"Chất lượng các dự án giao thông có được cải thiện, nhưng đâu đó vẫn có hiện tượng xuống cấp như báo chí phản ánh. Song tôi khẳng định điều này không phải do thiếu vốn", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trao đổi chiều 14/3.
- Thưa ông, để kiềm chế lạm phát, tổng đầu tư cho ngành giao thông sẽ phải giảm, vậy làm thế nào để đảm bảo tiến độ các công trình dự án quan trọng?
- Thực ra, khi chưa có nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong kế hoạch triển khai các dự án trái phiếu Chính phủ, Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu năm 2011 giảm 50% vốn của các dự án trái phiếu Chính phủ. Cụ thể, nhu cầu ngành cần giải ngân 20-25 nghìn tỷ đồng thì chỉ bố trí 11 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi đã phân loại, trước hết là ưu tiên cho các dự án có thể hoàn thành trong năm 2011 và phát huy ngay hiệu quả về kinh tế xã hội. Thứ hai là bố trí các dự án đang thực hiện mà có khả năng thuận lợi để đạt giải ngân cao. Còn lại, nếu dự án đang chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư và khởi công mới thì hoàn toàn đình hoãn.
- Dự án giao thông có thời gian đầu tư kéo dài vì vậy tổng mức đầu tư thường phải điều chỉnh do có sự biến động về giá cả vật liệu xây dựng. Bộ làm gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
- Chúng tôi tập trung vào một số giải pháp như công tác giải phóng mặt bằng; kiện toàn các ban quản lý dự án theo hướng càng ngày chuyên nghiệp, tập trung sâu vào các đầu mối chính, quản lý dự án. Ở đây có phân cấp chủ đầu tư và ban quản lý, quyền quyết định xử lý của ban quản lý cao hơn trên cơ sở không làm thay đổi tổng mức đầu tư, tính chất dự án. Cơ quan quản lý dự án có quyền xử lý vấn đề kỹ thuật, tài chính mà giải quyết cho nhà thầu một cách nhanh nhất.
Đối với nhà thầu, trong điều kiện hiện nay, vốn rất khó khăn. Vốn tự có của doanh nghiệp hạn chế, tiếp cận vốn vay ngân hàng trong điều kiện lãi suất hiện nay cũng rất khó. Vì vậy, sau khi có quyết định đầu tư đấu thầu, triển khai dự án, sẽ hỗ trợ tối đa trong việc ứng vốn cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ tiến hành hậu kiểm việc thực hiện giải ngân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguyên vật liệu đầu tư và các điều kiện khác.
- Vậy sự hạn chế về vốn trong thời gian vừa qua có phải là nguyên nhân xuống cấp của một số công trình giao thông ngay khi vừa bàn giao?
- Chất lượng các dự án có được cải thiện, nhưng đâu đó vẫn có hiện tượng xuống cấp như báo chí phản ánh. Song tôi khẳng định điều này không phải là do thiếu vốn mà là trách nhiệm về mặt quản lý, kỹ thuật và thi công của nhà thầu.
- Bộ trưởng có thể nói thêm về việc cải thiện cơ chế để các doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư hạ tầng giao thông, hoặc cơ chế để thực hiện hình thức hợp tác công tư?
- Xu thế chung, chủ trương nhất quán và lâu dài của chúng ta là phải xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông. Chúng ta đã thực hiện một loạt biện pháp về thể chế, các quy định về đầu tư BOT, PPP. Điều này càng có ý nghĩa trong điều kiện giảm chi tiêu công, đầu tư ngân sách.
Và tôi nghĩ rằng, cần có một quỹ đầu tư có tính chất ưu đãi hơn so với lãi suất thông thường áp dụng với các lĩnh vực khác, thời gian hoàn vốn cũng phải tối ưu hơn. Trước mắt, với một số dự án trong năm 2011 và năm sau, để bù phần thiếu hụt từ ngân sách, Bộ đang tăng cường các dự án BOT, phấn đấu để các dự án này chiếm tới 30-35% tổng mức đầu tư các dự án trong năm 2011.
Gần đây nhất, cầu Cổ Chiên được khởi công theo hình thức PPP tức nhà nước hỗ trợ một phần như giải phóng mặt bằng. Với một số dự án lớn hơn như dự án cao tốc Phan Thiết - TP HCM đang được quốc tế tài trợ, nhà nước sẽ đối ứng vốn, doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ góp vốn.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com