Lạm phát đang có dấu hiệu giảm, các tác nhân gây sốc đã được ngăn chặn. Thị trường tiền tệ đi vào ổn định. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh) - thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM - cho biết:
Nghị quyết 11 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn và khả thi, do đó đã tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ban, ngành và các địa phương. Sau 4 tháng thực thi, các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội đã đạt được những thành công bước đầu.
Thưa ông, dù có những cải thiện đáng kể, song nền kinh tế vẫn đứng trước những thách thức. Vậy rủi ro tiềm ẩn nào có thể xảy ra và tác động xấu đến kinh tế trong nước?
Yếu tố từ bên ngoài là chính sách tiền tệ của Mỹ. Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ vừa qua tăng từ 8,8% lên 9,1%. Nếu Chính phủ Mỹ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ để giảm tỉ lệ thất nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát thế giới và trong nước. Yếu tố từ bên trong là thị trường bất động sản đang tiếp tục đóng băng, có thể làm tăng nợ xấu và ảnh hưởng đến hệ thống tài chính - tiền tệ. Thị trường CK bấp bênh, quá trình CPH chậm, làm chậm cả quá trình tái cấu trúc DNNN và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Lãi suất có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn rất cao, có thể khiến nhiều DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, tăng tỉ lệ thất nghiệp.
Trước bối cảnh đó, từ nay đến cuối năm liệu tình hình kinh tế có khả quan hơn? Theo ông cần có giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát thành công?
Từ nay đến cuối năm tình hình kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các tổ chức WB, IMF đã điều chỉnh dự báo tốc độ trăng trưởng năm nay từ 3,3% xuống còn 3,2%. Nhật, Châu Âu, Mỹ đều điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, riêng Mỹ điều chỉnh giảm từ 2,9 xuống 2,7%.
Về tình hình trong nước, CPI tuy giảm nhưng tốc độ tăng vẫn cao, trong tháng 6 khoảng 1,1% và 6 tháng đầu năm khoảng 13%. Giá cả hàng hoá vẫn cao, nhất là nhóm lương thực thực phẩm. Vì vậy, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường, chống đầu cơ tăng giá. Việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu sẽ góp phần làm giảm tốc độ trượt giá.
Giá xăng dầu thế giới đã giảm, giá USD trong nước cũng giảm thì không có lý do gì không điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước. Trong 6 tháng, tăng trưởng tín dụng khoảng 8% nhưng trong đó ngoại tệ chiếm đến khoảng 22%, VND chỉ chiếm khoảng 3%. Vì vậy NHNN cần tăng tỉ lệ VND trong cơ cấu tín dụng, giảm tỉ lệ ngoại tệ thông qua việc tăng dự trữ bắt buộc, yêu cầu các NH thực hiện nghiêm các quy định về giới hạn cho vay ngoại tệ, tránh “đôla hoá”.
Chính phủ cần tiếp tục thực thi các giải pháp mạnh trong chính sách tài khoá, giám sát chặt việc thực hiện cắt giảm 80.000 tỉ đầu tư công, đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cho người LĐ có thu nhập thấp... để bù đắp thiệt hại do lạm phát.
Cảm ơn ông!
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com