Ông Nguyễn Hải - thạc sĩ luật thương mại quốc tế tại Công ty Luật Mayer Brown JSM. |
Số vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2013, với nhiều mặt hàng có nguy cơ bị kiện như đồ gỗ, hạt điều, theo ông Nguyễn Hải - thạc sĩ luật thương mại quốc tế tại Công ty Luật Mayer Brown JSM.
Trong hai năm gần đây số vụ kiện và điều tra phòng vệ thương mại (chống bán phá giá – CBPG, chống trợ cấp – CTC và tự vệ) mà các nước tiến hành lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tăng cao. Có khả năng, năm nay sẽ tiếp tục là năm không yên ả cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?
- Ông Nguyễn Hải: Các vụ kiện về phòng vệ thương mại (PVTM) đã và sẽ tiếp tục có xu thế tăng trong những năm tới đây. Kể từ vụ kiện CBPG đầu tiên đối với gạo nhập khẩu từ Việt Nam vào Columbia năm 1994, đến nay đã có 49 vụ kiện CBPG (bao gồm cả các vụ kiện chống lẩn tránh thuế CBPG) và 3 vụ kiện CTC được tiến hành đối với hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam.
Trung bình mỗi năm có gần 3 vụ kiện CBPG được tiến hành đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Số vụ kiện CBPG trong hai năm gần đây (2011 và 2012) là tương đối cao so với mức trung bình với 6 vụ tiến hành trong năm 2011 và 7 vụ trong năm 2012 (theo thống kê của Hội đồng tư vấn các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế - VCCI).
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị kiện CBPG. Cụ thể, trong năm 2013, các mặt hàng sau của Việt Nam có thể phải đối diện với khả năng bị kiện CBPG: mặt hàng giấy và đồ gỗ nội thất tại thị trường Mỹ, hạt điều tại Ấn Độ và tôn mạ phủ màu tại Thái Lan và Malaysia.
Cũng cần phải thừa nhận rằng việc gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại tại các quốc gia như Ấn Độ, Brazil hay Thái Lan cho thấy sản phẩm của Việt Nam ngày càng được biết đến trên thị trường thế giới và nhu cầu về sản phẩm của Việt Nam đang gia tăng.
Một dự báo khác đáng chú ý là các vụ kiện thương mại tại các thị trường có truyền thống ưa chuộng sử dụng biện pháp PVTM như EU, Mỹ có chiều hướng giảm đi hoặc giữ nguyên trong khi các vụ kiện như vậy có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển như Brazil, Malaysia, Thái Lan.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có những hành động để phản ứng lại sự gia tăng của hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi. Gần đây nhất, ngày 26-12-2012, Bộ Công Thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy các cố gắng này chưa mang lại kết quả là các biện pháp cụ thể bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng tôi tin rằng Việt Nam, trong những năm tới, sẽ tích cực hơn trong việc tiến hành các biện pháp PVTM.
Các phân tích trên cho thấy năm 2013 hứa hẹn là một năm bận rộn về khía cạnh các vụ kiện thương mại liên quan đến Việt Nam.
Tại sao các vụ kiện, điều tra PVTM lại tăng cao trong thời gian gần đây, cũng như dự báo cho năm 2013?
- Mục tiêu cuối cùng khi một bên quyết định tiến hành vụ kiện PVTM là bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Trong khi các hạn chế thương mại về mặt thuế quan và hạn ngạch được cắt giảm hoặc loại bỏ theo quy định của WTO, các biện pháp PVTM lại trở thành giải pháp hữu ích và là công cụ hợp pháp để ngành sản xuất nội địa bảo vệ mình trước cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Điều này lý giải phần nào thực tế các vụ kiện PVTM có xu hướng ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, riêng đối với Việt Nam, tôi thấy rằng Việt Nam đã và đang theo đuổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp FDI thường hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến - vốn mang lại khối lượng lớn hàng hoá xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam càng tăng thì Việt Nam càng có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện PVTM.
Thêm vào đó, một nguyên nhân khác góp phần tăng khả năng Việt Nam bị kiện thương mại là tình trạng lẩn tránh thuế CBPG/CTC đang diễn ra tại các nước khác. Một vài ví dụ về các vụ kiện chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC đối với hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam, như vụ giày dép do Brazil điều tra năm 2011, và bật lửa gas do Uỷ ban châu Âu (EC) điều tra năm 2012.
Hiện có các nguồn tin cho thấy ngành sản xuất đồ gỗ nội thất và thép của Trung Quốc đã và đang chuyển sản xuất sang Việt Nam nhằm tránh thuế CBPG do Mỹ áp dụng.
Cuối cùng, lý do khiến các vụ kiện PVTM đối với Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới là phần lớn các đối tác thương mại của Việt Nam vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường (NME). Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, quy chế NME sẽ được dỡ bỏ vào năm 2018.
Trong lúc này, vấn đề NME tiếp tục đặt ra những bất lợi cho phía Việt Nam trong một vụ kiện PVTM. Bất lợi chính là khi một quốc gia tiến hành điều tra một vụ kiện PVTM đối với Việt Nam, họ không thừa nhận chi phí sản xuất của Việt Nam trong việc tính toán giá trị thông thường. Thay vào đó, họ áp dụng giá trị thay thế là chi phí sản xuất từ một quốc gia mà họ xem là nền kinh tế thị trường và được xem là tương đương với Việt Nam về mức độ phát triền kinh tế (thông thường dựa trên chỉ số GDP).
Điều này thường dẫn đến kết quả là biên độ phá giá cao hơn cũng như các bên tham gia vào quá trình điều tra phải bỏ thêm nhiều công sức và chi phí.
Ngay đầu năm 2013, Mỹ khới kiện CTC tôm của Việt Nam trong khi mặt hàng này đã bị áp thuế CBPG. Việc này nói lên điều gì? Có phải chăng dù bị áp thuế CBPG, tôm của Việt Nam vẫn cạnh tranh tốt tại Mỹ?
- Theo trình bày của bên khởi kiện trong vụ kiện CTC tôm, trong số 86,6% tổng lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ từ 7 nước bị kiện trong giai đoạn tháng 11-2011 đến 10-2012, khối lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam chỉ chiếm 8,02%.
Như vậy, ngay cả khi được kết luận rằng ngành sản xuất Mỹ bị thiệt hại cũng không đủ cơ sở để kết luận thiệt hại gây ra bởi tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, khó có thể nhận định tôm Việt Nam vẫn cạnh tranh tốt tại thị trường Mỹ mặc dù đã có lệnh CBPG.
Một điểm lưu ý khác là, trong số 7 quốc gia bị kiện, thì Indonesia và Malaysia lần lượt chiếm tỷ trọng 14,87% và 4,49% (trong tổng lượng nhập khẩu từ 7 nước bị kiện trong giai đoạn trên) hiện không bị áp dụng lệnh CBPG.
Ngoài ra, lệnh CBPG đối với tôm đã được áp dụng hơn 5 năm. Theo quy định, mỗi 5 năm, Mỹ sẽ tiến hành xem xét lại, thuật ngữ gọi là "xem xét hoàng hôn" để xem xét khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh CBPG. Trong kỳ xem xét hoàng hôn lần thứ nhất năm 2011, bên nguyên đơn đã thành công trong việc thuyết phục Bộ Thương mại Mỹ kéo dài lệnh CBPG thêm 5 năm.
Tuy nhiên, kết quả của đợt xem xét hoàng hôn tiếp theo vào năm 2016 có thể sẽ không thuận lợi cho nguyên đơn. Do đó, nếu thắng trong vụ kiện CTC này, họ sẽ có được lớp bảo vệ thay thế trong trường hợp lệnh CBPG bị thu hồi vào năm 2016.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Thời báo kinh tế SG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com