Dự kiến sẽ trình lên Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối năm nay, dự án Luật Viên chức đang là tiêu điểm quan tâm của không ít người dân. Để hiểu rõ về chính sách mới liên quan đến hơn 1,6 triệu viên chức hiện nay, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã trao đổi với ông Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có thể cho biết vì sao Luật Viên chức đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân
![]() |
Ông Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ |
Phó Vụ trưởng Nguyễn Phước Thọ: Trước đây, viên chức được coi như là một bộ phận của cán bộ, công chức, gắn liền với các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về cán bộ, công chức. Nay, Luật Cán bộ, công chức không điều chỉnh đối với đội ngũ viên chức nữa, mà được tách ra để điều chỉnh theo một chế độ pháp lý riêng, khác về cơ bản với chế độ pháp lý dành cho cán bộ, công chức.
Đây là một dự án Luật quan trọng, phức tạp, tác động trực tiếp đến tâm tư, đến quyền, lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của hàng triệu viên chức trong bộ máy Nhà nước hiện nay. Theo số liệu, hiện cả nước có tổng cộng 52.241 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trên nhiều các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.Tính đến năm 2009 tổng số viên chức cả nước là 1.622.255 người.
PV: Như vậy có thể hiểu mục tiêu cơ bản mà Luật Viên chức hướng tới là gì, thưa ông?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Phước Thọ: Mặc dù vẫn tiếp tục phải thực hiện tốt sứ mệnh của Nhà nước đối với xã hội là cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, nhưng tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công được gắn với sự tác động của các quy luật thị trường, với nhu cầu trực tiếp của xã hội, để qua đó tạo động lực nhằm giải phóng năng lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về chất lượng và sự đa dạng các dịch vụ công.
Dự thảo Luật Viên chức do Chính phủ trình Quốc hội gồm 10 chương, 70 điều quy định về viên chức, về quyền, nghĩa vụ và các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của viên chức, về tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức, về chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức – những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trên các lĩnh vực. |
Vì vậy, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với Luật Viên chức là phải kiên quyếttháo gỡ, loại bỏ những ràng buộc mang tính chất hành chính, tập trung quan liêu bao cấp đối với việc quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời xác lập các quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của viên chức, về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trên một mặt bằng chuẩn mực mới, theo hướng thông thoáng, mềm dẻo, linh hoạt hơn so với cán bộ, công chức.
Đi kèm với đó là việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu các tổ chức sự nghiệp công lập về quản lý nguồn nhân lực, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta, nhằm tạo động lực phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ viên chức, góp phần quan trọng, tạo tiền đề tiếp tục đẩy mạnh cải cách, giải phóng nguồn năng lực to lớn của khu vực dịch vụ công trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Nói ngắn gọn, Luật Viên chức phải tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc về quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức theo một tư duy mới bảo đảm khu vực này vừa thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, chức năng xã hội của Nhà nước, đồng thời vừa phải gắn với các yêu cầu của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy xã hội hoá, chủ động hội nhập quốc tế.
PV: Vậy theo ông, Dự luật này đã được hoàn thiện, có đáp ứng được các mục tiêu nêu trên?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Phước Thọ: Mục tiêu cơ bản của việc xây dựng Luật Viên chức là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, sử dụng viên chức, khắc phục những tồn tại và hạn chế trong quản lý viên chức hiện nay để phù hợp với cơ chế thị trường cạnh tranh, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chủ động hội nhập quốc tế của các đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng đội ngũ viên chức có phẩm chất, có trình độ, năng lực; phát huy mạnh mẽ phẩm chất, tiềm năng, năng lực chuyên môn của đội ngũ viên chức, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng lên của xã hội.
Tôi cho rằng, cần phải chỉ rõ và quán triệt một trong những mục tiêu cụ thể của Dự án Luật Viên chức là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, phù hợp cho đội ngũ viên chức trong khu vực dịch vụ công, khi tách họ ra khỏi sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, Công chức, mà lợi ích này phải lớn hơn lợi ích đã được quy định tại Luật Cán bộ, Công chức hiện đang áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là mục tiêu đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa uỷ quyền Thủ tướng thay mặt Chính phủ cam kết trước Quốc hội khi thuyết trình để Quốc hội thông qua Luật Cán bộ, Công chức năm 2008.
![]() |
Luật Viên chức nhằm cải cách khu vực dịch vụ công, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của các đơn vị sự nghiệp công lập. |
PV: Dự thảo Luật Viên chức đã nhiều lần được chỉnh lý trên cơ sở tham khảo và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý và đặc biệt là ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự Luật. Xin ông cho biết những tư tưởng đổi mới của dự thảo Luật này?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Phước Thọ: Trong thực tế hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức, thể chế quản lý viên chức và đội ngũ viên chức còn một số hạn chế và tồn tại, như vị trí của viên chức chưa được xác định rõ ràng trong mối quan hệ giữa hành chính nhà nước với sự nghiệp dịch vụ công; chưa có sự phân định giữa hoạt động thực thi công vụ của công chức với hoạt động nghề nghiệp của viên chức; các quy định hiện hành chưa tạo được cơ chế có sức hút mạnh đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề giỏi vào khu vực sự nghiệp công lập...
Khắc phục được những hạn chế trên, nội dung của dự thảo Luật Viên chức đã khẳng định, thể chế hóa những quan điểm và chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta về đối mới cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là:
- Thay đổi phương thức quản lý đối với viên chức, xóa bỏ chế độ biên chế, thực hiện áp dụng triệt để chế độ vị trí việc làm trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức; thực hiện chế độ hợp đồng làm việc trong các đơn vị dịch vụ công thay cho chế độ tuyển dụng suốt đời;
- Thực hiện chế độ, chính sách, nhất là chế độ tiền lương, đối với viên chức gắn liền với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp;
- Đề cao và quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trong tuyển dụng, sử dụng, đánh giá viên chức; quản lý tài sản và hoạt động của đơn vị;
- Xác lập một số quyền và nghĩa vụ của viên chức nhằm phát huy tối đa các tiềm năng tri thức, chuyên môn nghề nghiệp của đội ngũ viên chức, trước hết là phát huy tài năng của các chuyên gia, các nhà khoa học; trong đó đáng chú ý trao quyền cho viên chức được hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ.
PV: Ông có thể nêu rõ khái niệm viên chức khác với cán bộ, công chức ở điểm nào, để người dân hiểu chính xác về vấn đề này?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Phước Thọ: Điểm khác biệt giữa cán bộ, công chức với viên chức là về chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý. Ngoài việc thi tuyển thì viên chức có thể được xét tuyển. Sau khi trúng tuyển, viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập ký hợp đồng làm việc dưới 3 hình thức: hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng có thời hạn từ 1 – 3 năm và hợp đồng đặc biệt (áp dụng đối với người trúng tuyển viên chức từ 15 đến dưới 18 tuổi).
Cũng giống như Bộ luật Lao động, trong trường hợp có lý do chính đáng, viên chức hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Viên chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì người đứng đầu đơn vị có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết cho thôi việc theo quy định.
Nhằm tạo điều kiện cho viên chức phát huy hết khả năng, trình độ chuyên môn, tài năng, sức sáng tạo, đem lại thu nhập chính đáng cho họ và phục vụ nhu cầu xã hội, Dự luật cho phép viên chức được quyền góp vốn, tham gia thành lập các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, trường học, bệnh viện tư và các tổ chức nghiên cứu khoa học tư…; quyền làm việc ngoài giờ; quyền được ký hợp đồng vụ việc với các cơ quan, tổ chức mà pháp luật không cấm.
Viên chức cũng được phép làm tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước về các công việc có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
PV: Theo ông có những quy định nào cần tiếp tục hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập – cơ quan làm việc chủ yếu của các viên chức hiện nay?
>![]() |
Cần có các chính sách đãi ngộ đối với viên chức |
Phó Vụ trưởng Nguyễn Phước Thọ: Dự thảo Luật Viên chức có tới 4 Điều với 22 khoản quy định về nghĩa vụ của viên chức, trong khi Luật Cán bộ, Công chức có 2 điều với 9 khoản quy định về nghĩa vụ của công chức, ngoài ra, viên chức còn phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm buộc phải cam kết trong hợp đồng làm việc với đơn vị dịch vụ công. Như vậy, so với công chức, thì người viên chức phải chịu nhiều hơn những ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm. Điều này là chưa hợp lý, vì đáng lý ra viên chức phải là người được "tự do" hơn công chức.
Bên cạnh đó, dự luật cần làm rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng làm việc giữa đơn vị dịch vụ công lập với người được nhận vào làm việc với tư cách là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Không đơn giản coi loại hợp đồng này chỉ là hình thức thay thế cho quyết định tuyển dụng, một văn bản ràng buộc thêm nghĩa vụ và trách nhiệm đối với viên chức, mà về thực chất là trao quyền chủ động cho người đứng đầu đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với viên chức, nhưng lại chưa tính đến quyền và lợi ích của viên chức trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Không thể buộc người viên chức vừa phải thực hiện nhiều nghĩa vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Viên chức (tương tự, thậm chí còn nhiều hơn so với các công chức), vừa phải thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm buộc phải cam kết trong hợp đồng làm việc. Điều này là chưa công bằng.
Dự thảo Luật dành Chương IV quy định về quản lý viên chức với 7 Điều (từ Điều 56 đến Điều 62). Tuy nhiên, những quy định trong Chương này chưa thể hiện rõ việc đẩy mạnh phân cấp. Ngoài ra, theo tôi, dự thảo cần có quy định và quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với viên chức.
PV: Chế độ đãi ngộ viên chức cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Phó Vụ trưởng Nguyễn Phước Thọ: Thực tế ở một số ngành và lĩnh vực đang có tình trạng “chảy máu” chất xám từ khu vực dịch vụ công sang khu vực tư. Trong đó, ngành giáo dục, đào tạo và y tế là rõ nhất. Hiện thu nhập ở 2 ngành này giữa công và tư đang có khoảng cách rất lớn. Bác sĩ ở bệnh viện tư được trả thù lao cho một ca mổ lên đến cả chục triệu đồng. Trong khi đó, một bác sĩ ở bệnh viện công chỉ được trả vài trăm ngàn đồng. Chính vì vậy, Luật Viên chức cần quy định cụ thể, minh bạch về chế độ, chính sách thu nhập, đãi ngộ đối với viên chức để tạo động lực phát huy tối đa năng lực, trình độ chuyên môn của viên chức, để thu hút và trọng dụng nhân tài, tránh tình trạng cào bằng như hiện nay. Tất nhiên, vì nhiều lý do, không thể nói thu nhập của viên chức trong khu vực công phải ngang bằng với những người làm việc ở khu vực tư, nhưng nếu để quá chênh lệch như hiện nay là điều bất hợp lý và khó chấp nhận.
Qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức, đội ngũ viên chức đã được phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Số lượng viên chức hiện nay đã tăng hơn 443.000 người so với năm 2000 (1.179.000 người). Luật Viên chức ra đời sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thúc đẩy đội ngũ viên chức tiếp tục phát triển, phát triển nhanh hơn. Đồng thời, hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ viên chức sẽ được khẳng định hơn và có cơ hội thuận lợi để phát triển, được tôn vinh trong xã hội, qua đó góp phần phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ công, thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời hạn chế những tiêu cực, giảm dần các biểu hiện về thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong phục vụ người dân ở một bộ phận viên chức.
PV: Xin cảm ơn ông!
(TheoPhương Minh // Tin Chính phủ )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com