Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam cần xác định lợi thế mới

Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, khi nền kinh tế phát triển đến ngưỡng nhất định thì không thể dựa vào những lợi thế so sánh cũ mà cần tạo lập và phát triển những lợi thế mới. Vì thế, ngay cả khi không có sóng gió nặng nề như mấy năm qua, Việt Nam vẫn phải tái cấu trúc nền kinh tế.

Ước mơ hoá rồng của Việt Nam bao giờ sẽ trở thành hiện thực khi kinh tế liên tục phải đối mặt với những khó khăn, từ cả nội tại và tác động bên ngoài? Năm mới 2012 này, đâu là hướng đi cho nền kinh tế Việt Nam? Chúng ta đang ở chặng nào trong quá trình đổi mới và công cuộc tái cấu trúc cần thực hiện ra sao?

Đón xuân mới Nhâm Thìn, phóng viên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF.VN) - báo VietNamNet trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh chủ đề này.

Tái cấu trúc: Cần mạnh mẽ và thực chất

- Thưa bà, xin cho biết hướng đi nào cho kinh tế Việt Nam năm 2012 - dự báo còn khó khăn hơn nhiều so với 2011 - khi dư địa chính sách còn ít khoảng trống?

Bà Phạm Chi Lan: Thực ra, năm 2011 công cụ chính Việt Nam sử dụng để ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát mới là Nghị quyết 11 với 6 nhóm giải pháp. Trong đó, chúng ta mới tập trung cao nhất vào nhóm chính sách tiền tệ. Mặc dù đạt được mục tiêu kiềm chế tăng trưởng tín dụng, nhưng hệ quả lại ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt DN khó tiếp cận vốn, thậm chí lâm vào tình cảnh tắc nghẽn hoạt động.

Bản thân Nghị quyết 11 cũng còn những giải pháp khác nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, như chính sách tài khoá. Trên thực tế, chủ trương thắt chặt tài khoá chưa thực hiện được bao nhiêu bởi cuối năm, tại diễn đàn Quốc hội có đưa ra con số 81.000 tỷ đồng cắt giảm từ đầu tư và chi tiêu công, nhưng tỉ lệ cắt giảm như vậy là chưa cao và dường như chưa thực chất lắm vì không ít dự án cắt giảm là những dự án chưa được bố trí vốn. Mặt khác cũng trên nghị trường, thông tin cho thấy có hơn 300 dự án nằm ngoài kế hoạch vẫn được khởi công trong năm 2011, và hầu hết các địa phương đều không muốn các dự án của mình bị cắt giảm. Ngoài ra, còn những vấn đề khác như điều hành giá cả, đặc biệt là giá điện, giá xăng dầu còn không ít chuyện đáng bàn, hay yêu cầu về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng thương mại đã đề ra nhưng năm 2011 hầu như chưa làm được gì.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (ảnh Lê Anh Dũng)

Đến gần cuối năm 2011, Hội nghị TƯ 3 mới quyết định việc tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống ngân hàng và các DNNN và tập đoàn kinh tế lớn. Chủ trương đó hoàn toàn đúng đắn và đó là việc vô cùng quan trọng, quyết định khả năng chúng ta có ra khỏi những tồn tại kéo dài và chuyển theo hướng phát triển bền vững được không.

Trong mấy năm qua, đã có nhiều nghiên cứu và khuyến nghị về thay đổi mô hình tăng trưởng, từ bỏ mô hình cũ - chạy theo tốc độ và bề rộng, dựa trên vốn đầu tư, tài nguyên và lao động giá rẻ và doanh nghiệp nhà nước - đi theo mô hình mới lấy phát triển bền vững làm mục tiêu, coi hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh là tiêu chí quyết định.

Thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đó rất cần phải bắt đầu làm sớm, mạnh và thực chất ngay từ đầu năm 2012, không thể để kéo dài hay chậm trễ hơn được nữa. Chậm thay đổi mô hình tăng trưởng bao nhiêu, Việt Nam sẽ còn tổn thất và tụt hậu bấy nhiêu, sẽ còn phải đối phó với tình trạng lạm phát, bất ổn vĩ mô và kém hiệu quả, kém sức cạnh tranh, năng suất lao động thấp kéo dài. Như vậy sẽ rất khó đạt được những mong muốn, ước vọng về phát triển bền vững từ nay đến năm 2020.

Loại bỏ việc dựa dẫm "vía" Nhà nước

- Theo bà, đâu là những nguyên nhân, lực cản khiến quá trình tái cấu trúc ở Việt Nam diễn ra chậm trễ như vậy? Việc hợp nhất 3 ngân hàng vừa qua có được xem là bước đi đầu tiên trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Như nhiều người đã nói, tái cấu trúc phải bắt đầu từ cái đầu, từ tư duy về con đường phát triển. Trước hết là cách nhìn nhận về vai trò của Nhà nước và thị trường. Chừng nào vai trò của nhà nước như người kiến tạo sự phát triển (như gần đây Thủ tướng đã khẳng định) còn chưa được hiểu và thực hiện thật đúng, mà vẫn muốn kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo theo cách dồn hầu hết nguồn lực và hoạt động đầu tư vào khối này, vào các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn kinh tế nhà nước, thì rất khó tái cấu trúc.

Cũng rất cần cải cách thể chế, vì không ít thành tố của thể chế hiện hành hoặc còn phục vụ cho cơ chế đó, hoặc chưa đủ mạnh để tạo điều kiện cho phát triển theo hướng mới. Bên cạnh hay đằng sau tư duy và thể chế đó là các nhóm lợi ích đã quen hưởng lợi nhiều từ cơ chế này, không dễ chấp nhận thay đổi và chúng cũng đã trở nên quá mạnh, không dễ vượt qua.

Tái cấu trúc 3 lĩnh vực DNNN, đầu tư công và hệ thống ngân hàng có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động lẫn nhau. Nếu không tái cấu trúc DNNN và đầu tư công thì hệ thống ngân hàng lại có thể tiếp tục cho vay những dự án kém hiệu quả, thiếu cẩn trọng khi đánh giá yêu cầu tín dụng và năng lực, trách nhiệm của người đi vay khi người đi vay là DNNN hoặc đơn vị đang thực hiện các dự án đầu tư công, và do vậy có nhà nước chống lưng cho. Dựa vào "vía" Nhà nước, ngân hàng thương mại sẽ ung dung với những khoản nợ xấu từ đầu tư công hoặc đầu tư của DNNN.

Trong thời gian qua DN có thể được chấp nhận ở thị trường trong nước và cạnh tranh được trên một số lĩnh vực xuất khẩu, nhưng hiện nay, bối cảnh cạnh tranh đã thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc.

Còn chuyện hợp nhất 3 ngân hàng, không nên vội gắn nó với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chỉ mới được khởi xướng trong thời gian rất gần đây, còn đang phải chờ các đề án được phê chuẩn và thực hiện. Theo tôi hiểu thì tự thân 3 ngân hàng này đã có nhu cầu và ý định thay đổi từ vài năm nay, đã có giao dịch với nhau từ trước rồi, họ chỉ hoàn tất các thỏa thuận và công bố sự sáp nhập đó vào lúc này thôi.

Trong khi đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đòi hỏi trước hết phải rà soát và đánh giá lại toàn bộ hệ thống ngân hàng, làm rõ cấu trúc, hoạt động và các vấn đề của chúng, phân loại để xử lý những vấn đề đó. Tái cấu trúc ngân hàng không phải chỉ là dọn dẹp để giảm bớt số NHTM đi hoặc sáp nhập số hiện có lại để hình thành những NHTM có quy mô to hơn, bởi to hơn chắc gì đã mạnh hơn. Điều quan trọng hơn nhiều là phải buộc các NH phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường, áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến theo những chuẩn mực đã được áp dụng rộng rãi ở các nước và tuân thủ luật pháp, đặc biệt về minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản trị hệ thống, quản lý rủi ro, trách nhiệm đối với đông đảo cổ đông và người gửi tiền. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải làm một cách hết sức căn cơ, kể cả sửa các luật và qui định liên quan và thiết lập hệ thống giám sát hữu hiệu cả quá trình tái cấu trúc và sau tái cấu trúc.

Xác định lợi thế cạnh tranh mới

- Trước đó bà có nói về tái cấu trúc nền kinh tế, giờ xin hỏi bà về tái cấu trúc DN nói chung. 2012 được dự báo một năm mới cũng đầy thử thách, các DN sẽ phải tái cấu trúc mình như thế nào để ứng phó và vươn lên?

Theo tôi, tái cấu trúc DN, cũng như tái cấu trúc nền kinh tế và các ngành nói chung đều  phải xuất phát từ quan điểm: đó là quy luật của vòng đời hoạt động.

Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, khi nền kinh tế phát triển đến ngưỡng nhất định thì không thể dựa vào những lợi thế so sánh cũ để tiếp tục đi lên, mà cần tạo lập và phát triển những lợi thế mới. Nước ta bây giờ ra khỏi ngưỡng nghèo, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình thấp, buộc phải tính đến những nhân tố cạnh tranh mới  để từ một nền kinh tế trung bình thấp có thể vươn lên mức trung bình cao hơn. Đấy là quy luật tất yếu.

Mặt khác, mô hình tăng trưởng của ta trong thời gian qua có rất nhiều điều bất ổn, nên tuy có giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng nhất định, nhưng đồng thời cũng gây ra những tác động tiêu cực, nếu không thay đổi thì khó có thể phát triển lên được nữa. Do vậy, nếu không có những sóng gió nặng nề mấy năm qua thì vẫn phải tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam chứ không thể hài lòng với những thành công của quá khứ được.

Đối với DN cũng vậy. Trong thời gian qua DN có thể được chấp nhận ở thị trường trong nước và cạnh tranh được trên một số lĩnh vực xuất khẩu, nhưng hiện nay, bối cảnh cạnh tranh đã thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc.

Hầu hết DN Việt Nam thời gian qua cạnh tranh chủ yếu bằng giá thấp nhờ nhân công rẻ, tài nguyên trong nước có thể khai thác hoặc được sử dụng với chi phí không cao, chọn mảng thị trường hoặc cách tham gia thị trường không quá nặng gánh đối với họ (như làm gia công, bán sản phẩm thô hoặc sơ chế, ký hợp đồng ngắn hạn...), và chấp nhận lợi nhuận thấp. Hệ quả của cách làm đó là tuy có thể tồn tại và cạnh tranh được trong thời gian qua, nhưng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, hầu hết các DN không tham gia được vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu, khó phát triển lên quy mô hoặc trình độ cao hơn và khó giữ vị trí của mình trên thương trường.

Trong bối cảnh thị trường thế giới đang thay đổi mạnh mẽ và trong nước đang có những chuyển động, rõ ràng tất cả các yếu tố đã từng tạo nên thành công của DN Việt Nam trong thời gian qua sẽ không thể đảm bảo cho thành công của họ trong tương lai nữa. Các DN phải tự xác định lại vị trí nào mình muốn đứng trên thị trường, và từ sự tái định vị đó mà xem lại lợi thế cạnh tranh của mình trong giai đoạn tới có thể và cần phải ở đâu.

Những việc tối cần thiết như nâng cao năng suất lao động, cải thiện sản phẩm và cách thức kinh doanh cho phù hợp với đòi hỏi của thị trường mục tiêu, nâng cao năng lực quản trị... mọi DN không thể không làm. Thói quen kinh doanh chưa thiết lập mối liên kết với các DN khác, các bạn hàng để tạo thành mạng lưới vững chắc cũng cần phải thay đổi, bởi thế giới toàn cầu hoá là thế giới cạnh tranh nhưng cũng là một thế giới kết nối và phụ thuộc lẫn nhau.

Và cũng rất mong các DN có thể nhìn xa hơn, nghĩ đến việc chuyển hướng đầu tư, đi vào những lĩnh vực mới sáng tạo hơn, khác biệt hơn, áp dụng mô hình tổ chức DN và phương thức kinh doanh hiện đại hơn, kể cả tìm kiếm đối tác chiến lược để sáp nhập, tạo quy mô kinh tế và hiệu quả hơn hoặc xông mạnh ra các thị trường ngoài... Những việc này chắc chắn có nhiều thách thức nhưng cũng có thể đem lại cơ hội phát triển bứt phá như một số ít doanh nghiệp và rất DN nhiều nước khác đã và đang làm.
 

 

Mới cạnh tranh một chiều

- Năm qua cũng đánh dấu bước đi đầu tiên về thị trường hoá giá cả tại Việt Nam, điển hình là mặt hàng điện và xăng dầu. Nhưng chính sách này đang vấp phải những yếu tố liên quan đến độc quyền, còn các tập đoàn nắm giữ các ngành chủ chốt lại thua lỗ và kinh doanh kém hiệu quả. Vậy trong năm tới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện lộ trình đó như thế nào để minh bạch hoá giá cả và đúng quy luật thị trường?

Bà Phạm Chi Lan: Thực tế ở nước ta hầu hết các mặt hàng đã được thị trường hóa về giá cả và hoạt động kinh doanh, chỉ còn vài mặt hàng do các DNNN, tập đoàn kinh tế nắm giữ, trong đó nổi lên nhất là điện và xăng dầu do ảnh hưởng lớn của nó đến các ngành hàng khác. Chính phủ đã quyết định dần dần thị trường hoá về giá cả điện và xăng dầu, chấm dứt bao cấp trong giá cả các mặt hàng này. Chủ trương thì hoàn toàn đúng, nhưng lộ trình thực hiện cần đi song song với quá trình tạo thị trường cạnh tranh thực sự cho các sản phẩm đó thì mới có tác dụng và mới đảm bảo được lợi ích của nền kinh tế, của các ngành và đối tượng tiêu dùng cũng như của chính hai ngành này.

Không có cạnh tranh thì không có giá thị trường thực sự và ngành đó, các doanh nghiệp trong ngành đó cũng không thể phát triển một cách lành mạnh được.

Đừng sợ thị trường cạnh tranh thì không ai kiểm soát được. Trong thị trường cạnh tranh, Nhà nước vẫn có quyền và có thể kiểm soát được đối với các sản phẩm quan trọng này vì lợi ích của cả nền kinh tế và đông đảo người tiêu dùng. Kinh nghiệm các nước khác đã có rất nhiều, ta hoàn toàn có thể học được.

Hiện nay độc quyền doanh nghiệp còn rất rõ ở ngành điện. Mặc dù ngành điện tuyên bố bắt đầu có thị trường cạnh tranh về cung cấp điện, nhưng mua điện và truyền tải, phân phối điện vẫn là độc quyền của EVN, thì thị trường cạnh tranh đó mới chỉ giải đáp được một phần, và sự độc quyền bởi EVN vẫn bao trùm, chi phối và do đó cản trở sự phát triển của toàn bộ ngành này. Đến những "ông lớn" khác như PVN, TKV tham gia cung cấp điện mà còn bị EVN 'bắt nạt", thì làm sao những doanh nghiệp khác tham gia thị trường phát điện yên tâm đầu tư. Giá mua điện, giá bán điện đều do EVN quyết thì đâu phải là giá thị trường! Do vậy, rất cần tạo hệ thống thị trường đầy đủ, đồng bộ hơn thì mới hình thành giá thị trường trong lĩnh vực này được.

Hay xăng dầu có 11 DN tham gia hoạt động, trong đó có 3 DNNN lớn chiếm gần hết thị phần, thì tuy không phải là độc quyền của một DN nhưng đã hình thành độc quyền nhóm, từ đó dẫn tới tình trạng khi tăng giá thì đồng loạt tăng với một mức y như nhau, hoặc đến lúc thị trường thế giới giảm thì các DN lại chờ đến bao giờ Nhà nước có tín hiệu buộc Petrolimex giảm thì mới giảm theo. Giá xăng dầu hình thành theo kiểu đó về cơ bản vẫn là giá độc quyền chứ không phải giá thị trường.

Ai cũng biết rằng chẳng bao giờ có chuyện DN tự giác hoặc dễ dàng chấp nhận từ bỏ độc quyền, đặc quyền và gắn với nó là đặc lợi của họ. Vì vậy cần có vai trò của nhà nước và xã hội thúc đẩy, tạo sức ép và giám sát họ thực hiện thị trường hóa giá cả.

Về vai trò của Nhà nước trong điều tiết hai loại giá này, theo quan sát trong hầu hết các trường hợp từ trước tới nay, có thể thấy cả hai Bộ Công Thương và Tài chính đều đồng tình với các ông độc quyền nhiều hơn, thậm chí còn đứng ra giải thích hộ cho DN mỗi khi tăng giá. Trong khi đó hiếm khi thấy các Bộ tỏ thái độ hoặc trình bầy hành động của mình theo hướng đứng trên lợi ích của cả nền kinh tế và đông đảo người tiêu dùng để xem xét một cách đầy đủ, toàn diện, đặc biệt là xem xét kỹ về cung cách quản lý, hoạt động kinh doanh, cơ cấu giá thành của các DN này. Chính vì vậy mà công luận đã hết lời khen Bộ trưởng Vương Đình Huệ khi ông tuyên bố xem xét giá xăng dầu phải vì quyền lợi của hơn 80 triệu người chứ không phải vì lợi ích của 11 DN.

Vừa rồi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng tuyên bố sẽ minh bạch hoá giá thành của xăng dầu và điện, tôi cho rằng đó là việc quan trọng phải làm bởi khi xã hội bị "bịt mắt" về thông tin thì không thể đồng tình với thị trường hóa giá 2 mặt hàng này, nhất là theo cách như vừa qua các Bộ và DN làm được. Hơn nữa, đó là bước quan trọng để có thể đánh giá lại toàn bộ các vấn đề đầu tư, kinh doanh của các DN trong 2 lĩnh vực này, tạo sức ép cho các DN phải cải thiện năng lực kinh doanh, giảm giá thành. Đồng thời trên cơ sở đó nhà nước có thể quyết định cách thức tạo và kiểm soát cạnh tranh thực sự trên các lĩnh vực đó để sớm có thị trường cạnh tranh về điện và xăng dầu.

6 trông đợi để DN yên ổn làm ăn

- Vậy Nhà nước nên hỗ trợ các DN như thế nào trong năm tới, thưa bà?

Năm 2012, DN mong nhất là nhà nước sớm ổn định kinh tế vĩ mô, tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách mạnh thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để kinh tế nước nhà có thể phát triển ổn định, bền vững hơn, trên cơ sở đó DN mới yên ổn làm ăn được. Trong các chính sách cụ thể có mấy điều DN trông đợi ở Nhà nước như sau:

Thứ nhấtlà cần xem lại hệ thống thuế. Thuế ở Việt Nam vẫn cao, và rất tiếc là tại kỳ họp vừa rồi Quốc hội đã không xem xét kiến nghị về thực hiện khoan sức dân bằng cách giảm thuế. Ở nước ta huy động qua thuế và phí quá nhiều của người dân và DN, với mức thực tế trên 30% trong khi ở các nước khác thì trung bình chỉ khoảng 17%. Vì thế, nên giảm thuế thu nhập DN và một số loại thuế, phí khác xuống, để DN có tích lũy mà đầu tư thêm vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Điều này càng cần trong bối cảnh hầu hết DN rất khó tiếp cận tín dụng ngân hàng và các nguồn vốn khác, trong khi FDI cũng đang khó thu hút hơn trước.

Ta đang chủ trương tái cấu trúc đầu tư công trên tinh thần nhà nước chỉ tập trung làm những dự án thật cần thiết, còn các dự án có tính chất thương mại thì để DN, người dân làm, khuyến khích hợp tác công - tư. Vậy thì càng cần bớt huy động vào ngân sách và tăng thêm phần để lại cho dân, cho DN.

Mặc dù có thị trường cạnh tranh về cung cấp điện, nhưng mua điện và truyền tải, phân phối điện vẫn là độc quyền của EVN, thì thị trường cạnh tranh đó mới chỉ giải đáp được một phần.

Cách hành thu thuế cũng cần cải thiện nhiều. Quy định như hiện nay không đủ chi tiết, cụ thể, nhiều định mức của nhà nước lạc hậu, nên vẫn có tình trạng mặc cả giữa cán bộ thu thuế và DN, mà mặc cả đau đầu nhất là nhiều chi phí trên thực tế DN phải trả cao hơn nhưng cơ quan quản lý không công nhận. Chi phí bôi trơn diễn ra phổ biến, tình trạng tham nhũng gây thiệt hại cả cho DN và cho ngân sách nhà nước. Vì thế, cần cải thiện mạnh tính minh bạch trong hệ thống luật pháp và các quy định về thuế cũng như trong hành thu thuế, đảm bảo tốt hơn lợi ích của nhà nước và của người nộp thuế.

Thứ hai, về đất đai, thời gian qua các tỉnh đều tăng giá đất tới 20-30%, nóng đến mức rất nhiều DN không chịu nổi. Một số DN đã phải nói thẳng với chính quyền tỉnh rằng, nếu tăng giá đất lên 30% thì họ trả lại đất, đóng cửa DN và xin trả lại địa phương lo việc làm cho công nhân.

Mấy năm nay, giá đất đai ở nước ta đã không ngừng tăng lên, làm giàu cho một số đại gia nhưng lại khiến đông đảo DN nhỏ và vừa không có đất phải chịu giá thuê ngày càng cao, đồng thời đẩy mặt bằng giá đất ở nước ta lên quá cao so với nhiều nước trong khu vực. Việc chính quyền các địa phương tăng giá đất như vậy rất bất hợp lý, Nhà nước cần xem xét lại để không gây thêm khó khăn cho các DN, đặc biệt các DN sản xuất, và ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh doanh ở nước ta. Mặt khác cần sớm thu hồi đất đang bị bỏ hoang hoặc sử dụng lãng phí bởi nhiều dự án, giải tỏa đất bị treo bởi các qui hoạch không khả thi, để tạo quỹ đất cho các DN có nhu cầu được sử dụng.

Thứ ba, về chính sách tín dụng, tôi tán thành chủ trương thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, nhưng đề nghị Chính phủ xem lại cách thực hiện. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều đã khẳng định ngay từ khi đưa ra Nghị quyết 11 là tiếp tục ưu tiên cấp tín dụng cho 3 đối tượng nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu và DN nhỏ và vừa. Nhưng thực tế suốt năm 2011 cho thấy các DN nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận, trong khi đó có những khoản tín dụng rất lớn vẫn được cấp cho các DN lớn.

Nếu năm 2012 không cải thiện mạnh thì sẽ có thêm nhiều DN phải chết oan. Nếu cải thiện mạnh về tín dụng cho DNNVV thì họ sẽ có cơ hồi phục và đóng góp vào duy trì và tạo việc làm, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế.

Thứ tư, về chính sách khuyến khích, hỗ trợ cải thiện công nghệ và đào tạo lao động. Nâng cao trình độ công nghệ và trình độ tay nghề của người lao động là những biện pháp quan trọng hàng đầu giúp DN nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh. Chính phủ có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN cải thiện công nghệ và đào tạo lao động, nhưng phần lớn chưa được thực thi, một phần với lý do thiếu nguồn vốn dành cho việc đó, một phần do những thủ tục rất phức tạp. Bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế vừa đòi hỏi, vừa có thể tạo điều kiện cho nhà nước thực thi chính sách này ngay trong năm 2012 và các năm tiếp theo.

Thứ năm, về chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn. Rõ ràng nông nghiệp là một trong những hướng Việt Nam có thể đi tiếp trong thời gian tới, và do vậy rất cần tạo năng lực cạnh tranh cao hơn nữa cho nông nghiệp, nông sản Việt Nam. Nhiều DN cũng đang quan tâm tới đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhưng do tính chất rủi ro lớn, nhà nước nên khuyến khích, hỗ trợ các DN đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn bằng cách tạo ra khung ưu đãi lớn hơn cho cả ba khâu cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất nông nghiệp và thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm đầu ra, đặc biệt đối với những DN áp dụng công nghệ hoặc mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả cao.

Thứ sáu, về chính sách hỗ trợ DN trong quá trình sáp nhập và mua lại M&A. Năm 2011, M&A đã tăng mạnh ở nước ta, dự báo năm 2012 có thể còn tăng mạnh hơn nữa. Trên thực tế một số DN tư nhân cỡ vừa hoặc tương đối lớn cũng đang lâm vào khó khăn hoặc tự thấy sau 10, 15 năm hình thành và phát triển đã đến lúc phải cơ cấu lại theo cách sáp nhập với đối tác khác để tạo bước phát triển mới cao hơn. Đây có thể là cơ hội cho các DN tự sáp nhập với nhau hoặc tìm đối tác chiến lược ở các nước tiên tiến. Trong cả hai trường hợp, các DN đều mong có thêm nguồn lực bổ sung để tạo thế tốt hơn cho mình và cho DN mới hình thành.

Nếu không được hỗ trợ thì có khả năng một số DN Việt Nam cùng với mảng thị trường mà họ đã trải qua nhiều gian nan để gây dựng thành công sẽ bị rơi vào sự thôn tính và kiểm soát của các công ty nước ngoài. Còn nếu có chính sách hỗ trợ tốt cho nhóm này thì lại có thể giúp hình thành một lớp DN mới, lớn và mạnh hơn, cạnh tranh hơn, làm đầu tầu và nòng cốt cho phát triển một số ngành và thị trường trong tương lai. Rất mong Chính phủ quan tâm tới điều này.

- Xin cảm ơn bà.
---------------------------------------
Tác giả: Ngọc Hà (thực hiện) // Nguồn: VEF

 

 

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Phó Thủ tướng nói về “Kiềng ba chân” kinh tế
  • “Bước đệm” của phát triển bền vững
  • Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Rồng sẽ chuyển mình
  • Chứng minh chỗ đỗ khi đăng ký ôtô: “Cứ bình tĩnh”
  • Cà phê cuối tuần: Giá vàng và rủi ro chính sách
  • Khủng hoảng: Thắp lên từng đốm lửa nhỏ...
  • Tái cấu trúc: 'Đừng ôm cây mà không thấy rừng'
  • Đầu tư công 2012-2015: Trọng điểm để hiệu quả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi