tái cấu trúc đầu tư công là một trong ba nội dung trọng tâm của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và đang được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Phân tích các rào cản, những vấn đề liên quan đến tái cấu trúc đầu tư công và dự phóng tầm nhìn tới năm 2015, TS. TRẦN DU LỊCH - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã dành thời gian trò chuyện với DĐDN.
Đầu tư Nhà nước: “Vốn mồi”
- Hiện nay, chúng ta đã có đề án về tái cấu trúc đầu tư công từ nay đến năm 2015. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về đề án này?
Chúng ta không nên nghĩ rằng đây là kế hoạch có thể hoàn tất trong một năm, mà sẽ là kế hoạch cần phải được thực hiện trong nhiều năm, và có liên quan đến việc sửa đổi cả một số những quy định hiện hành. Thí dụ: Liên quan đến các luật như Luật ngân sách, Luật quản lý nợ công và nhiều văn bản pháp luật khác mới có thể nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước.
Để thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc đầu tư công, có những nhiệm vụ hiện nay mà đề án Chính phủ đã đề ra: Trước hết, ngay trong năm 2012, việc bố trí về Ngân sách, mức đầu tư mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), đã thể hiện sự đổi mới trong vấn đề tập trung các nguồn vốn đầu tư, tránh sự dàn trải quá nhiều công trình, dự án, chấn chỉnh ngay kỷ cương, kỷ luật trong vấn đề huy động vốn và sử dụng vốn. Nguyên tắc tái cấu trúc sắp tới là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước bằng ngân sách sẽ chỉ tập trung cho những lĩnh vực không có khả năng thu hồi vốn; còn các lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn, kể cả kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và xã hội mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư được thì Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích cho đầu tư.
Cũng trong định hướng này, Nhà nước sẽ hoàn thiện hơn các chính sách công - tư hợp tác (PPP). Trên thực tế có những công trình mà tư nhân đầu tư 100% không đem lại hiệu quả tài chính, thì Nhà nước sẽ đầu tư một phần, chia sẻ một phần bằng Ngân sách, phần còn lại tư nhân sẽ đầu tư; và như vậy sẽ giúp giảm vốn đầu tư của nhà nước đồng thời có hiệu quả hơn. Ngay cả những công trình đang dang dở thì Nhà nước có thể tạm ngưng đầu tư mà kêu gọi khu vực tư nhân tham gia đầu tư tiếp.
Với cách làm như vậy, cùng với một cơ chế giám sát thì nguồn vốn đầu tư Nhà nước sẽ được “nắn” theo hướng: Số lượng đầu tư không tăng, nhưng kích thích được đầu tư xã hội tăng cao hơn. Hay nói nôm na, tỷ trọng phần vốn Nhà nước, so với tổng đầu tư xã hội giảm. Khi tỷ trọng này giảm chứng tỏ vốn Nhà nước là "vốn mồi" để thu hút nguồn vốn xã hội.
- Năm 2012, liệu chúng ta sẽ thực hiện được những gì trong mục tiêu đổi mới cả “chất” và “lượng” đầu tư công, thưa ông?
Năm 2012 chúng ta cũng chỉ làm được một trong các bước theo nguyên tắc kể trên. Nghị quyết về phân bổ Ngân sách cho năm 2012 mà Quốc hội thông qua đã nêu rõ: Vừa giải quyết được cho những công trình cấp thiết đang thực thi đồng thời quản lý chặt chẽ lượng trái phiếu mà Chính phủ phát hành trong năm để đầu tư cho Giáo dục, Y tế, Nông thôn... Đây tiếp tục là những lĩnh vực mà Nhà nước không thể không đầu tư.
Dĩ nhiên, trong chính sách về đầu tư công, Quốc hội cũng đã quyết định mỗi năm giảm dần bội chi Ngân sách để chúng ta đảm bảo vấn đề an toàn nợ công. Quốc hội quyết định tới năm 2015, trần nợ công chỉ mở mức 65% GDP và nợ Chính phủ ở dưới mức 60% GDP. Như vậy là tỷ lệ nợ nằm trong ngưỡng an toàn và việc kiểm soát tỷ lệ nợ cũng nằm trong mục tiêu của tái cấu trúc đầu tư công.
- Đầu năm 2011, Nghị quyết 11/ NQ-CP đã đề ra yêu cầu phải siết lại đầu tư công. Tuy nhiên đến cuối năm thì tổng đầu tư vẫn vượt quá mức mà Quốc hội đã thông qua. Đây cũng có thể là “kịch bản” lặp lại trong năm 2012, cho dù Quốc hội đã quyết tâm sẽ phải giảm tỷ lệ nợ công, thưa ông?
Năm 2011 chúng ta thắt chặt chính sách tài khóa, nhưng điều đó không có nghĩa giảm số lượng tuyệt đối đầu tư công. Phân bổ ngân sách cho năm 2011 đã được Quốc hội thông qua từ cuối năm 2010, trước khi có Nghị quyết 11/NQ-CP, nhưng chúng ta vẫn có thể cắt vốn đầu tư đối với những dự án chưa cấp thiết để dồn tiền cho những dự án trọng yếu, chuyển vốn để làm sao cho những dự án phát huy hiệu quả tốt hơn.
Với tình hình đất nước ta hiện nay, hoàn toàn không thể nói chuyện cắt giảm đầu tư. Quan trọng là hướng đầu tư vào những gì hiệu quả hơn. Giao thông, Y tế, Giáo dục, Nông thôn... đều là những trọng tâm của đầu tư, nhưng không được dàn trải như trước. Nên hiểu giảm đầu tư công không có nghĩa là giảm số tuyệt đối.
Xóa bỏ tư duy “kinh tế tỉnh”
- Theo ông, làm sao để khơi thông vốn, xã hội hóa nguồn vốn đầu tư công, trong khi các giải pháp hợp tác công tư (PPP) hay như các hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO), Hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng đã xảy ra tình trạng DN tham gia đầu tư và thất thu?
Trước nhất, phải nói nguồn vốn đầu tư công bao gồm: (1)Ngân sách hàng năm của Nhà nước từ thu thuế để lại để đầu tư, (2) Phần Chính phủ đi vay để đầu tư. Hiện tại Quốc hội đã đưa ra hạn mức nguồn vốn Chính phủ được đi vay từ việc phát hành trái phiếu là 45.000 tỷ đồng/ năm; (3) Nguồn các chính quyền địa phương được vay. Ví dụ, Thành phố, Hà Nội được vay tỷ lệ 1:1, các địa phương tỉnh nhỏ khác được vay 30% so với mức đầu tư của ngân sách hằng năm; (4) Chính phủ bảo lãnh cho các tổ chức kinh tế vay. Tất cả các nguồn vay đã được định sẵn và bố trí rõ ràng, đặc biệt là nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, các hình thức hợp tác công tư PPP hoặc BOT trong hạ tầng cũng sẽ bổ sung một nguồn vốn để đầu tư đáng kể.
Vấn đề chúng ta đang gặp một số bất cập giữa khả năng huy động nguồn vốn với nhu cầu đầu tư. Ví dụ: Hiện nay đang có nhu cầu nâng cấp toàn bộ Quốc lộ 1 hoặc xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Nhà nước sẽ chỉ dùng Ngân sách để tham gia một phần thôi, phần còn lại có chính sách uu đãi cho tư nhân tham gia đầu tư. Đó gọi là một hình thức PPP. Nhưng hình thức này hiện mới chỉ bắt đầu được quy định từ phía Chính phủ, vẫn chưa đầy đủ về khung pháp lý và có lẽ cần phải có một đạo luật PPP thì mới có thể khuyến khích, đảm bảo cơ chế pháp lý.
Tình trạng dự án cầu Phú Mỹ được tư nhân tham gia đầu tư thất thu cho thấy có một phần do cơ chế, thủ tục, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thiếu đồng bộ, đặc biệt liên quan đến sự kết nối hạ tầng giữa cầu Phú Mỹ với các vùng khác như đường vành đai, đường cao tốc Sài Gòn - Dầu Giây. Từ những ví dụ đó, nên rút kinh nghiệm để các công trình BOT khác, nếu muốn kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư thì phải nghiên cứu giải quyết mọi vấn đề đồng bộ, tránh tình trạng như cầu Phú Mỹ.
Trước đây cũng có rất nhiều dự án lâm vào tình trạng làm cầu mà không có đường, nhưng tiền 100% là của Nhà nước đầu tư, chúng ta lại chưa thấy có vấn đề gì; còn nay, với tình trạng cầu mà không có đường, mà tiền làm cầu là do tư nhân bỏ ra, thì sẽ có vấn đề, và tư nhân thậm chí còn có nguy cơ phá sản vì đầu tư mà thất thu.
- Về việc phân bổ vốn đầu tư cho các tỉnh thành, theo ông làm thế nào để phân bổ cho công bằng khi các địa phương đều có nhu cầu đầu tư, và có lý do hợp lý?
Thật sự đây là một vấn đề rất lớn và cũng đang đưa lại cho chúng ta nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết. Nguyên nhân chủ yếu của khó khăn là chúng ta đang có quá nhiều tỉnh thành, địa phương nghèo có nguồn thu quá nhỏ, do đó phải bắt buộc lấy những thành phố có tăng trưởng tốt như TP HCM để điều tiết, cân đối lại. Đây là vấn đề liên quan đến quan điểm phát triển hài hòa giữa các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, TP HCM cũng có những ưu thế riêng, ví dụ như sắp tới sẽ được hỗ trợ nguồn vốn ODA cho dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, hay như vốn cho công trình đại lộ Đông - Tây... Những dự án có nguồn vốn từ ODA đều nằm trong công nợ quốc gia nhưng không phải từ nguồn thu thuế, nếu cộng lại thì rõ ràng vẫn có nguồn ưu đãi thông qua vay ODA.
Với tình hình đất nước ta hiện nay, hoàn toàn không thể nói chuyện cắt giảm đầu tư. |
Tới đây, việc phân bổ vốn cho các địa phương có thể sẽ có sự cân đối lại, chẳng hạn như những địa phương có động lực tăng trưởng, nếu được phân bổ vốn lớn thì sẽ đạt được hiệu quả tăng trưởng tốt hơn. Do đó tôi hy vọng rằng khi Quốc hội phê duyệt Ngân sách đầu tư từ năm 2013 sẽ có sự chú ý đến vấn đề này để đảm bảo làm sao cho việc đầu tư sẽ tạo điều kiện nâng cao đời sống của những địa phương khó khăn, đồng thời nâng điều kiện đòn bẩy cho những địa phương có lợi thế để tăng nguồn thu.
- Và cuối cùng, đâu là những rào cản cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc đầu tư công mà chúng ta phải nỗ lực vượt qua, thưa ông?
Tái cấu trúc nền kinh tế là một chương trình chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Trước hết, người ta nói nhiều đến lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Về quan điểm này Đảng cũng đã xác định rõ và quyết tâm phải vượt qua. Thứ hai, là phải thay đổi cho được tư duy kinh tế tỉnh, không có một nền kinh tế tỉnh mà phải nhìn toàn diện, toàn cục. Từ hai điểm này chúng ta phải có một hệ thống quan điểm rõ nét hơn về về các nguyên tắc phân bổ vồn đầu tư.
Liên quan đến hai điểm này, chúng ta cũng còn “nút thắt cổ chai” là: Nguồn nhân lực quản trị các dự án đầu tư, đặc biệt là ở các địa phương. Hiện nay một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư kém là do nguồn nhân lực thiếu và yếu trình độ quản trị, dẫn đến tham nhũng, thất thoát, mất niềm tin... Đó đều là những rào cản gây khó cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, tái cấu trúc đầu tư công nói riêng; nhưng tôi tin là với quyết tâm và sự xác định rõ ràng của Đảng, Nhà nước, những rào cản này đều có thể vượt qua.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Mỹ thực hiện // Diễn đàn Doanh nghiệp
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com