Ngành da giày TP HCM đang chiếm 42% sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu là gia công cho các cty nước ngoài chứ chưa khẳng định được thương hiệu của mình. DĐDN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khánh - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP HCM xung quanh vấn đề này.
Ông Khánh cho biết, bên cạnh khó khăn lớn nhất là chưa thực sự có thương hiệu riêng, ngành da giày TP HCM còn gặp phải khó khăn do vẫn bị áp thuế chống bán phá giá kéo dài từ năm 2006 đến nay với mức 10%, và không được hưởng mức thuế ưu đãi phổ cập.
- Để khắc phục khó khăn do không được hưởng mức thuế ưu đãi này, các DN cần có giải pháp gì, thưa ông ?
Mặc dù các DN đã rất cố gắng đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường tìm đơn hàng, tiết kiệm chi phí... tuy nhiên có thể nói, đây là thời điểm “khó khăn kép” của các DN da giày TP HCM.
- Việc tuyển dụng lao động có nguyên nhân sâu xa tư việc giá nhân công của chúng ta còn quá rẻ, bởi da giày TP HCM bao năm vẫn sống kiếp gia công, thưa ông ?
Trình độ và khả năng sản xuất ra những sản phẩm đẹp và chất lượng của DN da giày TP HCM có thừa, nhưng vì thiếu thương hiệu nổi tiếng riêng, nguyên liệu phụ thuộc hơn 50% phía đặt hàng cung ứng, thiếu quan hệ thương mại... do vậy DN da giày TP HCM sống kiếp gia công cũng đã hơn ¼ thế kỷ, dù sản xuất ra mỗi năm khoảng 600 triệu đôi giày có mặt trên toàn thế giới nhưng lại mang tên các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas... Đây cũng là một trong lý do khiến lợi nhuận của ngành này chưa cao, dù sản lượng không nhỏ.
- Tại sao chúng ta không học cách làm thương hiệu ngay từ những thương hiệu giày dép được xây dựng và phát triển tại VN đã ra nước ngoài như Biti’s, Vina giày...?
Những thương hiệu trên rất tốt cả về mẫu mã và chất lượng, nhưng sản lượng xuất khẩu chính thức rất ít, chủ yếu là do Việt kiều về nước mua mang ra nước ngoài.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa đang là hướng phát triển của DN da giày TP HCM, nhưng do hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường nên cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khoảng đầu năm đến nay doanh số tiêu thụ hàng nội địa tăng 5 - 6% nhờ Chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”.
- Trước rất nhiều khó khăn vừa nêu, ông có kiến nghị gì giúp phát triển ngành da giày TP HCM ?
Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu bằng các chính sách cụ thể như tài trợ ra nước ngoài tìm đối tác, quảng bá thương hiệu, quan hệ cấp nhà nước đấu tranh cho da giày VN về vấn đề thuế... Năm 2009. nhà nước đã hỗ trợ DN khi quy định thuế GTGT ngành da giày là 5%, nay trở lại mức 10%, nên các DN phải thêm 5% - khoản tiền này đóng một lần khá lớn.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các DN vay vốn để đổi mới thiết bị, đặc biệt là các DN nhỏ lẻ, bởi đặc thù của ngành da giày TP HCM là có rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, tập trung nhiều nhất ở quận 4, quận 6...
Ngoài ra, mong nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, như hỗ trợ tiền công giáo viên, nơi ở cho học viên, cấp đất mở trường... để khuyến khích người học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Và quan trọng là nhà nước phải có biện pháp ngăn chặn hàng nhập lậu hữu hiệu hơn nữa.
- Theo ông, ngành da giày VN có thể đạt mức kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD như kế hoạch đề ra ?
Đúng là ngành da giày đang có đủ đơn hàng, tình hình xuất khẩu đang thuận lợi. Tuy nhiên, do các khó khăn đã nêu nên khả năng năm 2010 ngành da giày VN chỉ có thể đạt kim ngạch XK khoảng 5 tỷ USD chứ khó đạt được con số 5, 5 tỷ USD.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com