Lợi nhuận trong việc nội địa hóa thiết kế, chế tạo xây dựng nhà máy nhiệt điện là rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa thể với tới được.
Những năm qua, hầu hết các nhà tổng thầu EPC (thiết kế - cung ứng vật tư thiết bị - xây lắp) nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam đều mua thiết kế, chế tạo từ một số nước trong khu vực hoặc đặt gia công với giá chỉ bằng 1/3 giá họ ký với chủ đầu tư Việt Nam. Theo họ, Việt Nam chưa có nhà tổng thầu đủ năng lực thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện.
Để cải thiện tình hình, tại hội thảo “Thiết kế chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện” tại Hà Nội cách đây vài tuần, các chuyên gia đưa ra 3 mức nội địa hóa là 80%, 40% và 15%. Phóng viên đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, xung quanh vấn đề này.
Ông có lo ngại mục tiêu đạt 40% giá trị nội địa hóa các thiết kế chế tạo, thiết bị nhà máy nhiệt điện năm nay khó mà thực hiện được?
Tính đến nay, những dự án nhiệt điện do doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu cũng chỉ nội địa hóa được từ 15%-17% giá trị. Tôi cho rằng, kế hoạch nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 40% trong năm nay sẽ không thực hiện được.
Tuy nhiên, không nên vì nôn nóng muốn thắng thầu hay nội địa hóa mà đẩy các tổng thầu nước ngoài đi, chỉ nên giảm dần tỉ lệ của họ thôi. Phải đi cùng họ để lấy thiết kế cơ sở, học hỏi kỹ năng quản lý dự án và cuối cùng là thiết kế phần chi tiết.
Tỉ lệ nội địa hóa bao nhiêu mới là hợp lý?
Không thể quá 50%, vì 2 lý do. Thứ nhất, chúng ta phải đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng, vật chất như nhà máy tua-bin, lò hơi lớn, phí mua bản quyền công nghệ. Thứ 2 là phải làm chủ thiết kế dự án trong khi trình độ nhân lực còn hạn chế. Hơn nữa, việc đào tạo nhân lực không hề đơn giản, vì trong ngành công nghiệp nặng phải mất 10 năm để đào tạo 1 công nhân lành nghề (công nghiệp nhẹ chỉ mất từ 1-2 năm).
Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động khi đấu thầu?
Chúng ta chỉ có lợi thế về thị trường. Từ nay đến năm 2025, thị trường nhiệt điện Việt Nam được dự báo sẽ đạt giá trị gần 100 tỉ USD. Nếu thiết kế, chế tạo trong nước được 50% thì ta sẽ có trong tay từ 30-40 tỉ USD. Số tiền đó chính là thế mạnh để doanh nghiệp đàm phán với nhà thầu nước ngoài. Làm theo cách này, chắc chắn sẽ giành được ít nhất 3-5 dự án.
Hạn chế lớn nhất là luật của Việt Nam quy định kiểu đấu thầu giá. Giai đoạn 1 sơ tuyển năng lực và kinh nghiệm, các nhà thầu đều vượt qua được, kể cả nhà thầu không có kinh nghiệm (nhờ thuê tư vấn). Nhưng đến giai đoạn 2 đấu giá thương mại thì không cạnh tranh nổi với nhà thầu nước ngoài. Trung Quốc và Hàn Quốc rất thành công khi tận dụng triệt để lợi thế này.
Vậy ông có kiến nghị gì đến Chính phủ?
Thời gian không còn nhiều để chúng ta phát triển ngành công nghiệp phụ trợ (năm 2018, thuế quan khu vực mậu dịch tự do ASEAN giảm còn 0%). Vì thế, việc đầu tiên là Chính phủ phải bắt buộc doanh nghiệp lớn, nhỏ đi cùng nhau trong chiến lược phát triển dự án nhiệt điện, thủy điện. Thứ 2, Chính phủ nên đưa điều kiện nội địa hóa vào đấu thầu quốc tế, chia dự án thành các gói thầu nhỏ để phù hợp với năng lực của các nhà thầu Việt Nam.
Tuy nhiên đối với các dự án trọng điểm quốc gia, Nhà nước phải cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian trả nợ sau khi hoàn thành kéo dài (từ 3-5 năm chẳng hạn) và miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị.
(Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com