Lực lượng lao động làm việc tại nhiều KCN hiện nay đang giảm mạnh |
Hai tác động vô cùng quan trọng đến Việt Nam đó là việc làm và ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội (Molisa), cụ thể là Cục việc làm đưa ra về con số thất nghiệp có thể chưa chính xác.
Thất nghiệp chưa được tính đủ
Sở dĩ báo cáo của Molisa chưa chính xác là vì chủ yếu dựa vào khu vực chính thức mà bỏ qua khu vực phi chính thức như làng nghề. Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã phá sản rồi, nhưng không tuyên bố phá sản và không ai muốn thực hiện thủ tục phá sản. Báo cáo này cũng không tính đến thực tế là Việt Nam là nước có dân số trẻ, có nghĩa là mỗi năm phải tạo việc làm mới cho 1,7 triệu lao động. Như vậy, nền kinh tế phải tăng trưởng đủ cao thì mới tạo ra việc làm. Với tốc độ tăng trưởng 3,1% (trong quý I) thì sẽ rất khó tạo ra việc làm cho lực lượng lao động này. Cho nên số liệu thất nghiệp của Molisa là 400.000 người không phản ánh đúng, đủ, chính xác tất cả tình trạng hiện nay.
Tôi vừa đi khảo sát các khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội); Tân Thuận (TPHCM); và Amata (Đồng Nai) thu nhận được con số, lực lượng lao động hiện nay đã giảm mạnh từ 51.000 (đến tháng 2/2009) xuống còn 46.000 người, giảm đi 10%. Trong số những lao động còn lại này có những lao động đang được nghỉ việc hưởng 70% lương; những lao động đang làm việc trước đây làm 3 ca thì bây giờ làm 2 ca. Điều này cho thấy tỉ lệ hủy sử dụng lao động vô cùng cao 30 - 40%. Điều này cũng chưa bao giờ xuất hiện ở số liệu thống kê của Molisa.
Quan ngại thu ngân sách
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm nay ước tính có thể đến mức 10 - 12% GDP, đó là chưa kể các khoản chi ngoài ngân sách. Vấn đề đặt ra là nguồn tài trợ cho thâm hụt ngân sách ở đâu ra? Mặc dù chúng ta đã phát hành trái phiếu tiền đồng, và USD, tuy nhiên phải lưu ý thực tế của đợt phát hành trái phiếu tiền USD vừa qua. Đợt 1 được 100 triệu USD, đợt 2 được 80 triệu USD và đợt 3 là 50 triệu USD, tổng cộng được 230 triệu USD nhưng thâm hụt ngân sách của năm nay phải đến 8 - 10 tỉ USD. Vậy phải lấy từ đâu ra?
Các vấn đề có tính cơ cấu nội tại lâu dài của nền kinh tế Việt Nam chưa hề thay đổi trong 2 năm qua. Vấn đề đặt ra bây giờ là cấp cứu hay cơ cấu? Tôi cho rằng, 2 vấn đề này có mối liên hệ không loại trừ nhau. Khi nền kinh tế suy giảm đến mức độ như thế này chúng ta phải cấp cứu nhưng phải theo một cách nào đó để không nguy hại đến tăng trưởng dài hạn. Điều đó rất quan trọng!
Mặt trái của gói hỗ trợ lãi suất
Trên thực tế những hành động cấp cứu trong giai đoạn qua có những mặt tốt nhưng cũng còn có mặt gây tác động xấu và ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn, thậm chí không tác động đến cơ cấu của nền kinh tế. Ví dụ việc hỗ trợ lãi suất 4% có tác dụng cứu một loạt các doanh nghiệp đã chết về mặt “lâm sàng”, giúp họ kéo dài lay lắt thêm một thời gian nữa. Trong khi đó, chúng ta ở trong bối cảnh như hiện nay cần phải dũng cảm cho một số doanh nghiệp ra đi, bởi vì đây là cơ hội để cấu trúc lại, tăng hiệu quả cho nền kinh tế.
Thứ hai là, nếu chúng ta nhìn vào khoản tiền giải ngân theo chính sách 4% là khoảng 300 ngàn tỉ đồng, tổng dư nợ khoảng 1,2 triệu tỉ đồng. Nếu đưa tất cả các khoản giải ngân này vào kinh doanh sẽ làm tăng dư nợ tín dụng khoảng 16%. Trên thực tế, chỉ tăng dư nợ 2%, vậy thì 14% đi đâu? Tiền sẽ quay ngược trở lại các ngân hàng. Như vậy khi chúng ta đưa ra một chính sách để kích cầu mà kết quả cuối cùng không kích được cầu mà kích đầu tư ở cung, đồng thời lại không làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh được gia tăng, không tạo công ăn việc làm. Đến thời điểm này đã cho thấy những bất cập về chính sách cần sớm có nghiên cứu đầy đủ để đưa ra quyết sách thay đổi tình thế.
Ví dụ thứ ba hết sức khó khăn và gay cấn trong thời gian tới đó là chúng ta đang cố gắng tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách. Ngay bản thân gói hỗ trợ lãi suất 4% cũng là dựa vào chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu cho Bộ Tài chính vay 20 nghìn tỷ đồng lấy từ quỹ dự trữ. Việc tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách đòi hỏi phải hết sức thận trọng.
Kiến nghị giải pháp
Theo tôi, một số biện pháp cụ thể lúc này cần tiến hành là xem xét lại gói hỗ trợ lãi suất 4% và chấp nhận cho một số doanh nghiệp đóng cửa. Cho vay thì nên hỗ trợ lãi suất 4% hay nên giảm lãi suất cơ bản? Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời một cách thỏa đáng. Cá nhân tôi ủng hộ việc giảm lãi suất cơ bản để từ đó có sự hỗ trợ chung cho nền kinh tế và không lập lờ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, và không tạo ra khe hở lớn để nhiều người lợi dụng.
Biện pháp thứ hai là không tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách. Cần phải cố gắng giữ một lượng ngân sách, bởi vì thâm hụt ngân sách lên đến 10 -12% GDP đồng thời thâm hụt tài khoản vãng lai lên đến trên 10% là dấu hiệu đáng báo động về kinh tế vĩ mô. Rất khó để duy trì được nó vì không bền vững và nguy hiểm.
Thứ ba là vấn đề việc làm. Vấn đề này hiện nay rất nghiêm trọng, nên cần có những khảo sát đầy đủ hơn, cập nhật hơn.
Hiện nay có một số dấu hiệu mới nổi lên đối với nền kinh tế Mỹ; đó là tỉ lệ thất nghiệp. Cụ thể, có 663 nghìn lao động mất việc trong tháng 3/2009, làm cho tổng số lao động mất việc làm trong quý I/2009 của nước Mỹ là trên 2 triệu người, một tỉ lệ chưa từng có, đưa tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng từ 8,1% lên 8,5%. Trung bình sản xuất ô tô ở Mỹ từ 17 triệu chiếc/năm nay còn 9 triệu chiếc, giảm đi một nửa. Nền kinh tế thế giới vẫn đang xấu đi và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
(Theo Tư Giang - Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com