Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng kinh tế và vai trò của báo chí

Người làm báo không trực tiếp làm kinh doanh – “sáng tạo ra giá trị”. Tuy nhiên, với vai trò “cầu nối” giữa cơ quan chức năng và người dân, DN, báo chí (đặc biệt là báo kinh tế) cũng đã khẳng định vai trò không nhỏ của mình trong việc vượt qua khủng hoảng. Nhân ngày báo chí cách mạng VN, các chuyên gia kinh tế (những cộng tác viên đặc biệt của DĐDN), các doanh nhân sẽ cùng bàn về câu chuyện: khủng hoảng kinh tế và vai trò của báo chí.

Dù mỗi người một ý nhưng các doanh nhân và chuyên gia đều khẳng định: báo chí có vai trò không nhỏ trong việc bình ổn nền kinh tế và giúp DN vượt khủng hoảng thành công.

Khủng hoảng càng nổi bật vai trò của báo chí

- Ông (bà) đánh giá thế nào về nhận xét: tiếng nói của báo chí góp phần không nhỏ trong việc cùng DN vượt khủng hoảng?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích: “Hai điều mà báo chí kinh tế không thể không đặc biệt chú trọng là bám sát thực tiễn đời sống kinh tế và nhấn mạnh tư duy lôgíc”.

Ông Nguyễn Đình Bích :

Hẳn nhiên các DN mới là các chủ thể vượt qua cơn địa chấn khủng hoảng, còn báo chí suy cho cùng là những người ngoài cuộc chơi. Nhưng những gì báo chí phản ánh lại góp phần không nhỏ trong việc giúp các DN vượt qua khủng hoảng. Bởi lẽ, không ai rõ hơn các DN trong chính “ô cờ” của mình, nhưng tổng thể “bàn cờ” thì chắc chắn là không. Ông cha ta vẫn nói: “cờ ngoài, bài trong” và báo chí với tư cách người ngoài có thể giúp DN bao quát được “cuộc cờ” để có quyết sách phù hợp.

Ông Nguyễn Xuân Dương :

Báo chí trong giai đoạn vừa qua đã phát huy tốt vai trò cầu nối: phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN đến Chính phủ, để Chính phủ kịp thời đưa ra chính sách linh hoạt, hiệu quả, giúp DN vượt qua khủng hoảng.

Ông Lê Văn Hinh :

Báo giới tuy không trực tiếp làm kinh doanh, tuy nhiên, với vai trò là cơ quan truyền thông, truyền tải thông tin nhanh, đa chiều đến mọi nhà (Nhà nước, nhà DN, nhân dân...), báo chí lúc nào cũng có vai trò quan trọng và tạo ra giá trị gia tăng cho mọi nhà với mức chi phí xã hội thấp cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh và một xã hội minh bạch.

Trong thời gian khó khăn, báo chí (đặc biệt là báo kinh tế) càng có vai trò không nhỏ, hỗ trợ mọi nhà vượt qua khó khăn thử thách. Việc đưa thông tin kịp thời về diễn biến kinh tế quốc tế và trong nước tới các DN đã giúp DN sẵn sàng ứng phó, không sốc và nắm bắt thời cơ thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Theo tôi, trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay và vào lúc khó khăn vừa qua là lúc mà người ta nhìn thấy rõ nhất vai trò của báo chí, người bạn tri ân của mọi nhà.

Phạm Thị Loan - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Tập đoàn Việt Á : “Đôi khi báo chí là kênh thông tin ngắn nhất để DN chuyển ý kiến của mình tới các cơ quan quản lý”.

Bà Phạm Thị Loan :

Những năm gần đây, báo chí đã thực sự trở thành một cầu nối quan trọng để DN đưa thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước đồng thời cũng là diễn đàn để các DN có ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của DN với Chính phủ và các cơ quan quản lý khi không có điều kiện tiếp cận trực tiếp. Đôi khi đây còn là kênh thông tin ngắn nhất để DN chuyển ý kiến của mình tới các cơ quan quản lý.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vừa qua, báo chí đã phát huy khá tốt vai trò của mình, đặc biệt là các báo kinh tế và thực sự là người bạn đồng hành cùng DN vượt qua khủng hoảng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn :

Định hướng xã hội là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, rất cần đến vai trò định hướng dư luận của báo chí, đồng thời tạo một diễn đàn để mọi người cùng tham gia đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng, phát triển kinh tế đất nước. Thời gian vừa qua báo chí đã làm khá tốt điều này, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, tránh được sự hoang mang đồng thời cổ vũ nhân dân, DN nỗ lực vượt qua khó khăn.

ÔngVũ Xuân Tiền - Chủ tịch HĐTV Cty tư vấn VFAM VN: “Đừng bao giờ hi vọng rằng, một số bài báo, một số ý kiến chuyên gia sẽ thể hiện được tổng thể những vấn đề của nền kinh tế”.

Ông Vũ Xuân Tiền :

Tôi xin được nhấn mạnh: Trong kinh tế thị trường, báo chí (đặc biệt là báo kinh tế) có tác dụng rất lớn đối với các chủ DN và hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, trong kinh tế thị trường, thông tin là tài sản quý, nó giúp các chủ DN tạo ra lợi nhuận hoặc tránh được rủi ro. Thông tin của báo chí càng kịp thời, đầy đủ, chính xác sẽ giúp cho các chủ DN càng nhiều. Có thể nói, những thông tin kịp thời của báo chí về tình trạng khủng hoảng kinh tế thế giới, những biện pháp cứu nguy của các nước và những biện pháp của Chính phủ ta đã tạo điều kiện thuận lợi lớn cho các DN có biện pháp khả thi để vượt qua khủng hoảng.

- Trong thời điểm khó khăn vừa qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều chính sách linh hoạt và hiệu quả, từ đó kinh tế VN là một trong không nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng dương. Vậy theo ông (bà), báo chí (đặc biệt là báo kinh tế) đã phản ánh tốt điều đó hay không ?

Ông Nguyễn Đình Bích :

Là một trong số không nhiều những nền kinh tế tăng trưởng  đồng nghĩa với việc VN nằm trong số ít “biệt lệ”. Do vậy, các chính sách và giải pháp mà VN áp dụng cũng thuộc số ít “biệt lệ” ấy. Chẳng hạn như nhóm giải pháp đưa hàng về nông thôn trong bối cảnh xuất khẩu trầm lắng, thị trường thành thị ế ẩm... chắc cũng  là một “biệt lệ” vì có lẽ khó tìm trên thế giới.

ÔngNguyễn Xuân Dương - TGĐ Cty CP may Hưng Yên: “Người làm báo cần đủ trình độ để nêu vấn đề thuyết phục; Đủ dũng cảm để không né tránh vấn đề gai góc; Đủ kinh nghiệm để biết chọn thời điểm nêu vấn đề”.

Ông Nguyễn Xuân Dương :

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, báo chí đã đồng hành cũng DN vượt qua khó khăn, hỗ trợ, định hướng cho DN trong quá trình phát triển. Với Báo DĐDN, tôi cho rằng báo đã phản ánh sát thực những hoạt động của cộng đồng DN, đặc biệt sau khi Báo DĐDN phản ánh ý kiến DN về vấn đề tỷ giá ngoại tệ cần được điều chỉnh linh hoạt theo hướng làm yếu nội tệ để khuyến khích XK và hạn chế NK thì trong năm 2009, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh biên độ, điều chỉnh tỷ giá. Nhờ vậy mà xuất khẩu ngành dệt may vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương và nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm một cách đáng kể. Cho đến thời điểm hiện nay, tình trạng nhập khẩu đã nằm trong giới hạn điều tiết của Chính phủ.

Ông Lê Văn Hinh :

Báo giới thời gian qua đã truyền tải rất tốt thông điệp của Chính phủ là tập trung vốn cho khu vực sản xuất, khu vực thực sự sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, khu vực  đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội mà hạn chế vốn chảy vào khu vực phi sản xuất, khu vực đầu cơ... Từ đó các DN đã thấu hiểu chủ trương chính sách và đã rất chấp hành đóng cửa các sàn vàng một cách rất trật tự (mặc dù nơi đây, xét về mặt cục bộ DN đang là nơi hốt bạc). Báo giới cũng đang làm tốt vai trò truyền thông về chủ trương duy trì tăng trưởng thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng một cách có kiểm soát đảm bảo tăng trưởng bền vững...

Bà Phạm Thị Loan :

Về cơ bản, báo chí đã thông tin rất kịp thời. Chính vì vậy mà nhiều khó khăn vướng mắc của DN đã kịp thời được tháo gỡ góp phần vào thành công chung của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hơn nữa, với tư cách Đại biểu Quốc hội, báo chí đã hỗ trợ rất nhiều để tôi thực hiện tốt vai trò của mình. Không chỉ góp phần đưa tiếng nói của tôi nói riêng và tiếng nói của các đại biểu quốc hội khác nói chung trước Quốc hội đến với cử tri cả nước mà thông qua báo chí chúng tôi cũng nắm rõ hơn được tâm tư nguyện vọng của các cử tri, các ý kiến của các chuyên gia... Từ đó có những ý kiến đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn bởi qua kênh thông tin hai chiều này chúng tôi  biết được rằng ý kiến của dại biểu quốc hội có đúng với mong muốn, nguyện vọng của cử tri hay không.

ÔngNguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT PVI: “VN đang trong giai đoạn hoàn thiện hành lang pháp lý. Vì vậy hơn bao giờ hết báo chí cần thể hiện vai trò cầu nối giữa Chính phủ và DN”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn :

Tại Cty chúng tôi có có riêng một bộ phận tiếp nhận các thông tin liên quan đến lĩnh vực của mình hoạt động, hằng ngày bộ phận phận này sẽ tổng hợp các thông tin quan trọng nhất để chuyển lên ban lãnh đạo tham khảo. Chính vì vậy chúng tôi luôn có được sự điều chỉnh kịp thời để tuân thủ các chủ trương, chính sách pháp luật  tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả trong công việc.

Ông Vũ Xuân Tiền :

Trong thời điểm khó khăn vừa qua, về cơ bản, báo chí VN đã phản ánh tốt thực trạng của lạm phát, suy giảm nền kinh tế và các chính sách, biện pháp linh hoạt, hiệu quả mà Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã áp dụng. Chẳng hạn, khi lạm phát xảy ra, báo chí, đặc biệt là báo kinh tế đã thông tin rất kịp thời tới cộng đồng DN và công dân về sự biến động của giá cả thị trường, chỉ số lạm phát, lãi suất tiền gửi, tiền vay cả trên thị trường thế giới và trong nước. Đặc biệt, khi Chính phủ quyết định thực hiện các gói kích cầu, báo chí đã thông tin khá kịp thời, đầy đủ cả nội dung, điều kiện thực hiện. Không dừng lại ở đó, các báo chí còn nêu cả những vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính khi thực hiện các biện pháp kích cầu. Đó là một trong những điều kiện để ngăn chặn các hành vi tham nhũng khi thực hiện các biện pháp kích cầu và góp phần làm cho các biện pháp kích cầu phát huy tác dụng tốt trong thực tế để có một kết quả VN là một trong không nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng dương vào năm 2009.

Người làm báo phải lắng nghe và chắt lọc

- Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp báo chí chưa hẳn đã là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và DN. Nếu ông (bà) là người làm báo, ông bà sẽ làm gì để cải thiện ?

Ông Nguyễn Đình Bích :

Theo tôi, báo chí không phải lúc nào cũng là “cầu nối” là điều đương nhiên. Bởi lẽ, toàn bộ nền kinh tế không khác gì một “trận đồ bát quái”.  Do vậy, để cải thiện tình hình, bất cứ  người làm báo nào cũng cần bám sát thực tế cuộc sống và đào sâu suy nghĩ.

Ông Nguyễn Xuân Dương :

Tôi cho rằng, trong thời đại thông tin hiện nay, thế giới đã trở thành nhỏ bé, mọi biến động của nền kinh tế trên mọi khu vực trên thế giới đều được các phương tiện thông tin cập nhật hàng ngày, xử lý và đăng tải. Cùng một nguồn tin nhưng mỗi tờ báo nhìn theo những khía cạnh khác nhau, khai thác và đăng tải theo cách nhìn nhận và đánh giá của mình. Khi độc giả tiếp nhận thông tin này cũng có những nhận thức khác nhau, tuỳ thuộc vào quan điểm nhận thức, trình độ của mỗi người. Cho nên, thông tin dù trung thực đến bao nhiêu thì vẫn có tính khuếch đại và lan truyền. Thông tin càng mới, càng “giật gân” thì tính lan truyền, khuyếch đại càng lớn.

Chuyên gia kinh tế Lê Văn Hinh : “Nếu không vì lợi ích DN và lợi ích xã hội thì người làm báo không nhận biết được điểm yếu của mình, đó mới là điều đáng lo ngại”.

Ông Lê Văn Hinh :

Lúc nào cũng phải nghĩ đến lợi ích của DN và người lao động, nơi thực sự sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống xã hội và nơi tạo ra giá trị gia tăng cho toàn xã hội - Khi thấu hiểu như thế thì sẽ làm tốt chức năng của báo giới. Nếu làm cho Báo Diễn đàn DN thì lại càng phải nghĩ đến lợi ích của DN, lợi ích của người lao động trong các DN đó và lợi ích của cộng đồng đang hưởng lợi từ các sản phẩm do DN sản xuất ra... Nếu luôn nghĩ như thế, hành động và viết theo tư tưởng đó thì người làm báo sẽ tự chỉnh lý được mình và sẽ tiến bộ không ngừng, sẽ tự thấy mình phải bám sát thực tế hơn...  Khi thấu hiểu DN, thấu hiểu Nhà nước và chính sách... và vì lợi ích chung của xã hội... như thế thì chắc chắn là nhà báo sẽ cải thiện được những hạn chế của mình.

Ông Vũ Xuân Tiền :

"Trong nhiều trường hợp báo chí chưa hẳn đã là cầu nối hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân và DN" - đó là một sự thật khách quan ở nước ta hiện nay. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó là, thông tin được đăng tải trên báo chí là phục vụ cho sự minh bạch - cả trong quản lý và kinh doanh. Song, ở nước ta hiện nay, nguyên tắc minh bạch chưa thật sự được các cơ quan quản lý nhà nước và các DN tôn trọng. Vì vậy, không ít thông tin có lợi cho cộng đồng DN nhưng lại không được đăng tải trên báo, không ít thương vụ thành công hoặc thất bại có thể là bài học kinh nghiệm cho rất nhiều DN nhưng cũng không được phép đưa lên báo. Nếu là người làm báo, tôi sẽ lắng nghe, nghiên cứu chắt lọc thông tin và tìm ra một cách nào đó để đưa được thông tin lên báo. Nhưng cũng phải nói thật, đó là việc không dễ với các nhà báo.

- Ngược lại, những phản ánh của báo chí, DN, chuyên gia... do nhiều yếu tố khách quan cũng chưa thể hiện được tổng thể những vấn đề của nền kinh tế. Vậy ông bà nghĩ gì về điều này?

Ông Nguyễn Đình Bích :

Việc báo chí, DN, chuyên gia... chưa thể hiện được tổng thể những vấn đề của nền kinh tế cũng là điều đương nhiên. Bởi lẽ, một tờ báo, một DN hay một chuyên gia bao giờ cũng chỉ có một hoặc một vài thế mạnh, trong khi tổng thể nền kinh tế như đã nói ở trên, là một “trận đồ bát quái”.

Ông Lê Văn Hinh :

Theo tôi, chúng ta không nên cầu toàn, như tôi nói ở trên, nếu lấy lợi ích của DN và rộng ra là lợi ích của xã hội làm trọng tâm, làm định hướng thì những yếu kém, hạn chế có thể do khách quan là không đáng lo ngại và sẽ dần dần được nhận ra và được khắc phục. Nếu không vì lợi ích DN và lợi ích xã hội thì người làm báo không nhận biết được điểm yếu của mình, đó mới là điều đáng lo ngại và đáng trách.

Ông Vũ Xuân Tiền :

Theo tôi, ở nước nào cũng vậy. Bởi lẽ, những phản ánh của báo chí về bản chất là của những nhà báo cụ thể, của các DN, các chuyên gia cũng là của những con người cụ thể với những góc nhìn khác nhau về một sự kiện.

Đừng bao giờ hi vọng rằng, một hoặc một số bài báo, một số ý kiến của các DN, chuyên gia sẽ thể hiện được tổng thể những vấn đề của nền kinh tế. Song, để nhận định được những vấn đề tổng thể của nền kinh tế, không thể thiếu những bài viết, những ý kiến theo những góc cạnh khác nhau như vậy. Đó là nguồn tư liệu vô cùng quý để có thể nghiên cứu, đánh giá những vấn đề tổng thể của nền kinh tế.

Kỳ vọng lớn lao

- Ở góc độ DN và chuyên gia kinh tế, ông bà có góp ý gì để báo chí, đặc biệt là báo kinh tế ngày càng thể hiện vai trò của mình tốt hơn ?

Ông Nguyễn Đình Bích :

Hai điều mà báo chí kinh tế không thể không đặc biệt chú trọng là bám sát thực tiễn đời sống kinh tế và nhấn mạnh tư duy lôgích.

Ông Nguyễn Xuân Dương :

Báo chí nói chung và báo kinh tế nói riêng (nhất là Báo DĐDN - tiếng nói cộng đồng DN, doanh nhân VN) cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong xã hội. Bên cạnh đó, báo chí cần định hướng cho DN những vấn đề mà xu hướng cộng đồng DN sẽ hướng tới.

Đặc biệt, theo tôi, người làm báo cũng cần đủ trình độ để nêu vấn đề một cách thuyết phục; Đủ lòng dũng cảm để không né tránh những vấn đề gai góc; Đủ kinh nghiệm để biết chọn thời điểm để nêu vấn đề, nhắc lại vấn đề mà mình cho rằng cần thiết và cuối cùng báo chí cần xây dựng mối quan hệ tốt với cả hai đầu cầu nối.

Ông Lê Văn Hinh :

Như tôi đã nói, nếu người làm báo kinh tế luôn luôn hành động vì lợi ích của DN và lợi ích của người lao động... thì chắc chắn sẽ thể hiện tốt vai trò của mình và cụ thể là chắc chắn có bài báo kinh tế hay, có ích. Tôi đã viết khá nhiều cho báo kinh tế. Điều tôi sợ nhất không phải là sự nhầm lẫn khi viết báo mà sợ nhất là tình trạng bạn đọc  không đọc vì cho rằng bài đó chẳng mang lại lợi ích gì.

Bà Phạm Thị Loan :

Đối với các báo kinh tế tôi nghĩ rằng cần phải theo sát hơn nữa hoạt động của các DN để từ đó nắm bắt tốt hơn thị trường, đặc biệt là các khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động và các chính sách liên quan đến hoạt động kinh tế. Đồng thời báo chí phát huy cao hơn nữa trong hoạt động chống tiêu cực, tham nhũng.

Trên thực tế trong thời gian vừa qua, có những lúc, một số báo chưa  thể hiện hết vai trò của mình, đưa thông tin thiếu định hướng và thiếu chính xác, tạo ra những bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội. Đặc biệt là những thông tin phiến diện một chiều ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn rằng báo chí phải thể hiện tốt hơn nữa trách nhiệm xã hội, lương tâm nghề nghiệp trước các thông tin đưa ra.

Ông Nguyễn Anh Tuấn :

Báo chí phải đưa ra được các luồng ý kiến khác nhau trên tinh thần cởi mở. Phát hiện nhiều hơn nữa những nhân tố, mô hình điển hình trong hoạt động kinh tế để từ đó động viên khích lệ và để mọi người  hiểu hơn về sự đóng góp cũng như vai trò quan trọng của cộng đồng DN - doanh nhân. Chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thiện hành lang pháp lý. Vì vậy hơn bao giờ hết báo chí cần thể hiện tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Chính phủ và DN để làm sao các chính sách kinh tế được ban hành ra tạo động lực và điều kiện cho các DN phát triển. Bên cạnh đó kip thời phản ánh những khó khăn vướng mắc, bất cập để các cơ quan quản lý tháo gỡ kịp thời.

Ông Vũ Xuân Tiền :

Để báo chí, đặc biệt là báo kinh tế, ngày càng thể hiện vai trò của mình tốt hơn trong thời gian tới, có rất nhiều việc phải làm và phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng tờ báo. Song, điều kiện có thể cho là chung nhất cho mọi tờ báo là có một đội ngũ những người cầm bút có trình độ chuyên môn cao, có cái tâm trong sáng khi hành nghề. Có trình độ chuyên môn cao để tránh những sai lầm ấu trĩ khi viết bài, đặc biệt là những bài về kinh tế. Có cái tâm trong sáng khi hành nghề là để không nhận định phiến diện, một chiều, thậm chí là nhận định do sự điều khiển của... vật chất.

- Nếu muốn kinh tế VN phát triển bền vững, thời gian tới báo kinh tế (đặc biệt là DĐDN) còn cần thêm những điều gì ?

Ông Nguyễn Đình Bích :

Theo tôi, DĐDN cần bám sát thực tiễn đời sống của DN hơn nữa và đặt nó trong quá trình phát triển biện chứng.

Ông Nguyễn Xuân Dương :

Tôi cho rằng, nhà báo chính là người định hướng thông tin, bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình để chọn lọc, định hướng. Như vậy có thể thấy vai trò rất quan trọng của báo chí trong thời đại ngày nay. Cũng bởi vậy mà theo tôi, báo chí cần chắt lọc thông tin, xử lý và lựa chọn những thông tin nào nên đăng va không đăng lên báo. Ngoài ra, khi đăng lên báo, cần có chú giải, bình luận để tránh độc giả hiểu sai thông tin.

Ông Lê Văn Hinh : 

Đối với báo kinh tế nói chung và Báo Diễn đàn DN cần phải làm thế nào để chứng tỏ rằng đây là báo của DN, vì DN và là diễn đàn thực thụ của DN: chẳng hạn như nơi đây phải là thư viện không chỉ thông tin mà cả là thư viện khoa học thực thụ của DN; nơi đây phải là nơi thu hút được nhiều trí tuệ phục vụ nhiều hơn nữa cho DN không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà cả trên trường kinh doanh.

Ông Vũ Xuân Tiền :

Trong giai đoạn tới, DN và doanh nhân là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Trong việc thực hiện sứ mệnh lịch sử đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Vì vậy, hỗ trợ tốt hơn nữa cho các DN và doanh nhân phải được coi là nhiệm vụ chủ yếu của Diễn đàn DN - Tiếng nói của cộng đồng DN - doanh nhân Việt Nam. Muốn làm tốt nhiệm vụ đó, DĐDN phải tăng cường hơn nữa "tính chiến đấu", phải có những bài, những chuyên đề phản biện có sức thuyết phục, đúng quy định của pháp luật và đạo lý kinh doanh. Bên cạnh đó, DĐDN cũng cần có thêm các chuyên mục hỗ trợ cho các DN - doanh nhân về kỹ năng quản trị DN - khâu yếu nhất của cộng đồng DN Việt Nam hiện nay.

- Xin cảm ơn các ông, bà !

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Nam Hải: Báo chí góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế

Chúng tôi nhận thấy rằng, thời gian qua các cơ quan báo chí đã tích cực phát huy tinh thần năng động, bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề cần quan tâm, kịp thời thông tin, phản ánh, đề xuất kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét, xử lý. Nhiều đề xuất, kiến nghị hợp lý của báo chí và của các tầng lớp nhân dân phản ánh qua báo chí được Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng tiếp thu, xem xét, giải quyết một cách nghiêm túc.

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn khi nền kinh tế thế giới và trong nước rơi vào khủng hoảng, các cơ quan báo chí đã kịp thời tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương của Đảng, các giải pháp của Chính phủ, của Bộ Công Thương nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, đề phòng lạm phát cao, hỗ trợ DN, người sản xuất trong nước vượt khó khăn, ổn định và phát triển.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý công nghiệp, thương mại. Những nhiệm vụ này bao gồm: tiếp tục đẩy mạnh sán xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và XK; Tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, những mặt hàng có khối lượng tiêu dùng lớn; Tập trung thúc đẩy XK, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hạn chế nhập siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán; Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng của nhân dân... Để hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn này. Bộ Công Thương mong muốn, và tin rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của đông đảo cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên.

Bộ cũng cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa với báo chí, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, rộng rãi và chính xác để đông đảo nhân dân biết, hiểu và đồng cảm cùng ngành Công Thương khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cả nước, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển.

(Tuấn Anh)

Ông Bùi Đức Song - TGĐ Cty Bảo hiểm SVIC: Mối quan hệ tương hỗ

- Báo chí luôn đồng hành cùng DN, nhưng làm sao có thể đồng hành cùng với DN đạt hiệu quả tốt nhất thì lại là vấn đề cần phải bàn, quan điểm của ông?

Theo tôi, để báo chí đồng hành cùng DN đạt hiệu quả tốt, cần có những yếu tố cơ bản sau: Thứ nhất, nguyên tắc cơ bản đó là sự tin cậy lẫn nhau và thông tin hai chiều giữa DN và báo chí. Thông tin không chính xác từ phía DN sẽ gây nghi ngờ và mất lòng tin của báo chí và theo đó là của độc giả. Ngược lại, thông tin không chính xác của nhà báo hiển nhiên sẽ làm thiệt hại uy tín và thậm chí ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của DN. Thứ hai, là mối quan hệ giữa DN và báo chí phải được xây dựng trong một thời gian dài, nó phải được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau. Tránh trường hợp chỉ trong những dịp cần đưa thông tin của tổ chức, DN lên các phương tiện thông tin  thì mới đặt vấn đề với báo chí. Bên cạnh đó, cũng cần gạt bỏ được tâm lý e dè, cảnh giác giữa DN đối với báo chí. DN cần phải nhận thức đúng đắn rằng, chức năng của báo chí là đưa tin và tin tức yêu cầu phải có tính cập nhật, trung thực và chính xác. Vì vậy, sự hợp tác cung cấp thông tin cho báo chí sẽ dễ nhận được sự ủng hộ và thông cảm của báo chí. Ngược lại, chính tâm lý e dè, cảnh giác có thể dẫn đến những thông tin không nhất quán, thiếu chính xác. Điều này hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của tổ chức, DN.

Việc phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa DN với báo chí nhằm cung cấp những thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về những vấn đề của DN nhằm mục tiêu  phục vụ công tác truyền thông của báo chí, góp phần vào sự phát triển của DN nói riêng và thị trường nói chung.

Một điều mà DN cũng đặc biệt quan tâm đến là sự phản hồi từ phía khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của DN nhằm giúp DN phát huy tốt những ưu điểm, lợi thế, khắc phục kịp thời những yếu điểm góp phần cho sự phát triển của DN. Thông qua báo chí khách hàng có thể gửi những tâm tư, tình cảm, nhứng đánh giá của mình về sản phẩm, dịch vụ mà DN cung cấp. Từ đó góp phần gắn kết báo chí, DN và khách hàng ngày càng bền chặt và phát huy được vai trò của báo trí.

- Nếu được đổi một ngày từ chức vụ TGĐ thành phóng viên, ông có sẵn sàng ?

Câu hỏi này thật khó, nhưng rất thú vị! Khó bởi làm gì cũng cần phải có nghề, có năng khiếu và kiến thức về lĩnh vực đó, và tôi thì không có nghề làm báo. Nhưng nếu có cơ hội một ngày làm phóng viên, có lẽ tôi sẽ chọn làm phóng viên chuyên đề về các DN, doanh nhân. Đó là một cơ hội để tôi thêm hiểu và thông cảm với những vất vả của nghề làm báo và tôi hi vọng đây là một trải nghiệm quý cho công việc và cuộc sống của mình.

(Xuân Sơn)

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Sao Vàng đất Việt 2010 : Xây dựng thương hiệu toàn cầu
  • “Sứ giả” nhà ở xã hội
  • Thúc đẩy kinh tế tư nhân
  • Quan hệ Việt - Nga: Chặng đường 60 năm
  • Ngăn “cơn lũ” hàng nhập khẩu
  • VDB: “Chúng tôi cho vay theo chỉ đạo”
  • Lý giải cho tình trạng thiếu điện hiện nay: Quá phụ thuộc vào thủy điện
  • Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc: Điều kiện cho thịnh vượng Đông Á ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi