Sau hai năm cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng Ban chỉ đạo, cho biết, nhiều nơi, người dân tẩy chay hàng ngoại trôi nổi, dùng hàng Việt.
Nhưng hàng Việt mới “túc tắc” vượt hàng ngoại ở một số tỉnh miền núi, biên giới chứ không bền bỉ vì còn mang tính “ mùa vụ”.
Ông Lê Bá Trình. |
Ông Lê Bá Trình, cho biết: Đúng là đã và đang có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất, làm dịch vụ trong việc dùng sản phẩm nội. Theo nghiên cứu của Ban Tuyên giáo Trung ương, ban đầu chỉ có khoảng 30% người dân biết đến hàng Việt Nam (VN), sau một năm rưỡi, con số này tăng lên 59%. Người VN đã bắt đầu thích dùng hàng VN, hiểu chất lượng của hàng VN.
Nhiều tổ chức đảng, cấp uỷ đảng đã đưa vào nghị quyết, chuowng trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp chính quyền đã đưa ra những giải pháp trong quản lý thị trường, tạo điều kiện cho hàng VN có chỗ đứng trên thị trường, gỡ bớt rào cản cho DN; giúp DN đưa hàng về các địa bàn.
Nhiều giải pháp tích cực đã triển khai thực hiện như hội chợ hàng Việt, các phiên chợ đưa hàng VN về nông thôn, vùng sâu vùng xa, có siêu thị hàng VN đã chiếm hơn 90%. Đặc biệt, ở một số địa phương vùng biên giới người ta không dùng các loại hàng trôi nổi, nhập lậu mà chỉ dùng hàng Việt vì nhận thấy chất lượng hàng Việt đảm bảo hơn hẳn. Đặc biệt là công tác tuyên truyền đã góp phần rất lớn, tạo ra một sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và người dân.
Có tình trạng hàng VN đưa về một số địa phương được ưa chuộng, nhưng thời gian sau người dân muốn mua những mặt hàng đó thì… hàng không về nữa. Điều này có ảnh hưởng gì niềm tin và sự gắn bó của người tiêu dùng đối với hàng VN hay không?
Đúng là có tình trạng như vậy. Trong hai năm qua, việc đưa hàng về vùng sâu vùng xa được tiến hành, nhưng đây vẫn chỉ là giải pháp trước mắt, do chúng ta chưa xây dựng được kênh phân phối thường xuyên để đáp ứng nhu cầu dùng hàng Việt của người tiêu dùng. Một số địa phương đang cố gắng xây dựng các kênh phân phối hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhưng chưa được nhiều. Thời gian tới ta cần triển khai nhiều mô hình như vậy.
Ngoài ra, một bộ phận khá lớn DN còn thiếu tính chủ động, họ có tâm lý làm ăn nhỏ, không dám vươn ra. Một số DN thông qua cuộc vận động muốn đưa hàng hoá đi khắp nơi để mở rộng thị trường nhưng xem lại thì quy mô sản xuất quá nhỏ nên còn nhiều lúng túng.
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là vẫn còn mộ phận không ít các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với cuộc vận động. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại vẫn còn tiếp tục thâm nhập vào thị trường trong nước. Một bộ phận người sản xuất, kinh doanh chưa hiểu hết trách nhiệm của mình đối với quyền lợi của người tiêu dùng nên chưa chấm dứt tình trạng vẫn sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, hoá chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm... làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Có ý kiến cho rằng hàng nội địa dễ thuyết phục người dân nông thôn hơn thành thị…
Đúng là có sự khác biệt trong từng vùng miền. Hiện nay, ở các tỉnh biên giới phía bắc, người dân thích dùng hàng VN, các vùng quê cũng vậy. Nhưng ở các thành phố lớn, tâm lý sính hàng ngoại vẫn còn. Việc nêu gương ưu tiên dùng hàng Việt của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu chưa tốt.
Chúng ta không yêu cầu mọi người chỉ phải dùng hàng Việt với bất cứ giá nào, như nếu 2 sản phẩm tương đương nhau về chất lượng thì phải ưu tiên dùng hàng nội địa. Có nhiều người lại chỉ chọn hàng ngoại cho sang. Thời gian tới đây, tôi cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra tính gương mẫu của Đảng viên. Trong mua sắm công nhất thiết phải ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam có chất lượng tương tự.
Ngoài ra, Nhà nước phải tăng cường nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý thị trường. DN phải xác định cho mình chiến lược kinh doanh, mở rộng dần thị trường, quảng bá sản phẩm và phối hợp với cơ quan chức năng để xây dựng các kênh phân phối hàng hoá đến tay người tiêu dùng.
Cảm ơn ông!
(Theo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com