Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TP. HCM: Nâng cao sức mạnh cho DN

34 năm sau ngày giải phóng, trong vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM đang đứng trước rất nhiều khó khăn trước những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, mục tiêu chính của Đảng bộ TP HCM là nâng cao sức cạnh tranh cho DN và chăm lo đời sống cho nhân dân. Ông Lê Thanh Hải- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với DĐDN.


Theo ông Lê Thanh Hải, với tinh thần “Vì cả nước, cùng cả nước”, tốc độ tăng trưởng GDP trên địa bàn TP cao hơn so với mức bình quân của cả nước từ 1,4 - 1,5 lần trong nhiều năm liền, nên tỷ trọng tổng sản phẩm nội địa so với cả nước ngày càng cao (năm 2008 ước khoảng 21,5% so với 19% năm 2005). Tuy trước mắt còn rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng những gì đã đạt được trong thời gian qua là cơ sở rất quan trọng để chúng tôi tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân TP sẽ thực hiện thành công kế hoạch phát triển KT-XH.
 

- Thưa ông, trong bối cảnh khó khăn chung, TP HCM cũng đã gặp phải những khó khăn trong quá trình phát triển theo hướng bền vững ?


Tuy đạt được những thành tựu rất cơ bản, nhưng TP đang đứng trước bốn vấn đề lớn, nếu chậm giải quyết hoặc giải quyết không có hiệu quả sẽ trở thành lực cản đối với sự phát triển thành phố theo hướng bền vững.


Thứ nhất là cơ cấu kinh tế có sức cạnh tranh thấp: Mặc dù trong 2 thập niên qua, kinh tế TP có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng do sức cạnh tranh còn thấp nên đang gặp thách thức rất lớn khi hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế. Nhiều DNNVV còn lúng túng trong hội nhập, nên ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng sản xuất. Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đề ra trong nhiều năm qua, nhưng triển khai chậm, chưa đạt yêu cầu.
 

Thứ hai là kết cấu hạ tầng đô thị vốn đã bất cập, nay càng bộc lộ yếu kém so với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. Mặc dù, trong kế hoạch dài hạn, Chính phủ và TP HCM đã đề ra những giải pháp căn cơ nhằm giải quyết tình trạng giao thông và ngập nước. Nhưng trong những năm trước mắt, khi các dự án đầu tư lớn chưa hoàn thành, thì TP còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh.


Thứ ba là nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một điều có vẻ bất hợp lý là TP HCM đang chiếm vị trí thứ hai so với cả nước (chỉ sau Thủ đô Hà Nội) về cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ và đội ngũ khoa học - kỹ thuật, nhưng lại đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Từ 10 năm trước, TP đã đề ra “Chương trình phát triển nguồn nhân lực” và chính thức trở thành 1 trong 12 chương trình, công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2001-2005, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu phát triển TP theo mục tiêu quy hoạch.


Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP theo hướng phát triển các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học - kỹ thuật và giá trị gia tăng cao, nhưng chưa gắn kết được định hướng này với hệ thống đào tạo trên địa bàn, nên quan hệ cung - cầu của thị trường lao động bị méo mó. Hiện nay nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao đang thiếu nguồn lao động. Đây là thách thức lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và tiếp tục giữ vai trò động lực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Thứ tư là tổ chức, quản lý và phát triển đô thị còn bất cập. Trình độ cán bộ, công chức các cấp, các ngành không đều, tính chuyên nghiệp chưa cao, nên ảnh hưởng đến chất lượng công vụ. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước các cấp chưa mang lại hiệu quả và hiệu lực theo yêu cầu quản lý. Ở đây có nguyên nhân về thủ tục hành chính, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Nhưng nguyên nhân bao trùm và sâu xa vẫn là sự bất cập của mô hình tổ chức và quản lý đô thị, nhất là loại hình siêu đô thị như TP HCM. Về vấn đề này, TP đã quan tâm nghiên cứu, kiến nghị Trung ương “Đề án tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị” và hiện đang trong quá trình xem xét cho TP thực hiện thí điểm.


- Vậy TP HCM sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào, thưa ông ?


Chắc chắn trong năm 2009, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn phải chịu tác động bất lợi của tình hình chung trong nước và quốc tế. Để giải quyết vấn đề lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay không thể thực hiện trong một thời gian ngắn được, mà cần phải có một kế hoạch trung hạn từ nay đến hết năm 2010.


Năm 2009, với ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên TP sẽ đề ra mục tiêu tăng trưởng để giữ không cao hơn mức đạt được của năm 2008 và sẽ thấp hơn năm 2007; trên cơ sở đó cân đối các nguồn lực khác (mục tiêu tăng GDP trên địa bàn TP phấn đấu đạt mức tương đương 1,5 lần tốc độ tăng GDP bình quân của cả nước). Mặc dù hiện nay rất nhiều chỉ tiêu trong mục tiêu phát triển KT - XH 5 năm 2006 - 2010 TP đã và đang đạt được, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân trong 5 năm trên 12%/năm, cần phải có những giải pháp đột phá, vì năm 2009 và năm 2010 vẫn còn là thời kỳ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chưa thể tăng tốc phát triển.


- Các DN sẽ nhận được những hỗ trợ như thế nào từ phía TP, thưa ông ?


Về quan điểm, TP sẽ tập trung mọi nỗ lực để thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.


Kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước và từ thực tiễn sinh động của nửa đầu nhiệm kỳ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Thành ủy TP HCM quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ TP nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, mục tiêu cuối cùng và cao cả nhất là nâng cao sức cạnh tranh cho DN và chăm lo đời sống cho nhân dân, xứng đáng Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng!


- Xin cảm ơn ông.

(Theo Lương Bích Ngọc - Diễn đàn doanh nghiệp )

  • Kiểm soát và mở cửa thời có “bão”
  • Quý 2, kinh tế lấy đà tăng trưởng
  • Hơn 50% Doanh nghiệp Nhỏ và vừa gặp khó khăn
  • Vận động hành lang ở Mỹ và một số kinh nghiệm với Việt Nam
  • Tháng 4: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhẹ
  • Gói kích cầu đã đạt hiệu quả đáng kể
  • Cần "tiếp sức" cho các nhà khoa học Việt
  • Xây dựng mạng lưới giao thông Hải phòng hiện đại- Kết nối đồng bộ khu vực duyên hải Bắc Bộ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi