Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Minh bạch quyền thăm dò, khai thác khoáng sản : Phải “bịt” kẽ hở của đấu giá

Như DĐDN đã thông tin về những bất cập trong Nghị định thi hành Luật khoáng sản đang được lấy ý kiến. Tuy nhiên, kẽ hở lớn nhất trong những quy định lần này nằm trong khâu “đấu giá”.
 
Theo TS Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, nếu qui định không rõ ràng, việc đấu giá tiếp tục làm cho Nhà nước mất cả “chì lẫn chài”, hoặc bị đình trệ trong các hoạt động khoáng sản.

TS Sơn cho rằng, việc cấp phép theo kiểu xin-cho trước đây được thay bằng cấp phép theo kiểu đấu giá hiện nay. Nhưng nếu không được hướng dẫn thi hành một cách khoa học và nghiêm túc, thì việc “đấu giá” khoáng sản sắp tới cũng dễ dẫn đến thất thoát tài sản quốc gia mà chẳng ai chịu trách nhiệm.

- Thất thoát tài nguyên khoáng sản là vấn đề nhức nhối. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ sự không rõ ràng của những quy định liên quan đến lĩnh vực này, còn ông ?

Luật và nghị định chỉ điều chỉnh việc lập quy hoạch và đấu giá theo quy hoạch, chưa đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng tuỳ tiện: mỏ nào “ngon” thì đưa vào kế hoạch, có đủ “quân xanh quân đỏ” thì “đấu”, còn quy hoạch có được triển khai hay không nền kinh tế có được đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu khoáng sản hay không thì chẳng có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Thực tế, việc quản lý khai thác nhiều loại khoáng sản (như than đá, các kim loại màu, đá trắng, titan...) thời gian vừa qua không xuất phát từ nhu cầu chung của nền kinh tế, chỉ đáp ứng nhu cầu riêng của từng DN (xuất khẩu thu lợi nhuận). Hậu quả, cơ sở vật chất về tài nguyên khoáng sản (TNKS) để phát triển kinh tế - xã hội đã bị giảm đi. Trong suốt 15 năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực thi quyền cấp các giấy phép hoạt động khai thác những khoáng sản hiện có từ thời bao cấp, bỏ qua nhiệm vụ điều tra tìm kiếm các nguồn TNKS mới. Một cái giá phải trả là nền kinh tế VN đang đứng trước nguy cơ phải nhập khẩu than với số lượng lớn hàng năm.

Luật khoáng sản sắp có hiệu lực là một bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về các hoạt động khoáng sản, đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẽ hở trong luật chưa được “bịt” bằng các quy định trong nghị định.

Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham dự phiên đấu giá là rất quan trọng. Tuy nhiên, cả luật và nghị định đều rất mơ hồ. Luật thì giao cho nghị định hướng dẫn, nhưng nghị định cũng chẳng có quy định nào cả. Công thức tính “tiền trúng đấu giá” tại nghị định có đến 4/5 thừa số - hệ số không cần thiết. Trong khi đó, hệ số cần thiết về cách trả tiền một lần hay nhiều lần để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước thì không có.

Ngoài ra, còn có những quy định có thể bị “lách” như: quy định về vốn tự có của tổ chức được cấp phép, quy định về điều kiện được chuyển nhượng giấy phép...

-  Nhưng chỉ bịt trong đấu giá trong Luật như vậy liệu đã đủ để DN cạnh tranh sòng phẳng, thưa ông ?

Theo tôi, trong Nghị định không phải chỉ cần “bịt” những kẽ hở để chống “lách” luật, mà cần phải “khai thông” những điểm sẽ bị “tắc” khi triển khai thực hiện. Đơn cử quy định tổ chức thăm dò được hưởng quyền ưu tiên cấp phép khai thác trong thời hạn 6 tháng là không khả thi. Trường hợp đấu giá khai thác ở những khu vực chưa thăm dò, tức là chưa có “trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt” thì xác định “tiền trúng đấu giá” trên cơ sở nào ?

Có một thực tế, thời hạn của phần lớn giấy phép chắc chắn sẽ lớn hơn 5 năm, nếu DN được phép nộp hàng năm thì Nhà nước sẽ “nắm đằng lưỡi”. Khi DN thấy hiệu quả khai thác không cao “bỏ của chạy lấy người”, thì Nhà nước sẽ thiệt hại.

Bên cạnh đó, với nhiều loại khoáng sản, DN có thể vừa thăm dò, vừa khai thác có hiệu quả hơn (đối với cả DN và cho cả Nhà nước). Nhưng luật lại quy định phải thăm dò xong mới được cấp giấy phép khai thác...

Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản có nhiều rủi ro cho cả Nhà nước và DN. Chính vì vậy, các quy định mới cần phải làm rõ giữa đấu giá và đấu thầu. Ngoài việc “đấu giá” cần đề cập đến việc còn có thể áp dụng “đấu thầu”. Việc “đấu giá” chỉ nên giới hạn ở giai đoạn thăm dò, còn đối với giai đoạn khai thác nên đấu thầu. Khai thác khoáng sản còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như yêu cầu về tài chính, công nghệ và khả năng chế biến sâu.

Chỉ đấu giá là chưa đủ ! Đấu thầu mới là giải pháp tối ưu. Đấu thầu có thể giải quyết cả bài toán về chống lãng phí (xuất khẩu khoáng sản sơ chế) lẫn bảo vệ môi trường một cách tốt nhất.

- Nhưng còn giấy phép đã được cấp trước thì sao. Những bất cập của các mỏ đang triển khai không ít, chúng cũng đã và đang gây thiệt hại đáng kể, thưa ông ?

Đúng vậy! Bên cạnh việc công khai minh bạch hoạt động đấu giá, đấu thầu thăm dò, khai thác, các giấy phép đã được cấp cũng cần phải rà soát lại. Phần lớn TNKS của chúng ta đã được cấp phép khai thác. Việc thăm dò, đánh giá trữ lượng của các mỏ mới cũng chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn so với những mỏ đã và đang khai thác.

Để tránh thất thoát, lãng phí, cơ quan quản lý có thể rà soát và cho đấu giá lại những mỏ không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường hoặc chưa đạt các yêu cầu về công nghệ, chế biến sâu... Qua đó, cơ hội sẽ được chia đều lại cho các DN. TNKS sẽ được sử dụng hiệu quả cho nền kinh tế.

Đặc biệt, để phù hợp với những yêu cầu của Luật DN, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư, Bộ Công thương nên xem xét tổ chức lại các cơ quan tư vấn, thiết kế về khai thác - chế biến khoáng sản. Các cơ quan tư vấn nghiên cứu thiết kế này phải độc lập với các DN khai thác chế biến khoáng sản. Tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thủ tiêu tính khách quan và tính cạnh tranh của công tác tư vấn.

- Xin cảm ơn ông !

GS.TSKH Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa VN: Cách tính chi phí thăm dò phải cụ thể

Được biết, thăm dò khoáng sản là công việc chịu nhiều rủi ro. Kết quả thăm dò có thể cho trữ lượng quặng đạt giá trị công nghiệp. Lúc đó liệu họ có quyền khai thác không ? Hay là phải tham gia đấu giá ? Nếu kết quả thăm dò không cho trữ lượng quặng đạt giá trị công nghiệp thì sao ? Chẳng nhẽ người trúng đấu giá bị trắng tay thì thật oan uổng ! Từ trước đến nay, công tác địa chất đều do cơ quan nhà nước (Tổng cục Địa chất) đảm trách. Nhà nước VN đã đầu tư một khoản kinh phí rất lớn cho công tác điều tra cơ bản địa chất. Vì vậy, vốn đầu tư ban đầu này cho khoáng sản cần được thu hồi đầy đủ cả vốn lẫn lãi, tính cả hệ số trượt giá.

Nguyễn Thị Mai - Cty CP bán đấu giá tài sản Á Châu: Giá khởi điểm chưa đầy đủ

Theo dự thảo nghị định “Giá khởi điểm được xác định bằng giá trị phần trăm trữ lượng khoáng sản”. Quy định này chưa hợp lý vì chưa bao hàm cả giá khởi điểm cho việc thăm dò khoảng sản. Nguyên tắc này chỉ áp dụng đối với việc khai thác khoảng sản. Tổ chức, cá nhân khi thăm dò khai thác khoáng sản phải thuê đất của Nhà nước, đền bù thiệt hại về đất, hoa màu trên đất. Vậy những khoản tiền này tính như thế nào khi xác định giá khởi điểm đấu giá khai thác khoáng sản.

Đề nghị bổ sung thêm điều kiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Chỉ mới quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân tham dự phiên đấu giá thì chưa đủ. Vì Điều 4 của luật đã quy định nguyên tắc hoạt động khoáng sản phải: “ phù hợp với chiến lược, quy hoạch, gắn với bảo vệ môi trường...”.

Trương Thúy Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý VN: Hồ sơ tham gia đấu giá chưa rõ ràng

Kinh nghiệm trong thăm dò khai thác khoáng sản cần quy định cụ thể, chứng minh kinh nghiệm bằng cách nào : bằng cấp, chứng chỉ, thời gian thâm niên công tác ? Về thời gian thâm niên thì bao nhiêu là đủ ? Cần phải ghi rõ. Cần ghi rõ mức tiền đặt trước để tham gia đấu giá là 1 hay 2%. Lưu ý bao gồm cả nộp tiền mặt. Quy định này có phù hợp với luật thuế tiền quá 20 triệu được chấp nhận chi phí hợp lý phải được thanh toán qua tài khoản.

Võ Minh Đức - TGĐ Cty CP KS & VLXD Long Sơn Phú :
Cần hạch toán đầy đủ và minh bạch

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nếu nộp hàng năm phải tính thêm “lãi suất đối với số tiền chưa nộp bằng mức lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại VN” là chưa hợp lý. Cần tính cả biến động giá cả thị trường - giá lên do vật tư, nhiên liệu, điện, tiền lương, lãi suất ngân hàng... Để đảm bảo việc hạch toán minh bạch, đúng nguyên tắc tài chính đối với ngành khai thác khoáng sản - phần tài nguyên khi đưa vào xây dựng đơn giá - Nhà nước quy định giá chung coi đây là nguyên liệu để thu cho Nhà nước hoặc gộp phần thuế tài nguyên..

Đại diện Cty CP luyện kim đen Thái Nguyên: Không cho bán giấy phép khai thác

Để ngăn chặn tình trạng các DN không có năng lực “lòng vòng” mua bán giấy phép, Nhà nước nên tổ chức “đấu” quyền tiếp tục thăm dò khu vực DN không muốn hoặc không có khả năng tiếp tục thăm dò. Và Nhà nước sẽ lấy tiền từ việc đấu giá này để trả lại cho DN đã thăm dò theo đơn giá và định mức đã quy định. Bên cạnh đó, tiêu chí các đối tượng ưu tiên hoặc được tham gia đấu thầu chưa cụ thể và hợp lý, chưa khuyến khích sản xuất trong nước và tạo điều kiện cho ngành chế biến sâu, đặc biệt là luyện kim hay DN tại địa bàn.

(Theo Bá Tú - Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Tín nhiệm thấp do “kinh tế khó khăn”
  • Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh và những kinh nghiệm đối ngoại
  • Nâng chỉ tiêu lạm phát để… cứu doanh nghiệp?
  • “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai”
  • Hai dự án bauxit-alumin: Nộp ngân sách 400 tỷ đồng/năm?
  • Lại tăng giá điện từ 1-6, có hợp lý?
  • Công bố quy hoạch tổng thể để bảo vệ khoáng sản
  • “Lạm phát sẽ giảm từ tháng 6”
  • “Tàu Việt Nam chưa thoát khỏi “sổ đen” thế giới”
  • Việt Nam ưu tiên dự án đầu tư thân thiện với môi trường
  • Sẽ hình thành mặt bằng giá mới
  • Hỗ trợ lao động về từ Libya: “Cần tính toán thêm”
  • Vận động bầu cử trên Internet: “Cũng có thể được”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi