Trong năm 2011, theo TS Bùi Trường Giang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những rủi ro về tài chính - tiền tệ sẽ vẫn còn. Có 3 bài toán chính sách trong môi trường vĩ mô năm 2011 cần lưu ý là: lãi suất, sức ép tỷ giá và lạm phát.
- Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2011?
- Nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2011 với đà tăng trưởng thuận lợi của năm 2010 (6,78%), tuy nhiên vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn về các chỉ báo vĩ mô cơ bản như tỷ lệ lạm phát khá cao (11,75%), cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thâm hụt (4 tỷ USD), mặt bằng lãi suất huy động và cho vay quá cao...
Bức tranh chung cho thấy, mục tiêu tăng trưởng GDP 7-7,5% trong năm 2011 là có thể đạt được, song việc này cũng đòi hỏi nỗ lực trong các quyết sách kinh tế vĩ mô và phối hợp điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ là rất lớn và khôn khéo để đạt được ưu tiên "kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô" mà Chính phủ đã đặt ra. Bên cạnh đó, sẽ là thuận lợi nếu môi trường kinh tế thế giới và khu vực không có những biến động bất thường trong năm 2011. Khi phân tích các động lực tăng trưởng GDP của nền kinh tế nước ta trong năm 2010, khu vực kinh tế đối ngoại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu đã có những đóng góp nổi trội (tăng trên 24%).
Nếu nền kinh tế thế giới đạt tốc độ tăng trưởng trên 4% trong năm 2011 (năm 2010 là 4,8% và các dự báo mới nhất cho năm 2011 nằm trong khoảng 3,7-4,4%), thì sức cầu đối ngoại sẽ đủ ổn định để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Nhận định khái quát cho thấy hoạt động kinh tế đối ngoại vẫn duy trì được môi trường thuận lợi của năm 2010, trong khi khu vực tài chính - tiền tệ vẫn còn chịu nhiều sức ép từ một số mất cân đối vĩ mô nêu trên.
- Thị trường vàng, tiền tệ sẽ như thế nào, thưa ông?
- Môi trường lạm phát cao không khuyến khích đầu tư mới mở rộng sản xuất, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó giá vốn sẽ tăng. Mặt bằng các loại lãi suất hiện nay phản ánh các rủi ro này, khiến thị trường tiền tệ chịu nhiều sức ép. Nhìn từ góc độ vĩ mô, với mục tiêu lạm phát (CPI không quá 7%) và mục tiêu tăng trưởng tín dụng (23%), tôi tin rằng thị trường tiền tệ năm 2011 sẽ vận động quanh hai "hoa tiêu" này, song cần tính tới khả năng các cú sốc về giá từ thị trường nước ngoài trong năm 2011.
Giá vàng trong nước phụ thuộc giá vàng thế giới, trong khi các dự báo hiện nay đều cho thấy giá vàng thế giới sẽ biến động tăng dần trong năm 2011 vì nhiều yếu tố, do đó giá vàng trong nước vẫn sẽ ở mức cao. Xu hướng này được hỗ trợ bởi tâm lý "cất trữ tài sản bằng vàng" của dân nên nhu cầu về vàng trong xã hội vẫn lớn. Tuy nhiên, với các biện pháp tăng cường điều tiết và thể chế hóa thị trường giao dịch vàng trong nước của các cơ quan quản lý, tôi kỳ vọng rằng thị trường vàng sẽ đỡ "tâm lý đầu cơ" và đỡ "sốt" hơn năm 2010.
- Đánh giá của TS về lạm phát 2011?
- Trong 25 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã có kinh nghiệm chống lạm phát. Dù bối cảnh kinh tế - xã hội đã khác, nhưng những nguyên lý chống lạm phát vẫn còn nguyên giá trị. Tôi tin rằng với quyết tâm chính trị đủ mạnh và phối hợp chính sách vĩ mô tốt hơn, chúng ta có thể kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm 2011. Tuy nhiên, với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư và có độ mở lớn như Việt Nam, thì chỉ số vĩ mô này sẽ không chỉ phụ thuộc vào các biến số tiền tệ, mà còn cả biến số tài khóa (đầu tư công), kinh tế đối ngoại (điều kiện thương mại, cán cân thanh toán quốc tế)... Do vậy, điều quan trọng vào thời điểm này là phải có những thông điệp chính sách rõ ràng và những hành động chính sách quyết liệt, nhất quán để biến những điều chúng ta tin thành sự thật.
- Trong năm nay, theo TS kênh đầu tư nào sẽ thuận lợi?
- Đây là câu hỏi khó trả lời vì nó phụ thuộc chủ yếu vào kỳ vọng của thị trường, của cả triệu nhà đầu tư. Nhìn từ những động thái chính sách gần đây của Chính phủ và các Bộ ngành, rõ ràng những kênh đầu tư mang tính "đầu cơ" cao, "đánh nhanh rút gọn" sẽ không còn thuận lợi như thời gian trước. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy nhìn chung giá cổ phiếu đang khá rẻ, thuận lợi cho đầu tư trung hạn. Lựa chọn danh mục đầu tư nào hoàn toàn phụ thuộc vào dòng tiền và mức độ chịu rủi ro của nhà đầu tư. Nếu là nhà đầu tư sản xuất, tôi sẽ chọn lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, vì nhu cầu đang mạnh và giá đang có lợi cho nông sản.
- Trân trọng cảm ơn TS!
* TS Bùi Trường Giang là Phó Viện trưởng (Viện Kinh tế) trẻ tuổi nhất trong lịch sử Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Bùi Trường Giang hiện đang chủ trì hai dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo quốc tế với các cơ sở giáo dục danh tiếng: ĐH Paris 1 Panthéon - Sorbonne (Pháp) và ĐH George Washington (Mỹ). Ngoài ra, anh còn là thành viên Nhóm nghiên cứu khả thi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc. Sắp tới, anh cũng sẽ cho ra đời đứa con tinh thần sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, đó là quyển sách mang tên Hướng tới một chiến lược FTA của Việt Nam: Khuôn khổ lý luận và thực tiễn Đông Á.
(An ninh Thủ đô)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com