Dù không có mức tăng mạnh như trong tháng 6 nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tiếp tục lừ lừ tiến về phía trước với mức tăng 0,52%. Với mức tăng này, mức lạm phát của 7 tháng đầu năm ở mức 3,22%.
![]() |
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng nhẹ 0,52% |
Dẫn đầu về mức tăng giá trong tháng 7 là nhóm Phương tiện đi lại, bưu điện, với mức tăng rất mạnh 3,05%. Kế đến là nhóm hàng Nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,89%.
Theo Tổng cục Thống kê, việc giá điện, giá xăng, giá nước sinh hoạt và vật liệu xây dựng ở một số địa phương tăng giá trong thời gian qua là nguyên nhân chính của việc nhóm này tăng giá mạnh trong tháng.
Cùng có mức tăng giá mạnh là nhóm Đồ uống và thuốc lá với mức tăng 0,47%. Nhóm hàng Văn hoá, thể thao, giải trí và Đồ dùng và dịch vụ khác cùng có mức tăng 0,45%.
Đáng chú ý, sau nhiều tháng có mức tăng liên tiếp, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã có sự giảm nhẹ trong tháng 7 với mức giảm 0,48%, trong đó nhóm lương thực giảm mạnh nhất với mức 0,92% kế đến là nhóm thực phẩm giảm 0,05%. Tuy nhiên nhóm ăn uống ngoài gia đình lại có mức tăng 1,01% so với tháng trước.
Xét theo khía cạnh địa phương, Gia Lai dẫn đầu về mức tăng giá của các mặt hàng trong tháng với mức tăng 0,82%, kế đến là Đà Nẵng và Hà Nội với mức tăng chung 0,77%. Một số địa phương có mức tăng nhẹ khác là TP.HCM 0,68%, Khánh Hòa 0,55%, Vĩnh Long 0,62%, Thừa Thiên Huế 0,53%.
Chỉ số giá vàng trong tháng đã có mức giảm nhẹ 0,43% trong khi giá đô la Mỹ tăng nhẹ 0,85%. Với mức tăng này giá đô la Mỹ trong 7 tháng qua đã có mức tăng 6,22% còn giá vàng tăng tới 23,91%.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ, Giá cả, Tổng cục Thống kê cho biết từ tháng 10/2009 cơ quan này sẽ áp dụng cách tính CPI mới do cách tính hiện nay đã được tiến hành từ những năm 1985-1987. Khi đó lạm phát tăng với tốc độ chóng mặt, các nhà quản lý liên tục phải ngồi lại với nhau để tìm biện pháp giải quyết. Do vậy, tốc độ tăng giá được tính theo tháng để dễ theo dõi và có phản ứng kịp thời.
Theo ông Thắng, theo thông lệ quốc tế, cứ 4-5 năm/lần sẽ có sự điều chỉnh cập nhật mới về mặt hàng trong rổ hàng hoá tính CPI. Có những mặt hàng không còn được dùng phổ biến sẽ được thay thế bằng những mặt hàng thông dụng hơn
Theo cách tính mới, giỏ hàng cũ và giỏ hàng mới có sự khác nhau về số lượng, vì giỏ hàng mới sẽ tăng thêm 82 mặt hàng mới, từ 490 lên 572 mặt hàng. Số lượng nhóm cũng sẽ có sự điều chỉnh tăng từ 10 lên 11 nhóm. Sự tăng thêm này là do nhóm giao thông và bưu chính - viễn thông được tách ra thành hai nhóm mới là nhóm giao thông và nhóm bưu chính - viễn thông.
Đây là hai nhóm ngành khác nhau và luôn có những diễn biến trái chiều nhau mà nếu chúng ta vẫn xếp chung trong một nhóm thì không phản ánh chính xác. Ví dụ, nhóm giao thông gồm xe cộ, vé, cước, nhất là xăng dầu là những mặt hàng trong xu hướng tăng. Còn nhóm bưu chính - viễn thông thì lại nằm trong nhóm giảm rất mạnh.
(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com