưng những chuẩn bị để đón bắt cơ hội này chưa thể nói là tốt.

Mặc dù vậy, điều đáng mừng nhất chính là ở chỗ, vốn đầu tư nước ngoài thực sự là “của chìm” của nền kinh tế thu hút được lại lớn hơn rất nhiều.


Đó là, ngay từ trước thềm Hội nghị APEC Hà Nội, các Tập đoàn hùng mạnh từ khắp năm châu đã dồn dập đến nước ta và ngay trong năm 2007, năm ghi dấu mốc tròn hai thập kỷ của loại hình đầu tư này, số dự án đầu tư nước ngoài đã tăng vọt lên 1.544, chiếm 15,74% tổng số dự án thu hút được trong vòng 20 năm, còn với 21,348 tỷ USD, số vốn đăng ký chỉ riêng của năm 2007 đã chiếm 21,43%.
 

 Nền kinh tế Việt Nam chưa tận dụng triệt để sự thông thoáng của WTO, bên cạnh đó còn những khó khăn mà chúng ta sẽ phải đối mặt không chỉ trong năm 2010.


Không những vậy, năm 2008 mới là năm bùng nổ dữ dội của nguồn vốn này với hàng loạt dự án “tỷ đô”. Đó là, tính đến ngày 20/12/2008, cho dù số dự án được cấp đăng ký đã “co lại” rất đáng kể (chỉ còn 1.171 dự án), nhưng “chất” của các dự án này đã có bước đột phá, bởi với tổng số vốn đăng ký đã đạt 60,3 tỷ USD, bình quân mỗi dự án lên tới 51,49 tỷ USD, cao gấp 3,73 lần vốn đăng ký của mỗi dự án năm 2007.


Trong đó, điển hình nhất có lẽ là ngành thép với một “chuỗi” dự án nhiều tỷ USD, đứng đầu là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và Tập đoàn Lion Malaysia đầu tư khu liên hợp thép Cà Ná Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký lên tới 9,8 tỷ USD; Liên hợp thép Formosa - Sunco của Đài Loan tại Vũng Áng Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 7,8 tỷ USD với công suất dự kiến 15 triệu tấn/năm...


Sở dĩ nói là điển hình chính là vì lẽ, nếu theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt thì nhu cầu thép thành phẩm của nước ta đến năm 2025 cũng chỉ khoảng 24-25 triệu tấn, trong khi các dự án trong và ngoài nước được thực hiện đúng tiến độ và cho “ra lò” đủ công suất thì sản lượng thép “Made in Vietnam” vào năm 2020 sẽ không dưới 40 triệu tấn, cho nên đã rộ lên câu hỏi: Liệu ngành thép có ảo tưởng, liệu ngành thép có đi lại “vết xe đổ” của xi măng lò đứng...?


Có thể là câu trả lời sẽ rất đơn giản, bởi với những ưu thế địa - chính trị của nước ta và khi đã trở thành một bộ phận của “ngôi nhà chung”, đích đến không chỉ của mặt hàng thép, mà của cả những mặt hàng “Made in Vietnam” của các dự án đầu tư nước ngoài nói chung sẽ không chỉ là nhu cầu của chính nền kinh tế nước ta, mà còn là thị trường thế giới.


Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, cho dù đã có cả thị trường thế giới để phát triển, “đoàn tàu xuất khẩu” của nước ta đã không thể lập tức tăng tốc do những yếu kém của bản thân nền kinh tế, nhưng chúng ta có thể hi vọng vào làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai hiện nay sẽ dẫn đến làn sóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu trong những năm tới giống như những gì đã diễn ra hồi đầu thập kỷ trước.


Hẳn nhiên, việc đạt được những kết quả cho dù có phần còn hạn chế đó là nhờ không chỉ những nỗ lực tập trung thực hiện đúng các cam kết đa phương và các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ, mà còn là những nỗ lực cải cách đồng bộ hệ thống pháp luật, hành chính, tài chính... theo cơ chế kinh tế thị trường từ cả chục năm nay, nhờ đó đã cải thiện rất đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh cho các DN và nhờ những ưu thế đặc biệt quan trọng khác, cho nên đã tăng vọt sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.


Chông gai phía trước
 

Chúng ta không may mắn trong giai đoạn hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế thế giới có thể không chỉ là trong năm 2009, mà còn cả trong một vài năm tới. 

Sở dĩ như vậy trước hết là bởi lẽ, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bùng nổ trong năm 2008 chắc chắn mới chỉ là “khúc dạo đầu”, bởi theo ước tính của IMF gần đây nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn đạt 3,7%, nhưng năm 2009 sẽ rơi tự do xuống chỉ còn 2,2%. Không những vậy, một số dự báo khác còn cho thấy tình hình kinh tế thế giới sẽ còn u ám hơn thế rất nhiều.


Vấn đề tiếp theo sẽ là, liệu kinh tế và thương mại thế giới có kịp hồi phục trong năm 2010 giống như kịch bản của cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất (năm 2001), hay là những “di chứng” của cuộc suy thoái kinh tế hiện nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới trong thập kỷ 30 của thế kỷ trước sẽ còn kéo dài tới 3 năm giống như cuộc suy thoái kinh tế thế giới những năm đầu thập kỷ 90, thậm chí kéo dài tới bốn năm giống như cuộc suy thoái kinh tế thế giới những năm đầu thập kỷ 80.

 

Trong đó, điều không may cho chúng ta chính là ở chỗ, tuy vẫn còn là quốc gia đang ở trình độ phát triển rất thấp, nhưng sự phát triển của nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nặng nề hơn theo định hướng xuất khẩu, đặc biệt là phụ thuộc vào thị trường của nhóm các nước phát triển, cho nên những tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới hiện nay dường như vẫn chưa được lượng hóa đầy đủ.


Trước hết, nếu như dự báo về việc nền kinh tế của nhóm các nước phát triển sẽ tăng trưởng “âm” 0,3% trong năm 2009 của IMF là đúng, thì đây sẽ là kỷ lục đáng buồn nhất của các nền kinh tế hùng mạnh nhất của thế giới trong vòng ít nhất ba thập kỷ trở lại đây. Chắc chắn, cũng vì nguyên nhân chủ yếu này, việc NK hàng hoá và dịch vụ của các nền kinh tế này sẽ giảm 0,3% trong năm 2009 - là kỷ lục kể từ năm 2002 trở lại đây.


Cán cân thương mại thế giới và thương mại các nước phát triển

Sau gần hai thập kỷ nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, thay vì tình trạng vẫn “quanh quẩn” ở thị trường khu vực là chủ yếu, cho nên bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây một thập kỷ, đến nay chúng ta đã đảo ngược được tình thế, phần lớn hàng hoá xuất khẩu đã đến được các thị trường “xa”, thì đây lại chính là khu vực thị trường “bết bát” nhất trong suy thoái kinh tế lần này, cho nên lại vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề có lẽ không kém.


Trong khi đó, với một nền kinh tế mà “rổ hàng hoá xuất khẩu” cách đây 10 năm mới chỉ bằng 33,67% “rổ GDP”, còn hiện nay đã vượt qua ngưỡng 70% như của nước ta, thì theo lôgích thông thường, những tác động tiêu cực của thị trường đầu ra này trong năm 2009 sẽ còn lớn hơn nữa.


Cả hai bài học đối mặt với khủng hoảng kinh tế khu vực và suy thoái kinh tế thế giới gần đây đều cho thấy điều đó. Đó là, trước khi nổ ra khủng hoảng kinh tế khu vực, xuất khẩu của nước ta đang trong giai đoạn “hoàng kim” với tốc độ tăng trưởng 33,16-35,81% trong ba năm 1994-1996, nhưng khi khủng hoảng kinh tế khu vực bùng nổ giữa năm 1997, xuất khẩu giảm tốc chỉ còn 26,59%, còn năm 1998 “chạm đáy” chỉ với 1,91% - mức “đáy” trong vòng 20 năm trở lại đây. Còn về tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta cũng từ giai đoạn “hoàng kim” ba năm 1994-1996 với 8,83-9,54% giảm nhẹ xuống còn 8,18% năm 1997 và rơi tự do xuống 5,76% năm 1998, rồi “chạm đáy” chỉ với 4,77% trong năm 1999.


Tiếp theo, trong lần đối mặt với suy thoái kinh tế thế giới gần đây nhất, đặc biệt là ở thời điểm xảy ra sự kiện “ngày 11 tháng 9 đen tối của nước Mỹ” năm 2001, trong khi tốc độ tăng xuất khẩu của nước ta vẫn đạt 10,5%, còn mục tiêu theo đuổi cả năm là nhích lên 10,7%, nhưng kết thúc cả năm đã rơi tự do xuống chỉ còn 3,77%, thấp rất xa so với 25,26% của năm 2000, năm đầu tiên khôi phục đà tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế khu vực trước đó. Chắc chắn, đây cũng là một nguyên nhân quan trọng chẳng những khiến cho mục tiêu tăng tốc 7,4% trong quý cuối cùng của năm như thông lệ để đạt tốc độ tăng cả năm 7,1% cũng không thực hiện được, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm còn bị tụt lùi so với chín tháng đầu năm (6,89% so với 7%).
 

Không những vậy, nếu như kinh tế và thương mại thế giới nói chung và của nhóm các nước phát triển nói riêng không sớm phục hồi vào năm 2010, mà những “di chứng” của khủng hoảng và suy thoái còn kéo dài trong một vài năm tiếp theo thì đương nhiên những tác động tác động tiêu cực của nó đối với xuất khẩu nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nước ta nói chung cũng sẽ còn kéo dài thêm nữa.

 

( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • DOANH NGHIỆP TRƯỚC CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU, HỖ TRỢ: Doanh nghiệp phấn khởi nhưng còn thấp thỏm
  • Việt Nam trong nhóm có khả năng bị nghèo đói
  • 5 lĩnh vực phát triển sạch triển vọng nhất của Việt Nam
  • Xây dựng các công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp
  • Định vị Việt Nam trong tương lai
  • Đòn bẩy kinh tế hiện tại
  • Cơ hội vượt qua suy thoái: Doanh nghiệp có mặn mà!
  • Nhiều nhà đầu tư “đầu cơ” dự án thép
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi