“Không có sự liên kết với nhau chính là một hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam, đã khiến cho các doanh nghiệp như những chiếc đũa đơn lẻ, mỏng manh, rất dễ bị bẻ gãy khi bước vào hội nhập”, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã đưa ra nhìn nhận này trong cuộc hội thảo về môi trường thương mại Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO tại Hà Nội mới đây.
Theo bà Phạm Chi Lan, việc liên kết với nhau thành một bó đũa rất đơn giản và có thể làm ngay được, nhưng nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã không làm...Nhân diện về những yếu kém cơ bản nhất của doanh nghiệp Việt Nam sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp vẫn nằm ở mặt bằng cạnh tranh. So với các doanh nghiệp trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn những hạn chế đáng kể do yếu về quy mô. “Yếu về quy mô là hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, tính quy mô của doanh nghiệp được đòi hỏi rất lớn, doanh nghiệp phải có quy mô tương đối thì mới hoạt động có hiệu quả được...”, bà Phạm Chi Lan nói.
KHÔNG CÓ “CHÀNG PHÙ ĐỔNG”
Trong khi yếu về quy mô, doanh nghiệp Việt Nam lại không có sự liên kết với nhau để trở thành một bó đũa. Theo bà Phạm Chi Lan, giữa các doanh nghiệp tương đối lớn và doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đang có một khoảng trống lớn, thiếu hẳn phần giữa là các doanh nghiệp có quy mô vừa. Điều này dẫn đến hiện tượng là các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp tương đối lớn không có mối liên hệ với nhau. Các doanh nghiệp nhỏ thì làm ăn với doanh nghiệp nhỏ, còn các doanh nghiệp lớn thì đi với doanh nghiệp lớn. Hệ quả là các doanh nghiệp lớn thiếu nguồn cung ứng cần thiết từ các doanh nghiệp nhỏ. Mặt khác, thiếu sự liên kết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại càng thiệt thòi hơn khi mất cơ hội tiếp cận thị trường vì phần lớn thị trường đều do các doanh nghiệp lớn chiếm giữ. Thông thường ở các nước, một nhóm doanh nghiệp nhỏ luôn đi cùng với các doanh nghiệp lớn với tư cách là các vệ tinh cung ứng. Còn ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cơ hội này để lớn lên. “Ở thời đại ngày nay, doanh nghiệp không có “chàng Thánh Gióng”, bởi vì chỉ với thời gian 2-3 năm thì không doanh nghiệp nào có thể tự lớn lên được, ngay cả với thời gian hơn 10 năm, nếu doanh nghiệp có lớn lên được cũng rất nhọc nhằn...”, bà Lan khẳng định.
Khoảng trống giữa các doanh nghiệp tương đối lớn và ngay trong các doanh nghiệp nhỏ cũng thiếu sự liên kết với nhau. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, một khi không liên kết được thì cả doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
“6M”... ĐỀU THIẾU!
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nếu tính theo 6 tiêu chí cần thiết nhất (6M) thì tất cả đều thiếu. Đưa ra 6 tiêu chí của 1 doanh nghiệp mạnh, phát triển bền vững, bà Phạm Chi Lan, bình luận: “Yếu tố đầu tiên là tiền (Money) doanh nghiệp thiếu vì đều rất ít vốn; nguồn nhân lực (Manpower) tuy dồi dào, nhưng kỹ năng rất thấp; thiết bị, công nghệ (Machinery) thì lạc hậu; vật liệu, vật tư (Materials) đầu vào hầu hết đều phải nhập khẩu từ ngoài vào; quản trị doanh nghiệp (Management) còn rất hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa có được trình độ quản trị tiên tiến và cuối cùng là nghiên cứu thị trường (Marketing) thì doanh nghiệp Việt Nam cũng rất yếu...”.
Theo bà Lan, những cái thiếu này không chỉ diễn ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả với những doanh nghiệp tương đối lớn cũng thiếu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải rà soát lại 6 tiêu chí này để nhận thức rõ hơn “sức khỏe” của doanh nghiệp, qua đó tiến hành cải thiện. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhìn nhận, những hạn chế, yếu kém nói trên của doanh nghiệp Việt Nam đã dẫn tới hệ quả năng suất lao động thấp. “Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế thời gian qua là các chỉ số có tăng lên, nhưng năng suất tổng hợp lại không tăng. Như thế, các doanh nghiệp cũng chưa có được năng suất lao động cao, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp do đó cũng thấp. Kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp Nhà nước cũng cho thấy điều này. Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, hiệu quả kinh doanh có cao hơn nhưng cũng chưa thể bù đắp, hay tích lũy lớn...”, bà Lan nói
Theo bà Phạm Chi Lan, những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam đã tồn tại từ nhiều năm qua và chỉ sau 2 năm hội nhập WTO mới bộc lộ rõ nhất. Trên thực tế, trong 2 năm qua những hạn chế này còn tạo ra những “lỗ hổng” gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp khi tham gia cạnh tranh, hội nhập trong cuộc chơi toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “Tuy đã bộc lộ những hạn chế cơ bản sau 2 năm gia nhập WTO nhưng trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có lợi thế số 1 về nguồn lao động cần cù thông minh, tuy chỉ số lợi thế này thời gian qua đang giảm dần. Doanh nghiệp Việt Nam vì thế cũng nên tránh rơi vào cái bẫy ưu thế lao động giá rẻ. Các doanh nghiệp Việt Nam đi sau nên chịu khó học hỏi để phát triển. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng các lợi thế của đất nước khi hội nhập, tài nguyên, vị trí địa lý, chính trị ổn định...”.