Sau khi đăng bài: “Đào tạo nhân lực: Khó cả đôi bên”, BBT đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả về vấn đề này. Sau đây xin giới thiệu bài viết của GS Văn Như Cương.
Đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước là nhiệm vụ của các trường đại học , cao đẳng và các trường dạy nghề, trường kỹ thuật. Tuy nhiên, có thể nói chất lượng đào tạo hiện nay có thể nói là không đạt, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội cả về số lượng và chất lượng.
Đặc biệt, việc các trường đại học được mở ra một cách rầm rộ trong mấy năm qua đã kéo chất lượng đầu ra (sinh viên tốt nghiệp) xuống thấp. Các trường cao đẳng (thường là cao đẳng sư phạm) ở địa phương tự dưng được nâng cấp thành đại học, mà lại là đại học đa ngành, và được phép tuyển sinh. Thử hỏi lấy thầy đâu mà dạy ?
Vẫn chỉ là thầy giáo của cái trường cao đẳng ấy, thêm một số thầy ở các trường nghề khác hoặc các trường phổ thông trong tỉnh, thế là thành đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường. Các trường đại học tư thục cũng được phép thành lập khá nhiều, trong danh sách thầy giáo cũng có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... nhưng chỉ là cho mượn tên, ít khi đến trường, đứng lớp... Thầy không giỏi, lại thêm cơ sở, thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm... đang trong “quá trình xây dựng” thì làm sao có sinh viên giỏi được?
Đó còn là chưa nói, mô hình đào tạo của chúng ta vẫn còn quá thiên về lý thuyết, chưa cân đối với thực hành. Thực tế, ta đang dạy cho sinh viên những gì mà các thầy có thể dạy được, chứ không phải dạy những cái sinh viên cần để ra đời làm việc. Việc dạy lí thuyết không có gì khó lắm , nếu là môn mới mà ta chưa có sách tiếng Việt thì có thể dịch từ tài liệu nước ngoài, rồi thầy đọc cho sinh viên nghe. Còn dạy thực hành hay hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học thì hết sức khó khăn vì thiếu thầy và thiếu kinh phí. Bởi vậy các trường đại học tư thục thường chỉ đào tạo các môn không cần nhiều đến thực hành (ngoại ngữ, tin học, du lịch, kế toán...) vì họ không phải đầu tư nhiều tiền.
Để khắc phục được những bất cập “hiện hữu” này, các trường đại học cần phải gắn chặt với các cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu mà có thể sử dụng sinh viên mình khi ra trường. Ví du, trường Đại học Mỏ Địa chất thì phải gắn với các xí nghiệp sản xuất than, thiếc, đồng , bô xít...; Tổ chức cho sinh viên thực tập dài ngày ở các xí nghiệp ấy, và qua trình thực tập xí nghiệp có thể kí hợp đồng làm việc với nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Việc các tập đoàn sản xuất lớn như Tập đoàn than, khoáng sản, Tập đoàn dầu khí... nên tự mở ra các trường đại học để đào tạo những nhà chuyên môn phục vụ đắc lực cho mình là một trong những phương án hiệu quả.
Ngoài ra, các trường đại học cũng cần phải liên kết với các trường đại học nước ngoài có thương hiệu tốt để tăng cường trao dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để tạo ra nguồn nhân lực thực sự "làm được việc" cho xã hội, thích ứng với công cuộc đổi mới và hội nhập hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ, đổi mới giáo dục, cần phải khơi dậy tinh thần "tự học" cho thế hệ hôm nay. Học trong sách vở, học thực tế và học tập đồng nghiệp... Ngoài ra, trong học tập và làm việc luôn cần phải phát huy tính chủ động, tính sáng tạo, biết phản biện, biết đổi mới chứ không dập khuôn, giáo điều và cứng nhắc...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com