Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý vàng miếng và USD: “Đóng nhưng phải mở cửa khác cho dân”

PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - ngân hàng Lê Trọng Nhi về những vấn đề về tài chính, tiền tệ đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thưa ông, đề án về chống USD hóa đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo. Hiện tại thì thị trường tự do đang ngừng giao dịch gây khó khăn rất nhiều cho nhu cầu của người dân, trước mắt họ chưa rõ sẽ mua, bán và đổi ngoại tệ ở đâu. Nhận xét của ông về vấn đề này?


- Nếu lùi lại một khoảng thời gian 15 năm trong vấn đề quản lý ngoại hối thì việc thị trường tự do đồng loạt tạm ngưng giao dịch là một hiện tượng rất đáng quan tâm không chỉ cho phía người tham gia trực tiếp trong thị trường, mà cho cả phía người làm chính sách và điều hành kinh tế. Với tôi, đây là một dấu hiệu “hiểu nhau tích cực” từ cả hai phía về tác hại của vấn đề USD hóa.

Về đề án giảm và chống USD hóa đang được NHNN soạn thảo để trình Chính phủ, tôi không biết bất cứ chi tiết nào nhưng với vai trò người nghiên cứu và quan sát có thể dự đoán những điểm chính của nó.

Điều cần thiết và quan trọng mà người dân trông đợi từ đề án này và những đề án liên quan là Chính phủ, NHNN “đóng” những cửa cần phải đóng vì lợi ích lớn của nền kinh tế, xã hội nhưng phải “mở” những cánh cửa cần phải mở, đáp ứng đúng và đủ cho người dân.

Theo những gì mà NHNN đưa ra, ông có tin rằng người dân có thể mua ngoại tệ ở ngân hàng theo tỷ giá niêm yết?

- Tôi cho rằng đây là câu hỏi gốc có thể giải mã tất cả các câu hỏi khác về chính vấn đề này. Nói thật và thẳng, là người trong ngành nghiên cứu và quan sát thị trường, tôi chưa tin người dân có thể giao dịch được như vậy ngay trong khoảng thời gian ngắn hạn trước mắt.

Tuy nhiên, tôi nghĩ người dân có thể mua ngoại tệ ở những ngân hàng có chức năng kinh doanh ngoại hối trong tương lai không quá xa, nếu tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa nếu này: (a) Chính phủ phải nhận rõ rằng đây là cơ hội có một không hai trong thời gian dài ít nhất 10 năm phía trước và có thể sẽ khó có một cơ hội khác để nền kinh tế và xã hội Việt Nam đến gần và giành lại vị trí chủ động trong việc thiết lập lại cơ chế và cơ cấu tỷ giá ổn định và có lợi cho nền kinh tế lâu dài; (b) Chính phủ phải tự tin và tin vào chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và quyết sách giảm dần và giảm tối đa vấn nạn USD hóa trong nền kinh tế.

Quy mô của thị trường tự do được cho là khá lớn với con số ước đoán lên tới hàng tỷ USD, con số này có thể hiểu là biểu hiện cho mức độ nhu cầu của người dân với ngoại tệ?


- Xác định quy mô hoặc tỷ trọng của USD trong nền kinh tế là vấn đề không dễ, chính vì thế rất dễ làm méo mó việc điều hành chính sách tiền tệ và tôi nghĩ điều này đã và đang xảy ra với NHNN.

Bên cạnh đó, còn là vấn đề nhạy cảm với tâm lý đám đông, một đặc tính của thị trường Việt Nam, cho nên cá nhân tôi thường có cách nhìn hơi khác với những con số đại lượng như 1.000 tấn vàng, hàng chục tỷ USD trong tài khoản ngân hàng và ngoài thị trường, 260.000 USD trong một tài khoản nào đó…

Nhu cầu ngoại tệ của thị trường mậu dịch quốc tế và nhu cầu người dân lúc nào cũng có và không quá khó để định lượng. Từng giai đoạn phát triển và độ lớn của kinh tế những dự đoán cần được điều chỉnh hoặc hoán chuyển thứ tự ưu tiên. Với tôi, giai đoạn này, định tính và định hướng là quan trọng hơn định lượng.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam, theo một công bố gần đây, chỉ vào khoảng 10 tỷ USD, con số này có ý nghĩa thế nào so với nhu cầu của nền kinh tế và của nhân dân?


- Rất có ý nghĩa và rất thiết yếu, đặc biệt với những nền kinh tế yếu và mới như Việt Nam chúng ta. Dự trữ ngoại hối và số lượng đối với nền kinh tế có thể được ví như bình oxy của người thợ lặn hoặc trữ lượng và khả năng tạo oxy trong một tàu ngầm.

Như vậy số lượng 10 tỷ USD này hoặc con số tỷ USD lớn hơn hoặc nhỏ hơn trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngay đến câu chuyện tỷ giá, khả năng vay và trả nợ nước ngoài và một loạt các ảnh hưởng cộng hưởng khác.

Xin chuyển sang vấn đề vàng, nếu có 1 nghị định về việc cấm kinh doanh vàng miếng thì người dân sẽ làm gì với khoảng 400-500 tấn vàng mà họ đang giữ?


- Với một thị trường và nền kinh tế có nhiều bóng mờ, tôi không muốn phiêu lưu lãng mạn với con số 400-500 tấn vàng này vì đây là một con số đại lượng và thuộc loại câu chuyện mấy người mù sờ voi.

Theo tôi, cho dù với con số nào thì vàng cũng là một dạng thức của USD vì nó được nhập bằng USD và cũng được dùng làm phương tiện thanh toán và vàng cũng là một phần của vấn nạn USD hóa hiện nay tại Việt Nam. Vì vậy, việc giảm USD hóa, cấm giao dịch USD trên thị trường tự do sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vàng miếng.

Thưa ông, các cơ quan quản lý vẫn phê phán việc trữ vàng trong dân, ý kiến của ông về vấn đề này?


- Tôi xin có hai ý. Đã hơi trễ nhưng đã đến lúc các nhà quản lý, kinh tế và chuyên gia quan tâm đến vấn đề USD hóa và vàng hóa nên đặt lại vấn đề vàng trong dân. Bên cạnh những con số đại lượng đó thì dân ở tầng lớp nào, thiểu số hoặc đa số! Chứ không thể tiếp tục nói theo cách đại trà như lâu nay ở trong dân.

Trong cách tính và nhìn của tôi, tôi chưa có sự thuyết phục nào để cho rằng con số đại lượng đó được trải rộng và rải rác trong 86 triệu dân và nhất là trong 65-70% dân số nông dân và ngư dân.

Người dân không và chưa tin tiền đồng Việt Nam là biến chứng thuần về các chứng bệnh kinh tế và chính sách kinh tế nhiều hơn là thói quen xã hội. Nôm na đó là chứng bệnh lạm phát luôn lảng vảng và người dân sống với ám ảnh lạm phát. Kiềm chế và ngăn chặn được lạm phát lâu dài là vấn đề của hầu hết mọi vấn đề tin hoặc không tin VND.

(Dân Việt)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi