Theo ông Cao Sỹ Kiêm, doanh nghiệp năm 2011 sẽ gặp khó nhiều hơn năm 2008 bởi những yếu tố tác động vào sản xuất kinh doanh đều lớn hơn.
Ông Cao Sỹ Kiêm. |
Có thể nhìn thấy ngay là các chi phí lãi suất, tỷ giá, đầu vào nguyên liệu, giá điện, giá xăng dầu đều cùng lúc tăng lên sẽ là một áp lực cực lớn đối với doanh nghiệp.
Những DN bị ảnh hưởng nặng nhất chính là sản xuất hàng tiêu dùng, do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu; khối dịch vụ thương mại sẽ đỡ hơn. Còn khối đầu tư tài chính (bất động sản, chứng khoán...) do tín dụng thắt chặt, nên sẽ khó có cơ hội đầu tư phát triển.
Chính phủ đã ban hành các giải pháp về chính sách tài khóa và tiền tệ trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu hành chính và đầu tư công. Với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông họ nên ứng xử thế nào?
Muốn chống lạm phát thành công cần thực hiện đồng bộ cả 5 giải pháp Chính phủ đã đưa ra. Riêng với khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, có ba việc cần chú ý: Thứ nhất, sắp xếp lại sản xuất trên cơ sở tiềm năng của mình, cần tính toán kỹ các chi phí đầu vào dễ gây lỗ như giá đầu vào, lãi suất;
Thứ hai, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin kịp thời và có sự trao đổi với các bạn hàng, hiệp hội, ngành nghề để có thể giải quyết ngay vướng mắc, cũng như dự báo được ít nhiều tình hình diễn biến sắp tới;
Cuối cùng, trong bối cảnh lạm phát này, mỗi doanh nghiệp có mức độ ảnh hưởng chi phối khác nhau. Do đó, hơn ai hết họ phải tự mình đánh giá lại bản thân, đâu là thế mạnh, đâu là chi phí. Ví dụ, lãi suất đang cao, tín dụng đang bóp lại thì nên tính toán, cân nhắc khi quyết định đầu tư vốn vào đâu cho có hiệu quả.
Có một điều cần lưu ý, ai cũng nhìn thấy nhiều mặt hàng đã lên mặt bằng giá mới, nhưng nếu doanh nghiệp nào cũng tăng giá, dẫn đến lạm phát cao thì sức mua sẽ yếu. Khi đó doanh nghiệp sẽ không bán được hàng.
Vậy theo ông, xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ thế nào?
Hiện chưa thể giảm lãi suất được ngay, nhưng có hai “nút” cần gỡ sớm. Đó là nâng cao vai trò quản lý, quản trị tốt. Với khối ngân hàng, cần tính toán giảm mọi chi phí để giảm lãi suất (có thể qua con đường tăng các dịch vụ tín dụng), phía doanh nghiệp thì cần tính toán chi phí tốt để tiếp cận vốn.
Bên cạnh, doanh nghiệp cần có ý thức tập trung phấn đấu cùng Chính phủ giảm lạm phát. Lạm phát xảy ra nhưng vẫn có cơ hội nếu biết lợi dụng, bởi sẽ có những thứ được bán rẻ, do doanh nghiệp cần giải phóng vốn nên buộc phải bán, có thể chộp lấy điểm rơi đó.
Theo những thông tin từ các doanh nghiệp mà ông và Hiệp hội nắm được thì năm nay, liệu có nhiều doanh nghiệp không thể vượt qua cơn “bão” giá này mà “chết” không?
Hiện chúng tôi chưa xác định được một cách toàn diện, chi tiết khó khăn của doanh nghiệp vì cần thêm thời gian nhưng nói chung bạn nên nhớ doanh nghiệp Việt Nam không phải như doanh nghiệp nước ngoài, không hoạt động được là tuyên bố phá sản.
Thay vì tuyên bố phá sản, doanh nghiệp sẽ tồn tại kiểu khác, có thể tạm ngừng kinh doanh, bỏ đó đi chơi một thời gian rồi quay lại.
Cảm ơn ông.
(Theo Khánh Minh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com