Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Sứ giả” nhà ở xã hội

tinkinhte.com“Suốt quãng thời gian đi học từ nhỏ đến khi tốt nghiệp đại học, tôi không được nằm giường mà chỉ nằm đất vì... nhà quá chật...” - tâm sự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khiến tôi hiểu vì sao ông lại nặng lòng với chính sách nhà ở xã hội, cố gắng hết mình để đưa chính sách này dần đi vào cuộc sống như một điểm sáng của ngành xây dựng trong năm 2009 vốn bộn bề khó khăn.

Hiệu ứng… từ DN

- Thưa ông, 29 năm làm trong DN, lãnh đạo nhiều Cty lớn cả trong Nam ngoài Bắc hơn ai hết ông hiểu DN luôn chọn lựa những dự án, những lĩnh vực có lợi nhuận cao để đầu tư chứ không ai “dại gì” lao vào làm nhà ở giá rẻ ?

Lợi nhuận là một yếu tố hàng đầu của DN nhưng không phải là tất cả. Các tập đoàn lớn trên thế giới bao giờ cũng có tôn chỉ trả lại cho xã hội, cho nhân dân, cho thiên nhiên, môi trường những gì họ gây dựng được từ nó. Vì vậy, sau tất cả những hoạt động kinh doanh làm cho DN có lợi nhuận, phát triển, tăng vốn, tăng tài sản... tôn chỉ của DN nào cũng mang tính nhân văn. Vì vậy trong các hoạt động tài trợ, từ thiện với cộng đồng, DN bao giờ cũng là người đi đầu và có đóng góp nhiều nhất.

- Chỉ điều đó thôi có đủ để ông tin chính sách nhà ở xã hội sẽ được DN ủng hộ ngay khi đầu tư nhà ở cho người thu nhập cao còn đang thiếu ?

Với chính sách hỗ trợ, ưu đãi, tạo điều kiện như hiện nay, DN dễ nhận thấy rằng, đầu tư vào nhà ở xã hội tuy lợi nhuận không cao nhưng chắc chắn và bền vững, mang lại lợi ích cho xã hội và đậm tính nhân văn.

- Vậy theo ông, các DN đến với nhà xã hội đã thực sự được tạo điều kiện tối đa chưa ?

Nhà ở là hàng hóa bị chi phối bởi nhiều lĩnh vực quản lý như đất đai, quy hoạch... nên để tạo ra hàng hoá này mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự phối hợp khăng khít giữa các cơ quan nhà nước với nhau và các cơ quan nhà nước với DN. Bình thường thủ tục cho một dự án mất 3 – 4 năm, nhanh là 2 năm, mà Nghị quyết 18 cùng các Quyết định 65, 66, 67 về một số cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp mới ban hành tháng 4/2009 nhưng đã có đến vài chục dự án được  khởi công xây dựng. Nói vậy để thấy Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các DN và điều đó đang được triển khai rất tốt. Hiện các DN trực thuộc Bộ Xây dựng như TCty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), TCty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex), hay TCty Viglacera... cũng đang đi tiên phong trong lĩnh vực nhà ở giá rẻ. Ở Huế, Đà Nẵng... nhiều dự án nhà ở giá rẻ cũng đã được khởi công bởi các Cty tư nhân. Sang năm 2010 ước tính khoảng dăm bảy ngàn căn hộ nhà giá rẻ sẽ được bàn giao.

Tôi từng ở khổ

- Thưa ông, làm nhà nói chung đã khó, nhưng làm nhà giá rẻ ở VN còn khó hơn, bởi người dân Phương Đông nói chung, người VN nói riêng không có thói quen chuyển vùng, thuê nhà mà luôn mong muốn sở hữu trong khi thu nhập lại không cao. Điều này có làm cho các nhà hoạch định chính sách đau đầu ?

Nhà ở của mình không chỉ là chốn đi về, còn là nơi thờ cúng tổ tiên, lưu giữ tập quán sống. Có nhà để ở là nhu cầu chính đáng của mọi người dân và Nhà nước đang làm hết sức mình để đáp ứng nguyện vọng đó. Tuy nhiên, công cuộc này không thể một sớm một chiều.

- Có lẽ là khó như vậy, nên dù Luật nhà ở từ năm 2005 đã khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, phải 4 năm sau, khi Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất mô hình hiện thực hơn thì chính sách này mới thực sự được triển khai ?

Nhiều người cứ nghĩ đã ai phải ở ngoài đường đâu mà lo, nhưng sự thật là mỗi tuần tôi phải ký hàng chồng đơn thanh tra khiếu nại, kiện tụng về nhà ở, thậm chí có mấy ai tưởng tượng, ở Hà Nội có đại biểu Quốc hội vẫn phải ở trong căn hộ vẻn vẹn 5 m2! Khu phố cổ của Hà Nội vẫn có những căn hộ vài m2, người dân ở rất khổ, chật chội, thiếu ánh sáng, yếu tố đảm bảo vệ sinh, che mưa che nắng còn chưa đủ chứ chưa nói đến nhà là một công trình văn hoá, thẩm mỹ, thư giãn, hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần... Vì vậy, đây là một sự nghiệp khó khăn nhưng tôi hi vọng sẽ góp phần nhỏ bé của mình, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình. Và tôi vui mừng vì bước đầu nhiều người đã thay đổi nhận thức về vấn đề này.

