Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Mạnh dạn đương đầu với những phản ứng

 

 
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm Quốc khánh 2/9, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã dành cho Báo Đầu tư một cuộc trao đổi cởi mở về tiến trình đổi mới kinh tế, trong đó thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của chính sách điều hành vĩ mô, cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá từ lịch sử để đối phó với bất ổn kinh tế hiện nay.
Ở góc độ của một người từng giữ cương vị Phó thủ tướng, theo nhìn nhận của ông, đâu là những hạn chế trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam?

Đầu tiên phải thấy rằng, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như những năm qua là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, hạn chế là chỉ phát triển dựa trên đồng tiền, chúng ta đầu tư quá nhiều vào những ngành thâm dụng lao động, nên hiệu quả đầu tư thấp, khó đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô.

Chúng ta khuyến khích xã hội tiêu dùng quá lớn, trong khi nền sản xuất kém phát triển, không đáp ứng nổi, dẫn tới phải nhập siêu. Để tăng trưởng, ta đã phải “bơm” một lượng tiền lớn vào nền kinh tế, trong đó đầu tư công chiếm tới hơn 40%, là mức rất cao. Điều đó gây mất cân đối kinh tế vĩ mô. Điều đáng lo là, trong nhiều năm qua, chúng ta có vẻ như quá “quen” với bội chi ngân sách và coi đó là điều rất bình thường.

Trước tình hình lạm phát cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP với những chính sách cắt giảm đầu tư công, kiểm soát tỷ giá, thắt chặt tiền tệ. Ông đánh giá như thế nào về việc thực thi Nghị quyết này thời gian qua?

Tôi cho rằng, với việc ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, Chính phủ đã kê đúng toa thuốc cho căn bệnh cần chữa. Thực tế, những chính sách đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP đều là những biện pháp tất yếu mà nước nào rơi vào bất ổn kinh tế cũng phải áp dụng. Tuy nhiên, cái khó là áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam như thế nào, mà đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là có nhiều điểm rất đặc thù, nên việc áp dụng cũng phải có những đặc thù riêng.

Ví dụ, các nước thường xử lý lạm phát bằng cách phá giá đồng tiền và Việt Nam cũng làm như vậy. Tháng 3 năm nay, Chính phủ cũng đã phá giá tiền tệ hơn 9% để đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Thế nhưng, đặc thù của Việt Nam là có quá nhiều mặt hàng ta không sản xuất được, mà không nhập thì không có nguyên liệu sản xuất, nên dù phá giá tiền tệ để hạn chế, Việt Nam vẫn phải nhập siêu rất nhiều và kết quả là tiếp tục khiến lạm phát tăng.

Vì vậy, xử lý vấn đề tỷ giá như thế nào trong hoàn cảnh Việt Nam rất khác so với các nước.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng vậy. Đặc thù của Việt Nam là có tới 80% doanh nghiệp dựa vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy, việc thắt chặt tín dụng khiến những doanh nghiệp dựa vào vốn vay lao đao là điều dễ hiểu. Thiếu vốn, doanh nghiệp cắt giảm sản xuất thì hàng tiêu dùng lại thiếu, cung không đáp ứng được cầu, giá cả lại đội lên, kéo theo lạm phát.

Điều đáng lo ngại hiện nay là, một số người vì lợi ích nhóm đang tìm cách này cách khác để ép Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng, việc này phải rất kiên định, không thể vì lợi ích của một nhóm nhỏ mà lại đưa nền kinh tế toàn cục trở lại xáo động mới. Phải kiên trì, ít nhất là đến sang năm, để ổn định lại, sau đó mới có thể phát triển được.

Một đặc thù nữa của Việt Nam là nhiều mặt hàng vẫn được bao cấp, như than, xăng dầu, điện. Nếu Nhà nước cứ bao cấp mãi thì tình trạng mất cân đối càng nghiêm trọng, tiêu dùng càng lãng phí vì giá rẻ quá.

Nếu nhìn lại cuối những năm 80, đầu những năm 90, khi chúng ta quyết định bỏ bao cấp về gạo và mua - bán theo giá thị trường rồi bù giá vào lương cho đối tượng hưởng lương nhà nước, thì lập tức tiêu dùng gạo giảm hẳn, người nông dân cũng được bán gạo giá cao, kéo theo sản xuất phát triển, năng suất tăng đột biến.

