Đến năm 2020, Việt Nam về cơ bản sẽ đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận và được hưởng lợi từ các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, đóng góp vào giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị xã hội.
![]() |
ASXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta |
Sáng kiến của Việt Nam
Sáng kiến sàn an sinh xã hội để tiến tới thực hiện chiến lược an sinh xã hội (ASXH) năm 2011-2020 của Việt Nam đã được bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày ngày 24/ 11 tại Triển lãm phát triển Nam-Nam diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.
Sáng kiến nói trên hướng tới mục tiêu cụ thể là tất cả người dân đều được hưởng chính sách ASXH, trong đó ưu tiên những đối tượng yếu thế như người nghèo, người sống ở những khu vực bất lợi, người dân tộc thiểu số, người thất nghiệp, người khuyết tật, trẻ em, người già...
Hiện ở Việt Nam vẫn còn 62 huyện thuộc 20 tỉnh được xếp vào diện nghèo nhất cả nước. Kết quả khảo sát ở các địa phương cho thấy, tính đến cuối năm 2009, tổng số hộ cận nghèo cả nước còn gần 1 triệu hộ với trên 3,5 triệu nhân khẩu. Một bộ phận không nhỏ dân cư cũng đang ở mức cận nghèo và có hàng triệu người đang mất việc hoặc việc làm không ổn định....
Viện Khoa học Lao động – Xã hội đã xây dựng đề án "Hệ thống an sinh xã hội với dân cư nông thôn giai đoạn 2011-2020" với mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân nông thôn được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ASXH. Theo dự thảo đề án, sẽ cần huy động tổng ngân sách thực hiện lên tới 879.000 tỷ đồng. Hiện, Bộ LĐ – TB – XH đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Mở rộng đối tượng được trợ giúp
Ông Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động- Xã hội, cho rằng, mọi người dân khi có thu nhập dưới mức sống tối thiểu đều nhận được trợ giúp xã hội (TGXH) là chính đáng. Chính vì thế, ngoài những đối tượng thuộc diện chính sách, dự thảo của đề án còn mở rộng đối tượng TGXH thường xuyên như: người già không có lương hưu, các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu và trong hộ không còn người có khả năng lao động.
Ngoài ra, đề án xây dựng các chính sách TGXH bổ sung cho các mục tiêu dài hạn như: trợ giúp cho các gia đình nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn để họ cho con đi học hoặc các bà mẹ đi khám thai định kỳ và cả trong thời gian nuôi con nhỏ… Trẻ em tại vùng khó khăn sẽ được nhận tiền học và một khoản cho gia đình để không phải đi làm phụ giúp gia đình.
Đặc biệt, các nhóm đối tượng đặc thù như: người khuyết tật không thuộc hộ nghèo, trẻ mồ côi cả cha mẹ hoặc không còn người nuôi dưỡng do bố mẹ bị chết vì HIV/AIDS hoặc đang chấp hành án tù, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ… cũng được xem xét để được nhận TGXH.
Đối với người thất nghiệp ở nông thôn sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhất là các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề. Theo đó, một cơ chế liên thông giữa BHTN, trợ cấp thất nghiệp và TGXH sẽ được xây dựng đề đảm bảo sau thời gian hưởng BHTN mà người lao động vẫn không tìm được việc làm mới và hoàn cảnh gia đình rất khó khăn thì chuyển sang thụ hưởng các chính sách về TGXH.
Đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống dân cư vùng nông thôn, song về lâu dài, chính sách thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội vẫn được coi là trụ cột chính của hệ thống ASXH. Giải pháp này bảo đảm cho đại bộ phận người lao động có nguồn thu nhập thay thế khi bị mất việc làm tạm thời hoặc vĩnh viễn (mất sức hoặc hưu trí), đồng thời giảm gánh nặng chi phí của Nhà nước trợ giúp khi có rủi ro. “Chúng tôi đề xuất, mức hỗ trợ mua BHXH tự nguyện của người dân tộc thiểu số và lao động nghèo ở nông thôn có thể lên tới 40 - 50% ”, ông Chung cho biết.
(Theo Vũ Trọng // Tin chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com