![]() |
Ông Đỗ Thắng Hải |
Vấn đề xúc tiến thương mại vào Nga được bắt đầu đặt ra từ năm 2003 bằng các chương trình thuộc khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài sau đó, do có nhiều biến động trong cả khu vực Đông Âu dẫn tới thị trường Nga có nhiều khó khăn, nên hàng hoá Việt Nam xuất hiện tại thị trường này chưa nhiều. Bên cạnh đó, Nga và các nước trong khu vực Đông Âu chưa có khái niệm về hàng hoá Việt Nam. Đây cũng là khu vực có quan điểm khá bảo thủ trong việc hội nhập kinh tế quốc tế. Các lý do này khiến cho hàng hoá Việt Nam vào Nga chưa được nhiều.
Vậy đâu là điểm nhấn trong các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Nga trong thời gian qua?
Hàng hoá, nhất là các sản phẩm thủy sản và dệt may, của Việt Nam đã bắt đầu tạo được ấn tượng tại thị trường Nga từ năm 2006 và đạt được dấu mốc đáng kể vào năm 2009. Năm ngoái, Triển lãm hàng Việt Nam tại Liên bang Nga đã tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) Nga. Đây là dấu mốc đánh dấu thời kỳ mới cho hàng hoá Việt Nam tại Nga. Ngay tại Triển lãm này, các hợp đồng thương mại trị giá lên tới 325 triệu USD đã được ký kết. Sau sự kiện trên, có thể khẳng định rằng, hàng hoá Việt Nam có những thế mạnh tại thị trường Nga.
Sau khi tạo được “dấu ấn” đó, Bộ Công thương đã có kế hoạch xúc tiến thương mại như thế nào để khai thác tốt tiềm năng của thị trường này?
Sau các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là sau năm 2009, hàng hoá Việt Nam đã tìm được chỗ đứng của mình tại thị trường Nga. Để phát huy điều này, chúng tôi đã có kế hoạch tăng cường những chương trình xúc tiến thương mại vào Nga trong thời gian tới. Trước hết, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các hiệp hội như dệt may, thủy sản, chè, rau - hoa quả… để đưa các DN thuộc những lĩnh vực có thế mạnh tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường này. Những chương trình này được triển khai đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận và khai thác thị trường Nga.
Bên cạnh đó, các đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài đã có những nghiên cứu về thị trường Nga và đưa ra những cảnh báo cho DN khi xuất khẩu vào Nga.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn các chương trình cụ thể đưa hàng Việt Nam vào Nga trong thời gian tới?
Chúng tôi đang nghiên cứu và đưa hàng hoá Việt Nam vào Nga theo các chuyên ngành. Ví dụ, như tại hội chợ sẽ được tổ chức ngày 14 đến 17/9/2010 tại Mátxcơva, các DN từng nhóm ngành sẽ tham gia giới thiệu hàng hoá của Việt Nam với Nga và các bạn hàng trên thế giới. Các chương trình xúc tiến thương mại sẽ được chia thành từng nhóm mặt hàng cụ thể. Thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả và hình ảnh hàng hoá Việt Nam tại Nga. Chúng tôi cũng có kế hoạch tăng cường phổ biến những quy định của Nga cũng như những kinh nghiệm trong xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này cho các DN.
Năm nay, ngoài Triển lãm hàng Việt Nam nói trên, còn cónhiều sự kiện khác diễn ra như Ủy ban Liên chính phủ Việt-Nga sẽ nhóm họp, Diễn đàn các DN Việt Nam tại châu Âu (tổ chức tại Nga), Diễn đàn DN Việt Nam-Nga… Đây là những sự kiện lớn có thể giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam và hàng hoá Việt Nam
Một lần nữa, tôi nhắc lại điều đã được nói nhiều lần là, hiện tại Nga là thị trường có nhiều lợi thế để các DN Việt Nam có thể khai thác. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, DN cần mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư khai thác thị trường này, bởi đây là nơi dễ chấp nhận hàng Việt Nam hơn so với nhiều thị trường khác.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com