Tương tự như vậy, nếu giá bán điện hiện nay được thả theo đúng giá thị trường, lập tức người tiêu dùng sẽ phải tiết kiệm hơn, nên tình trạng thiếu điện sẽ giảm. Đó mới là biện pháp hiệu quả, chứ đừng trông chờ vào việc hô hào tiết kiệm hay tinh thần tự giác.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, phải có quyết tâm chính trị rất cao, phải mạnh dạn đương đầu với những phản ứng ban đầu. Tôi cũng là người tiêu dùng, nói như thế rất dễ bị phản ứng, nhưng không có cách nào khác. Nếu còn bao cấp, thì điện, than, xăng dầu sẽ còn bị lãng phí. Thế nhưng hiện nay, nếu ngay lập tức xóa bỏ toàn bộ bao cấp, điều chỉnh giá điện cho bằng giá thị trường thì sẽ lại tiếp tục gây ra lạm phát mới. Đó chính là cái khó mà tôi muốn nói trong việc xử lý vấn đề tại Việt Nam. Trong các biện pháp ngắn hạn phải có bóng dáng của những biện pháp dài hơi, đó là cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế. Đó là điều mà hiện nay tôi chưa nhận thấy rõ. Chẳng hạn, việc cắt giảm đầu tư công, đó là việc phải làm. Nhưng theo tôi, cắt giảm đầu tư công mới chỉ là cắt đi cái ngọn của vấn đề, vì nó đã xảy ra rồi, giờ chúng ta chỉ đi sửa chữa vấn đề của quá khứ. Cách tốt nhất là phải làm thế nào để nó không xảy ra.

Về chính sách dài hơi, thực tế Chính phủ cũng đã và đang thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế. Theo ông, việc này cũng đang có những tồn tại?

Tái cấu trúc đương nhiên là đúng. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai là người thực hiện? Chắc chắn không phải là Chính phủ, mà là doanh nghiệp, mà ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân lại chiếm tỷ lệ rất cao. Vậy phải dùng biện pháp nào để thúc đẩy khu vực này tái cấu trúc? Cái chúng ta đang thiếu là một gói giải pháp kinh tế cụ thể để thúc đẩy các doanh nghiệp này. Nếu không kèm theo những biện pháp như thế, thì câu chuyện tái cấu trúc cũng chỉ ở trên giấy. Mệnh lệnh cũng chẳng ai làm, vì lợi ích không có, điều kiện không có thì họ làm làm gì? Khi ban hành nghị quyết, mệnh lệnh nếu không đi kèm những biện pháp về kinh tế mạnh mẽ để buộc họ đi vào con đường mình muốn, thì sẽ khó có thể thành hiện thực.

Có thể nhận thấy, hiện có quá nhiều mệnh lệnh hành chính trong quản lý kinh tế, trong khi hiệu lực thực thi lại kém. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Đúng vậy. Đó là cũng là một trong những vấn đề tồn tại trong điều hành vĩ mô. Quản lý đất nước đương nhiên phải dùng những biện pháp hành chính, nhưng chủ yếu liên quan đến trật tự, an toàn xã hội, còn trong kinh tế phải hạn chế tối đa mệnh lệnh hành chính, vì nó hầu như không có tác dụng.

Chẳng hạn, mới đây, Ngân hàng Nhà nước ra văn bản yêu cầu phải chống đầu cơ vàng bằng được và sẽ kiên quyết nghiêm trị những cá nhân, tổ chức đầu cơ. Thử hỏi, ai là người có thể kiểm tra trong hàng ngàn, hàng vạn người buôn bán vàng để xem đâu là người đầu cơ và đã có ai bị xử lý hay chưa?

Chúng ta ra quá nhiều mệnh lệnh mà không thực hiện được, khiến xã hội dần trở nên “nhờn” với pháp luật. Chống lạm phát, hay điều hành kinh tế phải bằng những biện pháp kinh tế. Chỉ ở những trường hợp cấp bách thì mới áp dụng biện pháp hành chính, vì nó hầu như không có kết quả, mà chỉ đẻ ra tiêu cực. Người tiêu dùng rất thông minh, chặn bằng biện pháp hành chính này, thì họ lại tìm ra cách khác.

Có vẻ như một phần nguyên nhân là chúng ta đang quá thiếu tính phản biện. Khi tiếp xúc với báo giới, một số trí thức đã tâm sự khá thẳng thẳn, có phần hơi bi quan rằng, nói làm gì vì nói nhiều rồi mà 10 việc may ra mới chuyển được 1 – 2 việc. Nói như Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “Sợ nhất là dân không nói gì cả”. Đó mới là điều đáng quan ngại hiện nay.

Vấn đề này phải nhìn nhận bình tĩnh và khách quan. Có thể phản biện xã hội chưa đủ, chứ không phải quá thiếu. Có thể lấy ví dụ ngay nửa cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hẳn một hội nghị lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội và điều hành của Chính phủ. Đó chính là phản biện xã hội.

Công bằng mà nói, Chính phủ rất chú tâm lắng nghe các ý kiến phản biện. Ví dụ, tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu phát biểu, chất vấn thành viên Chính phủ đến “rát mặt”, mà trước kia làm gì có. Đó chính là diễn đàn phản biện tối cao. Nghị quyết, văn bản của Đảng cũng đem ra thảo luận từ trên xuống dưới, rộng rãi trong xã hội. 

Hơn nữa, phản biện là cơ chế tốt, nhưng không phải phản biện nào cũng đúng, cũng phù hợp để có thể áp dụng. Bên cạnh đó, ý kiến phản biện là một vấn đề, nhưng đi vào cuộc sống có thể lại rất khác, nhất là ở Việt Nam, với một trình độ thấp, lại trong bối cảnh hội nhập sâu, có nhiều vấn đề không thể dự báo trước. Do đó, có nhiều chính sách của chúng ta là đúng, là tốt, nhưng khi thực thi lại chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố tác động bên ngoài; hoặc thế giới thay đổi nhanh quá, chúng ta không thích nghi kịp.

Chưa kể, đôi khi các ngành, các bộ, địa phương cũng đem theo lợi ích cục bộ của mình, dẫn tới việc thực thi chính sách sai lệch, kém hiệu quả. Ví dụ, cơ cấu hành chính hiện nay của chúng ta đang khiến mỗi tỉnh, thành phố, địa phương là một “quốc gia” nhỏ với đầy đủ ban bệ chức năng như một Chính phủ thu nhỏ, lại có GDP riêng, có thu ngân sách riêng. Điều này khiến nền kinh tế chung bị xắt nhỏ ra thành nhiều đơn vị biệt lập. Do vậy, dù chúng ta khuyến cáo thế nào cũng không thể tránh được chuyện lợi cục bộ, địa phương che lấp lợi ích chung. Thế mới có chuyện các tỉnh thi nhau nâng mức ưu đãi đầu tư đến mức bất hợp lý để bằng mọi giá kéo được doanh nghiệp về địa phương mình để thu được thuế, để GDP tỉnh tăng… Nguồn gốc vấn đề nằm ở chỗ đó, thành ra nhiều chính sách rất logic, nhưng không thực hiện được, không đi vào cuộc sống.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã nóng vội, áp vào cuộc sống một số chính sách khi chưa đủ độ “chín”?

Điều đó không tránh khỏi. Nhưng trước tiên phải là có luật, rồi mới đến chính sách. Mà luật của chúng là luật khung. Quốc hội thông qua luật, rồi Chính phủ mới ra nghị định. Nghị định lại do một bộ hay liên bộ soạn thảo trình Chính phủ. Chính vì quy trình đó mà kể từ nghị định, luật dần dần bị “lái” cho phù hợp với lợi ích của các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Sau Nghị định lại đến thông tư hướng dẫn, mỗi cơ quan liên quan lại cố lồng ghép được những điều khoản bảo vệ lợi ích của mình trong đó. Thế nên mới gây ra nhiều mâu thuẫn để rồi nghị định chồng nghị định, thông tư chồng thông tư. Vì thế, chúng ta phải nhanh chóng cải thiện việc xây dựng luật.

Không như ở các nước khác, luật khi đã ban hành là thực hiện được ngay và Quốc hội của họ thường xuyên sửa luật cho phù hợp với thực tế và sửa cụ thể, chứ không phải sửa chung chung về phương châm. Tôi có xem Luật Hải quan của Mỹ, dày cả ngàn trang, quy định cụ thể đến từng chi tiết nhỏ nhất. Chẳng hạn, thùng đựng cá xuất khẩu phải rộng bao nhiêu, cao bao nhiêu, ở trong phải lót vật liệu gì… Đó là những điều mà ta cần phải học để tiến tới một nền hành chính hiện đại.

 

Phan Long // Báo Đầu Tư

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Kẽ hở của các tập đoàn
  • Thu hút đầu tư: Khi tỉnh thành cạnh tranh
  • Dùng nhiều cán bộ chỉ có bằng tại chức là không tốt
  • Giải mã 'cơn điên vàng' vừa qua
  • Gia tăng bất thường số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp
  • Đổi mới chính phủ: Cần xác định lại luật gốc
  • Ngành nông nghiệp đã cứu đất nước này
  • Cà phê cuối tuần: “Tin thì mới cho vay!”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi