Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cà phê cuối tuần: Giá vàng và rủi ro chính sách

picture
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).

Thị trường vàng trong nước năm 2011 chịu ảnh hưởng không chỉ bởi diễn biến phức tạp của giá vàng quốc tế, mà còn bị chi phối nhiều bởi những thay đổi chính sách. Xu hướng này được nhận định sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012.

Phía sau những biến động đó là một hiện tượng kéo dài trong năm 2011 và chưa từng có trong lịch sử: giá vàng trong nước luôn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới quy đổi. Hiện tượng này tiếp tục được chuyển tiếp sang năm 2012, trong khi khả năng can thiệp của nhà điều hành vẫn đang chờ đợi các công cụ pháp lý còn "treo" trước mặt.

Cùng với thực tế đó, người trong cuộc còn cho rằng, hoạt động đầu tư và kinh doanh vàng còn phải sống chung với rủi ro chính sách.

Cà phê cuối tuần kỳ này VnEconomy giới thiệu góc nhìn của một nhà kinh doanh vàng lâu năm về hiện tượng trên, cũng như những biến động trong năm 2011 và dự báo cho năm 2012, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).

Chào ông, được biết trước đây ông từng công tác tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Ông có thể chia sẻ lý do vì sao ông rời SJC để lập cho mình một công ty riêng?

Tôi công tác tại SJC từ 1992 đến 1999 trong đó có 3 năm làm Trưởng phòng kinh doanh. Tôi rời SJC để chuẩn bị cho mình một cơ hội mới là học tập tiếp và du học tại Mỹ từ 2004 đến 2007. Tôi trở về Việt Nam đầu năm 2008 và cùng với SJC thành lập sàn vàng đầu tiên của mình tại Hà Nội với xu thế là cùng SJC nắm bắt cơ hội kinh doanh vàng mới, hiện đại hơn và có hệ thống quản trị rủi ro tốt hơn kiểu kinh doanh vàng vật chất thông thường.

“Đau đầu” với rủi ro chính sách

Là một người trong cuộc, ông nhìn nhận thế nào về diễn biến của giá vàng trong nước và quốc tế năm 2011 vừa qua?

Dao động của giá vàng thế giới và của Việt Nam trong năm vừa rồi có khoảng cách lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể, giá thế giới ở  đỉnh cao nhất là 1.923 USD/oz  vào cuối tháng 9, và chỉ hơn 1.300 USD/oz vào giữa tháng 1, khoảng chênh lệch là hơn 600 USD/ouce, trong đó, độ lệch chuẩn là 310,4 USD/oz, cao nhất trong 10 năm.

Tương tự, tại Việt Nam, giá vàng SJC lúc lên đỉnh vào cuối tháng 8 là 49,2 triệu đồng/lượng so với thấp điểm chỉ hơn 35,2 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 1, chênh lệch thực tế trong cả năm là 14, 2 triệu đồng/lượng, tương đương 41%.

Năm 2011 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, giá vàng quốc tế giảm sâu trong thời gian từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, với độ giảm lên tới gần 170 USD/Oz. Tương tự, giá vàng SJC tại Việt Nam lên đỉnh khoảng gần 47 triệu đồng/lượng và xuống đáy khoảng 43,8 triệu đồng/lượng, nghĩa là giảm gần 4 triệu đồng/lượng, trong cùng khoảng thời gian.

Mấy năm qua, hết sàn vàng bị đóng cửa rồi tới vàng miếng “phi SJC” đang có chủ trương bị xóa. Ông có cho rằng, “cửa” làm ăn cho giới kinh doanh vàng đang hẹp dần? Đối với công ty của ông, những chính sách này đã có ảnh hưởng như thế nào?

Đúng là từ khi vàng được tự do lưu thông vào những năm cuối thập kỷ 1980 trở lại đây thì đây là thời kỳ mà chính sách quản lý về vàng được bàn bạc và thay đổi đáng kể. Những chính sách vĩ mô về vàng có lúc tưởng chừng như nghịch nhau.

Đây cũng là điều khiến giới kinh doanh vàng rất “đau đầu”. Đánh giá về biến động của giá vàng thế giới đã là khó rồi, tại Việt Nam doanh nghiệp kinh doanh vàng còn phải tính đến “rủi ro chính sách”, mà rủi ro này tiềm ẩn những nguy cơ rất nguy hiểm từ sự thả lỏng hay bóp chặt về chính sách cho đến lợi ích nhóm… đều có thể ảnh hưởng tức thì đến giá vàng trong nước bất kể giá thế giới có thay đổi hay không.

Công ty VGB không nằm ngoài quy luật, mặc dù cổ đông của VGB là những doanh nghiệp vàng chuyên nghiệp tại Hà Nội và Sài Gòn như Vàng Kim Linh, SJC Hà Nội, Doji, cho đến Vàng Ngọc Anh (Bàn cờ)…

Dự thảo nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, trong đó quy định chỉ có 1 thương hiệu vàng miếng quốc gia, hiện vẫn đang ở trạng thái "treo". Theo ông, mặt tích cực và hạn chế nếu có của nghị định này, sau khi đã được ban hành có thể sẽ như thế nào?

Mặt tích cực là giờ đây Ngân hàng Nhà nước thừa nhận vai trò vàng tiền tệ và chính thức dùng vàng để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Điều này sẽ giúp ích tương đối trong việc ổn định chính sách tiền tệ mà cụ thể là tỷ giá VND/USD. Mặt tích cực thứ hai là lợi nhuận từ chính sách từ nay nếu được thực thi đúng sẽ mang lợi ích tập trung cho ngân sách quốc gia nhiều hơn.

Mặt hạn chế của nó là sự thay đổi về cách nhìn nhận và thiệt hại của nhiều người đang nắm giữ những thương hiệu vàng “phi SJC” vốn được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất từ nhiều năm trước. Mặc dù hàm lượng và khối lượng là như nhau nhưng có lúc vàng “phi SJC” có giá thấp hơn cả triệu đồng/lượng so với vàng SJC. Điều này là quá bất hợp lý và đưa người nắm giữ loại những loại vàng này vào thế bị lợi dụng.

Trong trường hợp giá vàng SJC cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi 2 triệu đồng/lượng, giá vàng “phi SJC” nếu thấp hơn vàng SJC 1 triệu đồng/lượng thì vẫn cao hơn thế giới quy đổi 1 triệu đồng/lượng. Vàng “phi SJC” vẫn nhận được lực cầu tốt từ những đối tượng người dân và các công ty sản xuất nữ trang không có nhu cầu phải mua vàng SJC. Trong khi đó, người giữ vàng “phi SJC” chịu thiệt lớn khi bán đi tài sản này.

Theo tôi được biết, người dân ở khu vực miền Tây Nam Bộ, nơi được xem là có nhiều nguồn vàng "biên mậu", người dân không mấy mặn mà với vàng SJC, vì họ có thể mua được vàng "biên mậu" nhiều lúc có giá rẻ hơn, mà chất lượng không có gì khác.

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án huy động vàng trong dân. Theo ông, liệu ý tưởng này có khả thi không?

Tôi cho rằng, đây là một ý tưởng khả thi vì lượng vàng trong dân hiện còn rất lớn, theo đánh giá khoảng vài trăm tấn, tương đương hơn hàng chục tỷ USD. Quan trọng hơn, người dân vẫn tin vào Nhà nước hơn,  đặc biệt là đối với những tài sản có giá trị  cao như vàng.

Người dân và doanh nghiệp nhỏ thiệt thòi?

Trở lại với bất cập nêu trên, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới hàng triệu đồng mỗi lượng, theo ông ai là người hưởng lợi và đâu là người chịu thiệt từ sự chênh lệch này? Để giải quyết triệt để sự chênh lệch này, theo ông cần có giải pháp gì?

Vấn đề này các báo đài đã phân tích và đưa tin nhiều. Chênh lệch này chỉ xuất hiện trong năm 2011 là do giá thế giới biến động với biên độ quá lớn, nhưng tại Việt Nam sự chênh lệch này ngoài nguyên nhân là giá thế giới còn là sự “biến động về chính sách” như đã nói ở trên. Biến động chính sách khiến các doanh nghiệp nhiều lúc rơi vào thế “trở tay không kịp”, khó điều tiết được cung cầu nên họ buộc phải giữ chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế và cả giữa giá mua và bán vàng để giữ an toàn.

Người thiệt thòi trước tiên là những người dân thiếu thông tin, dễ bị kích động, sau đến là một số doanh nghiệp vàng nhỏ vừa thiếu thông tin và hệ thống phòng vệ không an toàn và hiệu quả. Người được hưởng lợi nhiều nhất là một số doanh nghiệp vàng lớn, có đầy đủ thông tin cũng như hệ thống phòng vệ hiệu quả.

Theo quan điểm của tôi, đầu tư vàng là một nhu cầu có thật và hợp lý của người dân. Không phải ai cũng chơi được bất động sản hay chứng khoán, vì bất động sản thì cần nhiều vốn, mà chứng khoán thì còn xa lạ với nhiều người Việt Nam, nên vàng vẫn là một kênh đầu tư quan trọng. Để tránh “vàng hóa” nền kinh tế mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư vàng của người dân, một giải pháp là mở một sàn vàng quốc gia. Để đảm bảo an toàn, Ngân hàng Nhà nước có thể ủy quyền cho một số đơn vị làm công tác hedging (phòng vệ), và tăng tỷ lệ ký quỹ cho các giao dịch vàng.

Cách làm này một mặt tiết kiệm được ngoại tệ để nhập vàng, một loại tài sản không tạo ra giá trị gia tăng, đồng thời thu hút được một lượng tiền lớn vào hệ thống tài chính quốc gia, mà lại dẹp được các sàn vàng “chui” đang tồn tại hiện nay. Sàn vàng là một sàn giao dịch hàng hóa, giúp nâng cao mức độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung, tạo điều kiện cho thu hút vốn nước ngoài tương tự như vốn vào thị trường chứng khoán.

Ở nước ngoài, vàng vật chất không được bán tràn lan như ở Việt Nam mà chủ yếu bán vàng nữ trang với hàm lượng vàng thấp. Ở Việt Nam, vàng tiền tệ là chính, nữ trang chỉ là phụ. Nếu có sàn giao dịch vàng, xã hội có thể hạn chế được tình trạng mất an ninh, chẳng hạn như những vụ cướp tiệm vàng xẩy ra khá nhiều thời gian gần đây...

Còn năm 2012, ông có thể cho biết dự báo của mình?

Giá vàng trong năm 2012 sẽ còn nhiều biến động theo hai hướng, một là tăng lên đến trên 2.000 USD/oz theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế từ giữa năm 2011 và một là điều chỉnh giảm ngắn hạn do tác động của khủng khoảng đồng Euro như đã chứng kiến trong tháng 12 vừa qua. Biên độ dao động và độ lệch chuẩn có khả năng tương tự như 2011.

Năm nay, khủng hoảng của châu Âu và số phận của Euro sẽ là nhân tố quan trọng nhất tác động tới giá vàng. Năm nay là năm bầu cử ở Mỹ, nên nước này chắc sẽ không có chính sách phiêu lưu, nhưng đây là một năm thử thách đối với đồng Euro.

Với tư cách là một nhà kinh doanh vàng, ông có mong muốn gì trong năm 2012?

Kinh doanh vàng trên thế giới và tại Việt Nam trong nhiều năm qua là ngành kinh doanh của niềm tin và rủi ro cao. Tại Việt Nam thì doanh nghiệp còn chịu rủi ro cao hơn so với giới kinh doanh vàng quốc tế như tôi đã có nói ở trên.

Nhưng cũng phải nói thêm rằng, về nguyên tắc, rủi ro cao luôn đi kèm với lợi nhuận cao. Đối tác của tôi ở Singapore có nói kinh doanh vàng ở Việt Nam “khỏe quá”, vì có lúc giá vàng ở Việt Nam cao hơn thế giới 3 - 4 triệu đồng/lượng.

Có một thức tế là hơn nhiều thập kỷ qua và hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có mức lạm phát cao nhất khu vực và thế giới. Do đó người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tìm đến vàng là điều dễ hiểu. Ngay tại Mỹ, khi đồng USD vẫn đang thống trị cả thế giới thì người dân Mỹ, các quỹ hưu trí cũng không đặt cược hết vào việc gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Mỹ đâu. Đây là một thực tế mà những người làm chính sách tiền tệ cần lưu ý.

Cái gì đi ngược lại quy luật tất yếu sẽ sinh ra nhiều biến tướng mà “chi phí xã hội” để giải quyết những biến tướng đó làm thiệt hại hại nhiều hơn nguồn lực của xã hội mà những ‘kết qua nhất thời’ được cho rằng là thành công .

(Theo Vneconomy)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Khủng hoảng: Thắp lên từng đốm lửa nhỏ...
  • Tái cấu trúc: 'Đừng ôm cây mà không thấy rừng'
  • Đầu tư công 2012-2015: Trọng điểm để hiệu quả
  • Cải cách kinh tế năm 2012: Vượt cản ngại của nhóm lợi ích
  • Hàng Việt Nam 'túc tắc' vượt hàng ngoại
  • “Hiện tượng Nhật Bản” từ góc nhìn Đại sứ
  • Hỏi - đáp với quan chức thống kê về kinh tế năm qua
  • An toàn vệ sinh thực phẩm: Ẩn chứa nhiều nguy cơ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi