Từ lâu, cá tra ở ĐBSCL đã khẳng định thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình nuôi, tiêu thụ sản phẩm đã làm cho con cá tra mất lợi thế cạnh tranh... Về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Thủy sản II, cho biết:
- Cá tra có những đặc điểm sinh học với nhiều ưu điểm ít con cá nào có được. Cá tra nuôi được trong ao với mật độ cao, nguồn thức ăn độ đạm không cao (26-28%). Cá có khả năng tiêu hóa tốt, chất lượng thịt cá thơm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt trong 4 nước cùng lưu vực sông Mê Công như Thái Lan, Lào, Campuchia thì ĐBSCL của nước ta có điều kiện thiên nhiên ưu đãi về nguồn nước cho vùng nuôi dồi dào quanh năm mà các nước khác dẫu muốn cũng không có được. Mặt khác, người dân ĐBSCL đã biết nuôi cá tra từ lâu, từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Cho đến sau này, cũng dân nuôi cá trong vùng sáng tạo ra công nghệ nuôi cá tra với năng suất 300-400 tấn/ha. Vì thế có thể nói tiềm năng con cá tra còn rất lớn. Chúng ta hoàn toàn có khả năng nâng cao chất lượng và qui hoạch vùng nuôi phù hợp để đạt tới sản lượng 2-3 triệu tấn/năm. Vấn đề còn lại là tiêu thụ sản phẩm. Theo cách nói của một số chuyên gia thủy sản Thái Lan, không thể hình dung nổi việc sản xuất cá nước ngọt có giá thành dưới 1 USD/kg. Trong khi nông dân Việt Nam sản xuất cá tra mong muốn bán cá tại ao 1 USD/kg. Đây là vấn đề đòi hỏi các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn và các phía đối tác doanh nghiệp (DN) cần ngồi lại bàn tính. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với ưu thế về chất lượng. Song, thực tế giá bán cá tra trên thế giới rất thấp là khó nâng lên. Đây là trở ngại.
* Nhưng có phải do chi phí thức ăn thủy sản chiếm tỷ lệ quá lớn trong giá thành nuôi cá tra ?
- Như chúng tôi đã phân tích, cá tra dễ nuôi, cá có khả năng tiêu hóa thức ăn, với nguồn đạm có thể đến từ các nguồn protein khác nhau, kể cả trong nuôi công nghiệp. Tuy nhiên giá thức ăn thủy sản trong thời gian qua tăng lên phải thấy rằng hầu hết nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn đều phải nhập khẩu. Nhà sản xuất thức ăn thủy sản phải tính đến hiệu quả và sự tồn tại của DN. Như hiện nay giá thức ăn có cao hơn trước đây, nhưng giá hối suất ngoại tệ cũng tăng so với trước. Hiện thời, so sánh nuôi tôm sú thức ăn chiếm 70%, cá tra có hệ số khoảng 1,5-1,6kg thức ăn cho 1 kg cá thịt. Như thế là phù hợp, chỉ có điều nghịch lý lớn hiện nay là giá bán cá tra tại ao quá thấp, chỉ khoảng 0,7-0,8 USD/kg. Đó là chúng ta chưa nói tới chi phí cho xử lý môi trường. Theo tôi nghĩ đây là vấn đề không riêng DN và nông dân nuôi cá có thể giải quyết được, mà còn tùy thuộc vào các đối tác có liên quan.
* Thực tế thức ăn thủy sản giá cả leo thang, trong khi giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy giảm chứ không tăng. Một số dân nuôi cá tra quay về chế biến thức ăn tự chế và có người nói giá thành giảm được 2.000-3.000đ/kg, ông nghĩ sao về cách làm này?
- Nếu quay về dùng thức ăn tự chế cho cá tra thì giá thành nuôi cá có thể giảm xuống 10-15%, nhưng chỉ có thể nuôi mật độ thưa. Như thế sẽ kéo theo giảm sản lượng chỉ bằng 1/2 hay 1/3 so nuôi cá công nghiệp. Đó là chưa nói tới hệ quả ô nhiễm môi trường, chất lượng cá nuôi không đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu nông dân nuôi cá cải tiến bằng cách như thế này là một bước đi lùi. Bởi vì với mô hình nuôi cá tra công nghiệp của những nhà nuôi cá chuyên nghiệp, họ đã biết hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất và hạ được giá thành tới mức thấp nhất, nhưng vẫn vượt cao hơn giá bán hiện nay.
* Viện Thủy sản II đang thực hiện những chương trình, dự án nào để hạ giá thành, giữ vững “thương hiệu” chất lượng cho cá tra Việt Nam ?
- Theo chương trình của Bộ NN&PTNT, Viện Thủy sản II đang thực hiện dự án chuẩn bị đàn cá hậu bị 100.000 con nhằm ưu tiên thay dần đàn cá giống trong các cơ sở sản xuất giống cá tra trong vùng. Đây là cách làm theo qui trình nuôi theo tiêu chuẩn cá sạch, an toàn. Nguồn cá giống có ghi phả hệ để truy xuất nguồn gốc. Vấn đề còn lại là cách phát tán, quản lý đàn cá này như thế nào. Bên cạnh đó, hiện thời Viện đang đánh giá thông số di truyền về khả năng kháng bệnh của cá tra. Từ kết quả có được, nếu hệ số di truyền cho thấy tính kháng bệnh cao thì chúng ta sẽ tiến hành chọn giống. Thời gian mất khoảng 2 năm và nếu thực hiện đề án này đạt kết quả, chúng ta sẽ giảm được chi phí thuốc thú y thủy sản trong phòng trị bệnh cá. Cá tra khỏe mạnh, giảm hao hụt có thể tăng năng suất và giảm giá thành. Mặt khác để đối phó với những kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai, Viện đang thăm dò tính di truyền cá tra có khả năng thích nghi độ mặn để từ đó hình thành chương trình chọn giống có thể thích nghi độ mặn 5-10%0.
* Trở lại vấn đề giải bài toán cá tra và thức ăn thủy sản, theo ông cần làm gì ?
- Tôi nghĩ có thể đưa ra giá sàn cho cá tra tương tự như lúa không ? Theo đó đảm bảo mức lãi bao nhiêu phần trăm cho người nuôi cá ? Nên chăng cá tra bắt đầu từ việc này, trong đó nhà cung cấp thức ăn thủy sản cũng là một trong những đối tác tham gia trong chuỗi dây chuyền sản xuất cá tra. Do vậy họ phải cùng ngồi lại, vì nếu một khi dây chuyền sản xuất công nghiệp cá tra này phá sản thì DN sản xuất thức ăn thủy sản cũng phá sản theo. Vì vậy tất cả các đối tác trong dây chuyền sản xuất cá tra phải ngồi lại tính toán. Mọi thông tin cần minh bạch, lợi nhuận công khai rõ ràng. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo sâu chuỗi vấn đề này.
* Xin cảm ơn ông!
(Theo HỮU ĐỨC/CanTho)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com