Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thu hồi đất công sử dụng trái luật: Tiếp tục… chờ!

Cuộc làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM và Thường trực Ban Chỉ đạo 09 TP chiều 14-7 là buổi làm việc cuối cùng trong chương trình giám sát tình hình quản lý và sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) Nhà nước trên địa bàn TPHCM do đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức. Cùng dự buổi làm việc có đoàn giám sát của UBTVQH do Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền làm trưởng đoàn. Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo đã tham dự.

        Hành trình “chông gai”

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các TCT, doanh nghiệp nhà nước, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt thống kê: Các tập đoàn, TCT đang trực tiếp sử dụng 410 khu đất với diện tích 6.318.412m². Về hiện trạng quản lý sử dụng đất thì diện tích sử dụng đúng mục đích là 2.503.041,3m². Số chưa sử dụng (để hoang và đầu tư chậm) chiếm khá lớn (3.725.928,3m²), cho thuê trái pháp luật (24.534,3m²), cho mượn (750,6m²), bị lấn chiếm (2.181,5m²), đang tranh chấp (7.131,4m²)…

Ông Kiệt “điểm mặt” các “đại gia” này là: TCT Thủy sản Việt Nam cho thuê lại 9.535,2m² đất, TCT Gia cầm miền Nam cho thuê lại 2.528,8m² đất… Nghe những con số quá “ấn tượng” trên, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền giật mình: Nếu thực tế đúng như báo cáo thì đây quả là sự lãng phí ghê gớm!

Nguyên nhân của những vi phạm trên, theo ông Kiệt là do người đứng đầu tổ chức sử dụng đất chưa làm hết trách nhiệm của mình. Giá thuê đất còn nặng tính bao cấp và thấp hơn thị trường dẫn đến tình trạng cho thuê lại để hưởng chênh lệch. Nhiều khu vực chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch không khả thi nên doanh nghiệp muốn đầu tư phải chờ quy hoạch chi tiết được duyệt hoặc điều chỉnh, từ đó dẫn đến bỏ trống, không sử dụng hoặc sử dụng cầm chừng. Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước được giao quỹ đất cũng như sự bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật.

Để thu hồi lại đất sử dụng trái luật là cả một hành trình chông gai do còn quá nhiều bất cập. Ông Kiệt phân tích: Để thu hồi đất vi phạm thì phải có kết luận thanh tra. Để có kết luận thanh tra thì cần… thời gian. Nhưng khi thu hồi đất do các tập đoàn, TCT quản lý, sử dụng sai mục đích… thì bộ ngành trung ương lại quyết định, TP có muốn cũng không thể can thiệp!

Mặt bằng sử dụng lãng phí trên địa bàn quận 8. Ảnh: ĐẶNG VĂN KHOA

 

Tiếp tục... kiến nghị!

Ông Đào Anh Kiệt cho rằng: Đối với các tập đoàn, TCT nhà nước để các đơn vị thành viên liên tục làm ăn thua lỗ, sử dụng đất không hiệu quả thì UBND TP cần điều chỉnh diện tích sử dụng đất cho phù hợp hoặc kiến nghị thu hồi lại. Chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất nhưng sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết trái luật…

Trung ương nhanh chóng bổ sung các quy phạm đầy đủ để Luật Đất đai có thể điều chỉnh được đối với đất có nguồn gốc công sản, không cào bằng như những tổ chức sử dụng đất do tự do chuyển nhượng. Cần xóa bao cấp đối với trường hợp giao đất không thu tiền để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với kinh tế thị trường. Khi sắp xếp nhà, đất cho các đơn vị, không chỉ xem xét quy mô mà còn là vị trí và giá trị bất động sản.

Kiên quyết xử lý các tổ chức sử dụng đất, người đứng đầu các tổ chức sử dụng đất có vi phạm (như xử phạt vi phạm hành chính, cần thiết thì xử lý hình sự). Đặc biệt, có thể tiến hành thu hồi đất của tổ chức vi phạm ngay khi có đầy đủ chứng cứ mà không cần chờ kết luận thanh tra.

Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo 09 của TP phân tích: Theo quy định của Quyết định 09 đối với trường hợp nhà đất đã bố trí làm nhà ở cho cán bộ công chức nhưng không đủ điều kiện chuyển giao ngành nhà đất quản lý và xử lý theo chính sách nhà ở, thì cơ quan đơn vị quản lý nhà đất phải lập phương án di dời để trả lại hiện trạng và sử dụng cho mục đích làm văn phòng làm việc, sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên Quyết định 09 và Quyết định 140 của Thủ tướng không quy định rõ chính sách hỗ trợ di dời, nguồn kinh phí di dời và thời gian thực hiện. Trong khi đó, TPHCM không có quỹ nhà tái định cư để phục vụ di dời. Vì vậy, nhiều trường hợp đã có quyết định phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp nhưng đơn vị chưa triển khai việc thực hiện.

“Do khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM rất lớn, với đặc điểm lịch sử được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, có sự thay đổi qua nhiều cấp, nhiều ngành nên số cơ sở nhà đất quản lý sử dụng lãng phí, không đúng mục đích khá lớn. Trong khi đó, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài nên việc rà soát xử lý sắp xếp phải mất rất nhiều thời gian” - bà Đào Thị Hương Lan nói.

Sáng 14-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín và đại diện các sở ngành của TP đã làm việc với đoàn giám sát của UBTVQH.

Tính đến cuối năm 2008, TPHCM có 17 TCT, công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và 53 doanh nghiệp độc lập thuộc sở ngành, quận huyện. Nhiều vướng mắc được các sở ngành của TP phản ánh với đoàn giám sát: Định giá doanh nghiệp, quy định người có quyền mua cổ phần, chính sách giá bán cổ phần cho các loại đối tượng được mua, xử lý các vấn đề đất đai, công nợ, chính sách đối với người lao động, xử lý, sắp xếp 53 doanh nghiệp công ích thuộc sở ngành, quận huyện…

 

(Theo LÊ MINH - HỒNG HIỆP // SGGP online)

  • Đến lúc xác định thời điểm kết thúc gói kích cầu
  • Vụ “phá rừng để... trồng rừng” ở Quảng Nam: Ai đứng sau?
  • Tốc độ tăng giá tiêu dùng trở lại mốc một con số
  • Kinh tế 7 tháng đầu năm 2009 đã chuyển biến tích cực
  • Xuất khoai sang “cường quốc khoai”
  • Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tiếp tục tăng nhẹ
  • Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển dịch vụ giai đoạn 2009 - 2011
  • Xuất khẩu nông sản: Bức tranh ảm đạm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi