Kết thúc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG), với tổng số viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nước và tổ chức quốc tế dành cho VN trong năm tài khoá 2012 là 7,386 tỷ USD, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với VN.
- Tại sao ông lại cho rằng chúng ta được ưu ái khi thực tế, mức viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nước và tổ chức quốc tế dành cho VN trong năm tài khoá 2012 thấp hơn so với mức xấp xỉ 7,9 tỉ USD của năm ngoái, thưa ông?
Nói đây là mức cam kết hỗ trợ cao bởi ba lí do: Thứ nhất, năm 2010 chúng ta đạt 7,9 tỉ USD nhưng trong đó có một gói cứu trợ của WB, năm nay không có khoản đó. Thứ hai, năm nay là năm VN đã bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, sự ưu tiên của các đối tác phát triển cũng sẽ giảm để tập trung cho các nước có điều kiện khó khăn hơn. Thứ ba, hiện nay nhiều nước ở khu vực Châu Âu và các nước phát triển đang khủng hoảng nợ công thâm hụt ngân sách lớn.
- Theo ông, mức tài trợ của nhà tài trợ nào là “ấn tượng” nhất lần này?
Kết quả hội nghị lần này cũng cho thấy, từ trước đến nay VN luôn nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó đứng đầu là WB, ADB...
Lần này, các tổ chức trên vẫn tiếp tục tin tưởng, hỗ trợ to lớn cho VN, đặc biệt là Nhật Bản - dù gặp rất nhiều khó khăn sau thảm họa động đất và sóng thần nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn cam kết giữ nguyên mức hỗ trợ, thậm chí cao hơn, lên tới 1,9 tỉ USD trong năm 2012.
Trong bối cảnh chúng ta đang rất cần nguồn lực để tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu ngân hàng... thì đây thực sự là sự hỗ trợ vô cùng to lớn.
- Vậy chúng ta sẽ cam kết quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng này như thế nào, thưa ông?
Một trong những mục tiêu trọng tâm mà Chính phủ đề ra trong năm 2012 cũng như những năm tiếp theo đó là tái cơ cấu đầu tư công.
Trong bối cảnh tổng mức đầu tư toàn xã hội sẽ vẫn tiếp tục tăng trong khi lạm phát tăng cao, nợ công của VN cũng đã ở mức cao thì chúng ta giảm dần đầu tư công, đồng thời mở ra một kênh mới tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tư nhân tham gia.
Những dự án nào tư nhân, DN nước ngoài đầu tư hiệu quả, mang lại lợi nhuận thì để họ đầu tư. Nhà nước chỉ dùng phần vốn của mình để làm hai việc: Thứ nhất, đối ứng với các dự án tư nhân; Thứ hai, đầu tư cho các dự án, các vùng không hoàn được vốn (chủ yếu là những hạ tầng kết cấu kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa).
Chỉ thị 1792 của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn nhà nước và trái phiếu chính phủ trong năm 2012 cũng đã yêu cầu thắt chặt, bố trí tập trung, không dàn trải. Phần vốn đầu tư ODA này sẽ theo từng dự án rất cụ thể và các địa phương, các bộ, ngành, phải sử dụng nguồn vốn này một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Với sự siết chặt của Chính phủ thì ODA trở thành nguồn lực cho các dự án lớn. Như vậy tiến độ giải ngân 2012 chắc chắn sẽ cao hơn năm 2011.
Thực tế, năm 2010, VN giải ngân được khoảng 2,941 tỉ USD. Đây cũng là sự cố gắng tuy nhiên các nhà tài trợ cho rằng tiến độ như vậy vẫn chậm. Năm 2011, tính đến hết tháng 11 đạt khoảng 3,2 tỉ USD và dự kiến hết năm 2011 sẽ đạt khoảng 3,65 tỉ USD, cao hơn khoảng gần 10% so với năm 2010.
- Những cam kết từ phía VN sẽ được cụ thể hóa bằng chính sách nào trong thời gian tới, thưa ông?
Mỗi đồng vốn ODA bây giờ trở nên rất quý vì nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm mạnh. Chúng ta cần hơn 500 nghìn tỉ đồng để hoàn thành nốt những công trình đang dở dang mà Nghị Quyết 881 của Quốc hội khóa XII và Quyết định 184 của Chính phủ năm 2011 đã quyết định đầu tư. Trong khi đó chúng ta chỉ có thể huy động được 180 nghìn tỉ đồng. Vì vậy những công trình trên sẽ được tập trung sử dụng vốn ODA nhiều hơn và chúng ta sẽ phải có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn.
Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay trong quý I/2012 sẽ xây dựng một Nghị định về xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn thay vì kế hoạch bố trí hằng năm như hiện nay. Chúng ta sẽ bố trí nguồn vốn 3 năm và tiến tới là 5 năm.
Chủ trương của Chính phủ là sẽ công bố rõ ràng các nguồn lực của nhà nước, vốn 0DA mà các địa phương, bộ, ngành có được để chủ động bố trí theo những tiêu chí chặt chẽ.
Tôi tinh rằng với những chính sách tích cực được ban hành trong thời gian tới sẽ là lời cam kết của Chính phủ VN.
- Ông có thể đánh giá triển vọng cũng như khả năng cam kết của các nhà tài trợ trong những năm tiếp theo?
Khi VN đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình ngưỡng dưới, sẽ khó khăn trong việc thu hút ODA.
Tôi nghĩ rằng, không phải chúng ta vận động nhiều mà được, cái chính là chúng ta thể hiện bằng sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả nhất, đúng mục đích nhất, giải ngân đúng tiến độ nhất thì các nhà tài trợ quốc tế sẽ sãn sàng giúp VN.
Ngược lại, nếu thấy VN còn nghèo mà sử dụng lãng phí, tham ô ODA sẽ chẳng ai đầu tư. Muốn cam kết của các nhà tài trợ tăng thì VN phải chứng tỏ được mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : VN sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung chủ yếu của Nghị quyết 11 trong năm 2012, đồng thời triển khai quyết liệt, có hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Với các biện pháp thắt chặt tài khóa, tiền tệ, chúng tôi cho rằng, năm 2012, VN có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9%. Nhập siêu năm tới sẽ ở mức 10-12%. Nợ công trong ngưỡng an toàn, bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8%. Tăng trưởng GDP là 6%. Mức tăng trưởng này sẽ giúp VN ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. VN không chọn tăng trưởng cao trong giai đoạn hiện nay. VN cũng sẽ tiến hành cổ phần hóa hầu hết các DN nhà nước với mục tiêu chủ yếu là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. VN cam kết đẩy nhanh quá trình giải ngân, sử dụng hiệu quả những sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là ODA. Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại VN : Chúng tôi không chú trọng đến số nguồn vốn cam kết hỗ trợ cho VN trong thời gian tới. VN phải tự đảm bảo tài chính, vốn trong quá trình phát triển của chính mình. Các đối tác sẽ tập trung hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực, kỹ năng kết nối với nền kinh tế toàn cầu theo hướng gia tăng các giá trị gia tăng. Tuy nhiên với số tiền cam kết tài trợ ở mức 7,368 tỉ USD trong năm 2012 cho thấy sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với những nỗ lực thực hiện cam kết của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, IFC cam kết hỗ trợ Chính phủ VN đưa ra một lộ trình xem xét đánh giá thực trạng toàn bộ hệ thống ngân hàng, từ đó đưa ra đề xuất về một nghị trình cải cách. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com