Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng kinh tế trung và dài hạn của Việt Nam

Hệ thống bồn chứa dầu hình cầu
ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hội nghị kinh tế đối ngoại với Chính phủ Việt Nam 2009 vừa diễn ra trong hai ngày 17, 18-3 tại Hà Nội với chủ đề "Ðịnh vị Việt Nam trong tương lai" đã thu hút được sự chú ý của dư luận khi tập trung thảo luận về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến kinh tế trong nước và những giải pháp của Chính phủ, cũng như chiến lược phát triển lâu dài của đất nước.

 

Những con số dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2009 do các tổ chức ngoài nước đưa ra rất khác nhau. Những con số để tham khảo. Ðiều khẳng định là những người dự Hội nghị đều nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trung và dài hạn là khả quan.

 

Tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, mặc dù năm 2009 rất khó khăn cho kinh tế Việt Nam, song dự kiến cuối năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ có bước phục hồi, cho dù khiêm tốn. Phó Thủ tướng cũng đưa ra dự báo những tháng cuối năm 2009 này và năm 2010, tình hình sẽ bắt đầu trở lại ổn định. Năm 2008 mặc dù có nhiều khó khăn, Việt Nam đã đạt tỷ lệ tăng trưởng 6,2% và mục tiêu cho năm 2009 mà Chính phủ đặt ra là 6,5%.

 

Tuy nhiên, một thông tin gây chú ý tại Hội nghị đó là dự báo của EIU, cơ quan thông tin kinh tế thuộc tập đoàn báo chí The Economist, đơn vị tổ chức hội nghị đưa ra con số ước tính kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm nay.

 

Ông J.Út (Justin Wood), chuyên gia Ðông-Nam Á của EIU nói: "Chúng tôi cho rằng năm 2009 sẽ là một năm vô cùng nhiều thử thách". Theo EIU, nguyên nhân suy giảm chủ yếu được cho là vì các yếu tố bên ngoài, như tình hình suy thoái kinh tế tại các quốc gia, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. EIU dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ sụt tới hơn 30% về lượng.

 

Mặc dù con số 0,3% gây nhiều tranh luận, theo EIU, Việt Nam vẫn là một trong bốn nền kinh tế Á châu có tăng trưởng dương, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Ðộ và Indonesia. "Nếu như tính tới bối cảnh khu vực thời kỳ khủng hoảng thì đây không phải kết quả quá tệ" - Ông J.Út nói.

 

Dự báo của EIU không nhận được sự tán thành của nhiều tổ chức nước ngoài khác. Quyền đại diện trưởng World Bank tại Việt Nam M.Ra-ma (Martin Rama) cũng cho rằng, Việt Nam có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Ông nói: "Việt Nam hiện chỉ đang trải qua một thời kỳ suy giảm mà thôi. Việt Nam có lợi thế hơn nhiều quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại nhờ những điều chỉnh và nỗ lực tốt trong năm 2008". Ông nhận định, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ là 5,5%. Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF trong một bản báo cáo mới đây cho rằng GDP tăng trưởng năm 2009 của kinh tế Việt Nam là 4,8%. Còn ông D.Phéc-nan-đét (David Fernandez), Kinh tế trưởng của JPMorgan Chase cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ vào khoảng 5%, tương tự như một dự báo trước đó của Ngân hàng HSBC.

 

Về ý kiến của các tổ chức nước ngoài, các chuyên gia của Việt Nam tiếp nhận một cách bình tĩnh. Theo TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM, mặc dù chỉ là dự báo, nhưng con số 0,3% của EIU là không sát với thực tế ở Việt Nam. Ông cho biết, hiện nông nghiệp của Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng khoảng từ 3-4%, trong khi nông nghiệp chiếm 20% GDP. Riêng lĩnh vực này cũng đã đóng góp cho tăng trưởng GDP ít nhất cũng phải 0,8%, đó là chưa kể đến các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

 

Một thành viên của Ủy ban tư vấn tiền tệ quốc gia thì cho rằng, những tín hiệu tốt của nền kinh tế hiện đã bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn, tăng trưởng công nghiệp trong tháng 2 đã có sự chuyển biến khá so với bình quân của năm 2008, tiêu thụ trên thị trường nội địa đã bắt đầu khởi sắc.

 

Thời gian vừa qua, các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thường hay đưa ra những bản báo cáo, trong đó đánh giá, nhận định và dự báo tình hình kinh tế tổng quan ở Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, dự báo của họ là một kênh để tham khảo, trong đó có những dự báo không chính xác. Thậm chí, có dự báo thay đổi hàng tuần, hàng tháng.

 

TS Trần Ðình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, không nên quá câu nệ vào con số, mà là những định hướng về sự phát triển Việt Nam trong tương lai. Ðiều quan trọng là Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Ông C.Ghót- đát (Charles Goddard, Tổng biên tập EIU cho biết: "Ðầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh vì các nhà đầu tư nước ngoài được khích lệ bởi cam kết của Việt Nam không ngừng cải cách và mở cửa nền kinh tế".

 

Ông T.Tô-bin (Thomas Tobin), Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam nhận định, trong trung hạn và dài hạn Việt Nam sẽ tiếp tục là một điểm đầu tư hấp dẫn. Ðại diện của Ngân hàng HSBC khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến quan trọng để sử dụng nguồn vốn của cổ đông, đồng thời cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam thông qua những kinh nghiệm quốc tế của mình. "Những phương án và biện pháp mà Chính phủ việt Nam thực hiện để đối phó với tình hình đang có những ảnh hưởng tích cực. Chúng tôi vui mừng khi Chính phủ tiếp tục thực hiện những cải cách tài chính phù hợp với những cam kết WTO, những cải cách mà HSBC là một trong những người được hưởng lợi" - Tổng giám đốc điều hành HSBC tại Việt Nam T.Tô-bin (Thomas Tobin) nói.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị đều đánh giá cao những chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam sau 20 năm đổi mới, tạo ra động lực to lớn cho phát triển kinh tế, đem lại sinh lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo. Các diễn giả đều cho rằng, các chính sách của Chính phủ Việt Nam cho thấy quyết tâm cao trong đổi mới, bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều ý kiến đánh giá cao về sự điều hành của Chính phủ Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát và ngăn chặn suy giảm kinh tế.

 

Tại phiên bế mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, Việt Nam đang điều chỉnh chiến lược phát triển từ phát triển truyền thống dựa trên cơ sở tăng yếu tố đầu vào, khai thác tài nguyên sang phát triển dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðó chính là lý do Chính phủ Việt Nam nhất quán coi phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, nhằm phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào, năng lực sáng tạo của toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: "Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, không chỉ những nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam mà cả những nhà đầu tư có ý định hoặc kế hoạch đầu tư vào Việt Nam".

 

 

( Theo báo điện tử Nhân dân)

  • Cần đẩy mạnh kích cầu cho thị trường
  • Niềm tin vào nội lực phát triển của Việt Nam
  • Cách nhìn của... “người ngoài”
  • Standard Chartered: Việt Nam tăng trưởng GDP 4,2% năm nay
  • Nhu cầu trong nước giúp Việt Nam giảm ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế
  • Doanh nghiệp là trung tâm!
  • Quý I, GDP cả nước tăng 3,1% so cùng kỳ
  • Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Năm 2010: Việt Nam sẽ phục hồi đà tăng trưởng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi