Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam: 'Bão' thất nghiệp sắp đổ bộ?

Thông tin về tình hình người lao động khó tìm việc làm và số lượng lớn các DN đã và đang buộc phải giải thể, phá sản ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của đội ngũ lao động đang có việc làm cũng như lực lượng lao động bổ sung hàng năm.

Ước tính con số thất nghiệp

Thông tin về con số thống kê với 79 ngàn doanh nghiệp giải thể và phá sản, và có thể tiếp tục có thêm rất nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể trong năm nay, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn bên cạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) làm tăng nguy cơ thất nghiệp cho người lao động trên diện rộng với phạm vi cả nước.

Chỉ ước tính riêng con số mỗi doanh nghiệp có thể có ít nhất 5-10 lao động thì con số người lao động mất việc đã có thể là hơn nửa triệu người!

Nếu tạm tính thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp này là 3 triệu đồng/người/tháng thì con số thu nhập mất đi của nửa triệu lao động sẽ là 1.500 tỷ đồng/tháng; tức khoảng 75 triệu USD thu nhập hàng tháng của nửa triệu người lao động đã và đang bị mất đi.

Những người này vẫn phải ăn uống, tiêu dùng khoảng chừng đó tiền cho các chi tiêu tối thiểu hàng tháng, mặc dù đang thất nghiệp, thì số tiền chi phí cơ hội mất đi hay số lượng của cải vật chất không được làm ra thêm mà phải tiêu tán đi, sẽ còn tăng thêm nữa. Nói cách khác, thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu USD mỗi tháng và đạt con số tỷ USD một năm!

Thiệt hại này có thể sánh với các thiên tai, địch họa lớn như bão lụt, sóng thần hay các tai nạn hàng không rơi máy bay, các vụ tai nạn giao thông lớn cướp đi hàng chục ngàn sinh mạng hàng năm tại nước ta!

Những con số rất đáng suy nghĩ và thật đáng sợ!

Có việc làm như thế này là niềm mong ước của nhiều người hiện nay.

Gánh nặng dồn lên xã hội

Chưa kể, sinh viên ra trường và rủi ro thất nghiệp. Hàng năm chúng ta có thêm hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu chỉ có khoảng một nửa số này vào được đại học và trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề thì số người trẻ 18-20 tuổi còn lại sẽ tham gia vào lực lượng lao động phổ thông gia tăng thêm hàng năm. Rồi còn lực lượng lao động do gia tăng dân số cơ học hàng năm (tỉ lệ sinh khoảng 1,87 trẻ em/1 phụ nữ) ngoài lực lượng lao động phổ thông từ các em tốt nghiệp trung học nhưng không vào đại học, cao đẳng và trường nghề).

Nếu hơn nửa triệu người trẻ tuổi này có được việc làm phù hợp thì tốt biết mấy, ngược lại, nếu họ không tìm thấy việc làm thì có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Các chi phí cơ hội của quốc gia phải trả giá cho việc lãng phí sức lao động có thể tính bằng tiền tỷ USD cho mỗi năm thất nghiệp của lực lượng lao động hùng hậu này.

Ai cũng biết tỉ lệ tội phạm các loại, các tệ nạn xã hội, thường gia tăng nhanh chóng cùng với tỉ lệ thất nghiệp gia tăng tại các quốc gia. Rủi ro này luôn là gánh nặng cho toàn thể xã hội.

Nghe đâu hiện nay, có con số thống kê mới thì có hơn 50% sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm so với con số 73% sinh viên ra trường kiếm được việc làm ngay vào cuối năm 2011 (1).

Trong một góc nhìn khác dành cho các nhà quản trị giáo dục đại học thì nếu chương trình giáo dục đại học hay cao đẳng được tinh gọn, hoàn thiện và rút ngắn còn 2-3 năm như các nước tiên tiến và các nước trong vùng, thay cho 4 năm hoặc 4,5 năm như ở Việt Nam hiện nay thì sẽ tiết kiệm cho xã hội hàng tỉ USD mỗi năm.

Số người đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp đang gia tăng (ảnh NLĐ)

Rõ ràng, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của người lao động.

Các thông tin về tình hình người lao động khó tìm việc làm và số lượng lớn các doanh nghiệp đã và đang buộc phải giải thể, phá sản cũng phản ánh bức tranh lớn lơn về sự khó khăn đột biến thực sự của các doanh nghiệp như đang trong một cơn bão khủng hoảng kinh tế tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của đội ngũ lao động đang có việc làm cũng như lực lượng lao động bổ sung hàng năm.

Số lượng lao động chịu ảnh hưởng tới chất lượng việc làm hay thất nghiệp có thể lên tới hàng triệu người thì chúng ta không thể xem thường, hoặc chỉ đơn giản yêu cầu doanh nghiệp phải tự cải cách, tự cứu lấy mình, mà cần phải có một kế hoạch đối phó khẩn cấp ở góc độ quản lý nhà nước về kinh tế vĩ mô. Con số thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm triệu USD hay hàng tỷ USD mỗi năm không phải chuyện nhỏ!

Nếu từ đây đến cuối năm 2012, con số doanh nghiệp giải thể và phá sản tiếp tục gia tăng nhanh (2) thì số lượng người lao động mất việc, thất nghiệp gia tăng theo, cũng như các sinh viên mới ra trường, lực lượng lao động gia tăng cơ học của quốc gia hàng năm lại càng khó tìm việc!

Một số giải pháp khả dĩ

Cần có các nghiên cứu khẩn trương về thực trạng hoạt động và khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNVVN đồng thời đưa ra các giải pháp khẩn cấp giải quyết nhanh các tồn tại hiện nay. Các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các sắc thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn, có các gói cho vay ưu đãi doanh nghiệp thực sự đến tay đối tượng cần giúp đỡ.

Tránh tình trạng hô khẩu hiệu, thiếu thực tiễn, không khả thi như Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại hô hào hạ lãi suất nhưng thực tế lãi suất cho vay cho tới nay vẫn xấp xỉ 20%/năm cho các DNVVN! Hoặc một số lời an ủi, xoa dịu nhau rằng đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp chuyển mình, tái cấu trúc .v.v. vì thực ra sự lãng phí hay kém hiệu quả và cần thiết tái cấu trúc khẩn cấp đang nằm ở hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra, cũng như các vấn đề của DNNN và DNVVN là tương đối khác nhau.

Cũng như bệnh nào của bệnh nhân nào phải cho thuốc điều trị tương ứng, chẩn đoán bệnh sai hoặc cho duy nhất mỗi một phương thuốc cho mọi bệnh nhân cùng uống, sẽ dẫn đến việc phương thuốc không đúng với bệnh và tình trạng bệnh sẽ tất yếu nguy hiểm hơn.

Kế đến, cần đồng thời có các nghiên cứu về thực trạng đời sống lao động, tình hình lao động thất nghiệp mới nhất, với các con số thực sát với tình hình thực tế. Cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân thực sự của tình hình hiện tại. Từ đó, có các kế hoạch cứu trợ nhanh chóng cho người lao động bên cạnh các chính sách an sinh xã hội, chính sách trợ cấp thất nghiệp đang từng bước hoàn thiện.

Thêm vào đó, các mục tiêu tạo thêm số lượng công ăn việc làm mới cho người dân, cần được xem như một tiêu chí hàng đầu để thẩm định năng lực làm việc của các quan chức do "dân cử, dân bầu" hoặc "Đảng cử, dân bầu". Ví dụ, khi một ứng cử viên cho một chức vụ nào đó ở cấp chính quyền địa phương hoặc trung ương, hay hội đồng nhân dân các cấp, thiết nghĩ cũng nên gắn với một tiêu chí quan trọng bậc nhất là người đó có thể có khả năng tạo ra được bao nhiêu công ăn việc làm cho địa phương mình ứng cử trong nhiệm kỳ công tác, bên cạnh các tiêu chí quan trọng khác.

Một góc nhìn bổ sung khác là làm sao giảm được số người thất nghiệp phải đi bán vé số dạo, không kể số người già, tàn tật và trẻ em nghèo, hoàn cảnh đặc biệt phải bán vé số và ăn xin, họ không có khả năng lao động và cần sự trợ giúp của chính sách an sinh xã hội quốc gia; vì có lẽ không có quốc gia nào có đội ngũ bán vé số dạo đông như nước ta hiện nay!

Sau cùng, việc gì cũng phải có ai đó, cơ quan nào đó, có nghĩa vụ và quyền lợi, có địa chỉ cụ thể và chấp nhận chịu trách nhiệm cá nhân, từ việc ra các chính sách công đúng hay sai gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cho tới chịu trách nhiệm về tỉ lệ thất nghiệp tăng giảm hàng năm, chúng ta mới có các quyết sách phù hợp cho tình hình khẩn cấp như hiện nay.

Vì nên nhớ, chúng ta đã mất tiền tỷ USD các chi phí cơ hội do thất nghiệp rồi và sẽ có thể tiếp tục mất thêm nữa trong năm nay và những năm tới!
__________________________

Tác giả: Cảnh Thái // Nguồn: VEF
(1). http://dantri.com.vn/c25/s25-
547060/sinh-vien-that-nghiep-do-thieu-dinh-huong-nghe.htm
(2).http://vef.vn/2012-03-30-dn-
mac-ket-vi-chinh-sach-

  • Nói và làm: Thu nhập Việt Nam, giá cả quốc tế
  • Dấu hiệu rõ rệt của đình đốn sản xuất
  • Cấu trúc lại hệ thống doanh nghiệp Việt Nam và những việc cần làm
  • “Sức hút FDI của Việt Nam suy giảm vì lạm phát”
  • Kinh tế quý 1/2012: Tóm lại là thế nào?
  • Hai bài học về xây dựng thương hiệu quốc gia
  • Lương mới, bất cập vẫn cũ
  • Danh sách đen và sự minh bạch
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi