Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng DHBB thành vùng kinh tế tổng hợp có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển KTXH của cả nước, đặc biệt là chiến lược kinh tế biển Việt Nam.
Trong đó định hướng phát triển giao thông vùng gồm: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh, kết nối một cách đồng bộ, thuận lợi giữa các địa phương lân cận và các tỉnh phiá Nam Trung Quốc, làm động lực, thúc đẩy KTXH của các tỉnh trong vùng.
Hình thành các nút giao khác mức
Hải Phòng hiện đang triển khai nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm mang tầm quốc gia và quốc tế như: Dự án đuờng ô- tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; Dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục qua KCN Đình Vũ, Dự án cầu Khuể, Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, Dự án đầu tư xây dựng sân bay cát Bi thành cảng hàng không quốc tế… Mục đích, ý nghĩa và nội dung các dự án giao thông trên địa bàn Hải Phòng đều phù hợp và gắn kết chặt chẽ với nội dungQuy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc Bộ. Khi các dự án này hoàn thành, đưa vào khai thác không chỉ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh hoà với hệ thống giao thông quốc gia, mà còn tạo huyết mạch quan trọng cho cả vùng phát triển trong giai đoạn CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Định hướng Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc Bộ đề cập phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông khá phong phú, trong đó có nhiều dự án phát triển giao thông đường bộ, đường sắt liên quan đến Hải Phòng như: Đường ô- tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đường cao tốc ven biển, hoàn thiện xây dựng đường gom dọc tuyến quốc lộ 5, nhằm bảo đảm ATGT, đạt tiêu chuẩn cấp 1 đồng bằng, cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 từ Quảng Ninh qua Hải Phòng đến Nga Sơn, Thanh Hoá cùng hệ thống đường gom dọc tuyến; Tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Chú trọng xây dựng tuyến đường sắt nội vùng trong đó có tuyến đường sắt duyên hải nối Nam Định- Thái Bình- Hải Phòng- Quảng Ninh; đồng thời nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng, các nhà ga hiện có, đáp ứng nhu cầu lâu dài. Đặc biệt coi trọng nâng cấp các nút giao giữa đường sắt và các tuyến quốc lộ thành nút giao khác mức. Các tuyến đường sắt qua nội đô được xây dựng trên cao, tránh xung đột giao thông trong khu nội thị. Tiếp tục xây dựng các bến còn lại của Cảng Đình Vũ, duy trì luồng vào Cảng Hải Phòng cho tàu 1-2 vạn tấn ra vào thuận lợi, di chuyển cảng Hoàng Diệu để xây dựng đô thị và cảng khách du lịch đường biển quốc tế. Đầu tư nạo vét luồng tàu Nam Triệu vào Cảng Hải Phòng hỗ trợ cho luồng chính qua cửa Lạch Huyện; Đối với giao thông thuỷ nội địa: Cải tạo, hoàn thiện các tuyến chính trên sông Đá Bạc, Bạch Đằng, sông Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, các sông khác trong vùng…Cải tạo, nạo vét hệ thống các cửa sông trong vùng. Nâng cấp sân bay Cát Bi thành cảng hàng không quốc tế, dự bị cho sân bay Nội Bài…
Tập trung mọi nguồn lực
Triển khai các dự án công trình nằm trong Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc bộ đòi hỏi huy động các nguồn lực thời gian dài. Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có những khó khăn nhất định, các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn cho thi công như Dự án đường ô- tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng lên tới 35 nghìn tỷ đồng cho các gói thầu xây lắp: Dự án đầu tư xây dựng 2 bến khởi động, luồng tàu, hệ thống phao tiêu báo hiệu, đê chắn sóng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng cũng như dự án đường và cầu Tân Vũ- Đình Vũ - Cát Hải huy động hàng trăm triệu USD. Trước mắt, ngành Giao thông Vận tải Hải Phòng tập trung triển khai các dụ án đã được bố trí vốn như Dự án đầu tư tuyến trục qua KCN Đình Vũ trị giá 75 tỷ đồng, Dự án cầu Khuể trị giá 238 tỷ đồng (đã được Thủ tướng đồng ý cho sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ); Đặc biệt là Dự án phát triển giao thông đô thị vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) trị giá 222 triệu USD (giai đoạn 1 trị giá 135 triệu USD). Với ý nghĩa to lớn, hiệu quả nhiều mặt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới thống nhất đưa dự án này vào danh mục dự án trong khoá tài chính năm 2009 và đàm phán hiệp định vay vốn ODA của WB trong năm nay. Trước yêu cầu tiến độ rất khẩn trương, thành phố Hải Phòng tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và WB chuẩn bị dự án, nghiên cứu khả thi và hoàn tất trong tháng 3-2009.
Cùng với việc triển khai các dự án lớn nói trên, các quận, huyện của Hải Phòng tập trung mọi nguồn lực cho phát triển giao thông đô thị, giao thông nông thôn, tuân thủ các chỉ tiêu trong Quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc Bộ đề ra như: quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 20-25% tổng diện tích đất xây dựng thành phố; mật độ bình quân đường giao thông tại khu vực trung tâm 6-8km/km2, các khu vực khác từ 3-5km/km2. Tổ chức hệ thống giao thông đô thị bao gồm xây dựng các tuyến cửa ngõ ra vào trung tâm vùng với các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn; Xây dựng các tuyến tránh đô thị, hình thành đường vành đai tại khu vực có các trục lộ quan trọng đi qua, chú trọng xây dựng các bến xe khách đầu mối; nâng cấp hệ thống giao thông nội đô, lựa chọn phương thức vận tải công cộng hiện đại…Nghiên cứu đầu tư xây dựng các công trình giao thông ngầm hợp lý cho từng khu vực. Tiếp tục nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn nối liền với mạng lưới giao thông quốc gia, cải tạo các nút giao cắt khác mức với các quốc lộ, bảo đảm ATGT. Xây dụng hệ thống đường giao thông nông thôn liên hoàn đến các thôn, xã, bảo đảm tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, đáp ứng sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, đồng bộ, phát huy hiệu quả khai thác.
Anh Tú // baohaiphongdientu
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com