Quốc hội đang xem xét thông qua dự án luật Khoáng sản vốn được nhiều người chờ đợi. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, thành viên uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình, biện pháp khắc phục những bất hợp lý về cơ chế cấp phép, quản lý hoạt động khoáng sản hiện nay.
Theo ông, đâu là những bất hợp lý trong cơ chế cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay?
Quốc hội đang chuẩn bị sửa luật Khoáng sản. Vừa qua, chúng ta muốn thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm nhưng lại lạm dụng khai thác tài nguyên thô, đặc biệt xuất khẩu khoáng sản thô làm thiệt hại đến nền kinh tế. Để ngăn chặn xuất khẩu khoáng sản thô thì cần sửa luật này để khai thác có hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế. Tôi cho là khâu kém nhất của chúng ta là quy hoạch, chưa xác định được giai đoạn nào thì khai thác loại khoáng sản nào hiệu quả nhất. Điều đó lại phụ thuộc rất lớn vào trình độ khoa học, kỹ thuật, năng lực chế biến của đất nước. Có thể chưa làm được khâu cuối cùng nhưng ít ra cũng phải có chế biến nhất định để có giá trị gia tăng. Ví dụ hiện nay ta khai thác rất nhiều titan, nếu ta chỉ đầu tư khâu chế biến không lớn lắm là đã có thể làm tăng giá trị lên 5 – 10 lần. Chúng ta phải quy hoạch cho rõ, không thể chung chung mà phải làm rõ, từng loại khoáng sản khai thác thế nào, vào thời điểm nào đem lại hiệu quả nhất.
Cho nên, khâu điều tra, thăm dò, xác định trữ lượng, quy hoạch khai thác các loại khoáng sản là vai trò của Nhà nước. Chúng ta nên tránh tình trạng giao khoán cho doanh nghiệp kể từ khâu thăm dò, khai thác… mà Nhà nước phải đầu tư để làm cái này. Chúng ta cần coi khoáng sản là một loại tài nguyên giống như đất. Hiện nay, thực tế Nhà nước giao cho doanh nghiệp đi thăm dò khoáng sản rồi thu mức thuế tài nguyên rất thấp. Chúng ta không làm như đối với đất: giao đất có thu tiền, tổ chức đấu giá, giao có định giá để thu. Một khoản thu đúng sẽ khiến doanh nghiệp phải cân nhắc đầu tư như thế có lợi không và sẽ là một nguồn lớn để đầu tư, chi cho nhiều việc đem lại lợi ích chung cho nền kinh tế. Ta cứ giao cho tư nhân ai cũng có thể thăm dò khoáng sản như hiện nay rồi ông nào có được giấy phép thăm dò cũng gần như đương nhiên được khai thác như thế là không được. Chúng ta rất sơ hở về cơ chế trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản trong nhiều năm qua.
Thực tế, nhiều nơi có quy hoạch rồi nhưng luôn phá vỡ quy hoạch như ở Nghệ An?
Đó là trách nhiệm của chính quyền. Cũng như quy hoạch xây dựng đã có mà phá vỡ quy hoạch ở đâu thì phải xác định trách nhiệm quản lý của chính quyền nơi đó. Nhưng tôi vẫn muốn chất lượng quy hoạch phải rõ ràng. Quy hoạch phải chi tiết, cụ thể hơn, không thể chung chung như vừa qua. Còn thực hiện quy hoạch thì phải nêu rõ hơn vấn đề trách nhiệm. Cho nên, kỳ họp lần này, ban soạn thảo cần phải quy định đầy đủ, rõ ràng hơn về trách nhiệm triển khai quy hoạch.
Xuất khẩu khoáng sản thô thực sự đã bắt đầu gây ra những hậu quả lớn: nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã phản ánh thiếu nguyên liệu, phải nhập phôi thép giá cao; đã chuẩn bị thí điểm nhập than ngay trong năm nay… Như vậy, đã cần thiết phải ngừng ngay mọi hoạt động xuất khẩu khoáng sản thô?
Tôi không đặt vấn đề là phải chấm dứt xuất khẩu ngay vì thực sự, có những loại vẫn có thể xuất khẩu vì trong dài hạn cũng chưa thể tận dụng, chế biến hết. Nhưng rõ ràng không thể để tình trạng móc khoáng sản lên rồi xuất khẩu tràn lan như từ trước đến nay vẫn làm. Đất nước còn nghèo khi chúng ta còn xuất khẩu tài nguyên thô.
Theo ông có nên tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào khai thác, chế biến khoáng sản hay đã đến lúc chỉ để cho doanh nghiệp trong nước làm?
Theo tôi thì nếu cơ sở, doanh nghiệp trong nước khai thác được khoáng sản nhưng không có khả năng đầu tư, chế biến thì nếu có đầu tư nước ngoài vào, nâng hàm lượng chế biến thì vẫn nên khuyến khích. Nên áp dụng cơ chế đấu giá, đấu thầu trong việc thăm dò, khai thác cũng như chế biến khoáng sản. Nó sẽ đem lại những nguồn thu lớn cho Nhà nước và chúng ta có thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng yêu cầu của chúng ta.
Tổn thất tài nguyên khoáng sản Sản phẩm từ khai thác khoáng sản ở Việt Nam phần lớn chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, giá trị và hiệu quả sử dụng chưa tương xứng với giá trị tài nguyên của khoáng sản. Sản phẩm ngành than mới chỉ qua công đoạn tuyển, sàng phân loại để tiêu thụ hoặc xuất khẩu và chỉ chế biến thô sơ như làm than tổ ong, trái bàng… mà chưa chế biến sâu như khí hoá than, hoá lỏng than, chế biến than antraxit phục vụ luyện kim… Nếu chỉ khai thác và xuất khẩu thô như hiện nay giá trị rất thấp và nguồn thu của Nhà nước không tương xứng với giá trị tài nguyên. Ví dụ sản xuất được xỉ titan (từ ilmenit) thì giá trị sản phẩm tăng khoảng 2,5 lần; sản xuất được pigment tăng khoảng 10 lần; sản xuất được titan kim loại tăng gần 80 lần, v.v. Mặt khác khai thác xuất khẩu sản phẩm thô còn làm tổn thất, lãng phí các loại sản phẩm khác đi kèm mà chưa thu hồi hết hoặc loại bỏ các khoáng sản khác. Khai thác than liên quan đến các loại thải đá, urani, v.v.; quặng sa khoáng titan có các khoáng vật đi kèm như zircon, rutile, monazit, v.v.; mỏ đồng, chì, kẽm, thiếc, antimon có vàng cộng sinh; mỏ cao lanh thường đi kèm fenspast… Tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn rất cao, đặc biệt là ở các mỏ hầm lò, các mỏ địa phương quản lý. Một số điều tra nghiên cứu cho biết tổn thất khai thác than hầm lò là 40 – 60%; apatít 26 – 43%; quặng kim loại 15 – 30%; vật liệu xây dựng 15 – 20%; và dầu khí là 50 – 60%. Tổn thất trong chế biến khoáng sản cũng rất cao. Chẳng hạn độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) chỉ đạt khoảng 30 – 40%, và còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
( Theo viện Tư vấn phát triển // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com