- Người ta thường nói, ở trong cuộc thì mới thấu hiểu được khó khăn của người khác. Ông đã từng ở một căn nhà “hoàn cảnh” để hiểu nỗi khổ về nhà ở của người dân ?

Gia đình tôi 8 người, bố mẹ là cán bộ công chức nhà nuớc phải ở trong một cái phòng 40 m2 chung với một gia đình khác, không có ngăn cách. Suốt quãng thời gian đi học từ nhỏ đến khi tốt nghiệp đại học, tôi không được nằm giường mà chỉ nằm đất... Vì vậy tôi rất chia sẻ nỗi khổ của người dân có khó khăn về nhà ở. Và trong bối cảnh hiện nay nếu Nhà nước không hỗ trợ thì nhà ở đối với nhiều người vẫn mãi chỉ là “ước mơ”.

- Đúng chỉ là ước mơ vì quả thật, nếu tính mức lương như hiện nay thì tiền lương một năm của công chức không mua nổi một m2 nhà chung cư bình thường ?

Đấy là thực tế mà cần phải thay đổi. Hiện nay theo tôi, với mức giá từ 4 – 7 triệu/m2 thì người dân cũng có thể mua được. Tuy nhiên, việc này không thể chỉ thực hiện trong một vài năm mà từng bước giảm tải về nhà ở. Các chính sách về vấn đề này đưa ra cũng phải gắn với mục tiêu cũng như điều kiện thực tế của kinh tế, xã hội đất nước. Bộ Xây dựng đang đề xuất với Chính phủ thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở theo mô hình mà nhiều nước đang làm. Theo đó  mỗi người đi làm, dù trong DN tư nhân, nhà nước, DN FDI... đều góp 1% tiền lương hàng tháng gửi tiết kiệm dài hạn suốt thời gian đi làm, có lãi hàng năm. Đến khi về hưu thì được rút lại hết nếu không mua nhà. Thử tính xem, một người đi làm trong 35 năm, mỗi tháng tiết kiệm 1%, 9 triệu người đi làm ra một nguồn vốn rất lớn. Và nguồn quỹ này sẽ cho vay để các DN xây nhà, cho vay những người đủ tiêu chuẩn mua nhà. Như vậy giải quyết khó khăn cả đầu vào đầu ra !

Ước vọng !

- Người ta gọi ông là “sứ giả” của nhà ở chính sách vì ông luôn có mặt ở mỗi công trình khi khởi công. Đó có phải là "món nợ" mà ông đang làm hết sức mình để trả ?

Đấy là trách nhiệm và cũng có thể nói là tâm huyết, ước vọng của tôi. Mỗi công trình nhà ở xã hội khởi công tôi đều cố gắng đi đến và vận động,  khích lệ DN, để trở thành một phong trào sâu rộng, lâu dài, xuyên suốt.

- Vậy làm giám đốc DN “khổ” hay làm thứ trưởng “khổ” hơn, thưa ông ?

Ngày xưa tôi làm DN, vợ tôi thấy khổ quá, vì tôi đi suốt, cuối tuần mới ăn cơm ở nhà với vợ con. Nên khi được “lên chức” tôi còn lưỡng lự thì vợ con cứ nhất nhất bảo tôi lên làm thứ trưởng ít ra vợ con cũng đỡ khổ cái đoạn... chờ cơm. Ai dè tôi còn bận bịu hơn... Đến cả ngày nghỉ cũng phải đi, nào hội nghị, hội thảo, khởi công... Chả lẽ tôi quay lại bắt đền vợ con ! Mà chẳng phải mình tôi. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp còn tâm huyết và bận rộn hơn rất nhiều.

- Có lẽ đó là cái nghiệp. Ông có tin vào lá bài số phận của mình ?

Tôi mệnh kim, sa trung kim (vàng trong cát)- chắc hợp với kinh doanh vàng hơn. (cười...). Tuy nhiên không thể dựa hoàn toàn vào mệnh mà biết được “số mình”, con đường mình xác định mình hành động hợp quy luật thì mình thảnh thơi. Về công việc thì mình chưa mãn nguyện bởi nhiều dự định còn muốn làm, không nói đến đóng góp hay cống hiến nhưng làm ở vị trí nào cũng phải “được việc” và có trách nhiệm. Và tôi chỉ mong khi tôi về hưu, chính sách nhà ở xã hội cho người nghèo sẽ thành phong trào, tạo thành một quỹ nhà ở lớn. Đó là ước vọng và sẽ là thành công lớn nhất của đời tôi.

- Xin cảm ơn ông !

(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Thúc đẩy kinh tế tư nhân
  • Quan hệ Việt - Nga: Chặng đường 60 năm
  • Ngăn “cơn lũ” hàng nhập khẩu
  • VDB: “Chúng tôi cho vay theo chỉ đạo”
  • Lý giải cho tình trạng thiếu điện hiện nay: Quá phụ thuộc vào thủy điện
  • Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc: Điều kiện cho thịnh vượng Đông Á ?
  • Lại lo lũ chồng lũ
  • Cá tra không phải là catfish
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi