Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Ảnh: Anh Quân. |
Hôm 20/9, một hội thảo với những tranh luận “nảy lửa” giữa đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về điều hành giá xăng dầu đã khơi mào cho tranh luận lâu nay: “thả” giá theo thị trường hay có sự điều tiết của nhà nước.
Đã có nhiều thông tin và đánh giá từ các bên liên quan tiếp theo sự kiện này. Để rộng đường dư luận, VnEconomy xin tiếp tục giới thiệu góc nhìn của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.
Lỗ xăng dầu, bộ và Chính phủ đều biết
Thưa ông, người ta đang nghĩ Bộ Công Thương có ức chế gì trong cuộc hội thảo về giá xăng dầu hôm 20/9. Ông giải thích như thế nào?
Nếu như bạn là ông Nguyễn Lộc An (Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - PV), hàng ngày phải chứng kiến hệ thống xăng dầu… Tôi phải nói ngay rằng sau khi xong hội thảo, ông Nguyễn Lộc An phải bay ngay vào Sài Gòn để đi “đốc chiến” ở miền Tây, để đi từng cây xăng một nói rằng bán đi…
Bạn thử tưởng tượng chúng ta cả nước có khoảng 14 nghìn cây xăng, nếu như bạn phải đi từng cây xăng một và ngày nào cũng lo nơm nớp mình vừa nói xong chỗ này thì chỗ kia lại không bán, thì bạn sẽ hiểu bức xúc của ông An.
Có ý kiến rằng Bộ Công Thương chỉ nghe doanh nghiệp kêu lỗ thôi, không nắm tính hình thực tế như Bộ Tài chính có báo cáo rất chi tiết về thời gian, số lượng và giá nhập khẩu của từng doanh nghiệp?
Bạn phải nhớ rằng Chính phủ có sự phân công, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm gì nó rất là rõ. Còn Bộ Tài chính phụ trách toàn bộ lỗ, lãi, chi phí, giá cả… Bộ Công Thương với tư cách cơ quan nhà nước thì phối hợp với Bộ Tài chính về những vấn đó.
Tôi xin nói chuyện doanh nghiệp đang lỗ tích lũy không phải là việc Bộ Công Thương nói mà là việc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Chính phủ đều biết và điều hành trong điều kiện đó.
Một điểm khó lý giải là trong khi doanh nghiệp than lỗ, thực tế có nhiều đơn xin mở cây xăng. Liệu có tình trạng doanh nghiệp lỗ, nhà nước bù lỗ và thực tế kinh doanh xăng dầu rất lãi?
Rất đơn giản là tại sao người ta muốn mở cây xăng? Đấy là một công việc. Có phải vì lãi mà bạn mở cây xăng đâu, cũng không phải vì lãi mà bạn mở công ty. Nếu không, tất cả đều mở công ty hết. Nó phải có lúc lỗ, lúc lãi và bạn tin lãi nhiều hơn lỗ…
Và chính vì thế mới có khả năng vỡ hệ thống, vì người ta khó khăn quá thì đóng cửa, đó là quyền của người ta. Mình có thể rút giấy phép của 1-2 cây xăng, không thể rút hàng nghìn cây xăng được.
Giá hải quan không phải là giá để điều hành
Có nhiều ý kiến cho rằng, trong giá cơ sở có tính cả lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh định mức thì với Nghị định 84, doanh nghiệp đã được đảm bảo luôn luôn có lãi?
Tại sao là định mức thì đấy là cái giá để tổ chức điều hành, không phải giá để quyết định.
Giá cơ sở nó như cái thước thôi. Và thực tế tôi có thể cắt miếng vải dài hơn cái thước, nhưng tôi biết dài hơn là bao nhiêu, tôi cắt ngắn hơn cái thước thì tôi biết ngắn hơn là bao nhiêu…
Xin hỏi ông, tại Điều 27 Nghị định 84 có đề cập việc nếu giá cơ sở tăng đến 7% thì doanh nghiệp được điều chỉnh tăng giá bán, nhưng liên quan đến giảm giá thì quy định là tới 12%. Điểm này có vẻ như người mua chịu thiệt?
Liên quan đến thiết kế giá trong Nghị định 84 thì hỏi Bộ Tài chính là chính xác nhất. Nhưng tất cả thiết kế đều có cơ sở của nó, có tính khoa học của nó.
Ví dụ tại sao lại quy định giá bình quân 30 ngày làm giá cơ sở thì nó rất đơn giản. Nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn thì là gì, hiện chúng ta bắt doanh nghiệp phải dự trữ đủ 30 ngày thì chẳng doanh nghiệp nào mua nhiều hơn mức đó. Họ mua lô hàng rót vào thì lại có hàng lấy ra. Thực tế là khi lô này vào, thực ra không phải mua hôm nay mà mua trước rồi.
Cho nên nó có cái lý của nó và như thế nào thì phải hỏi Bộ Tài chính, vì Bộ Tài chính là người thiết kế cái đó.
Nhưng Bộ Tài chính xác định giá trên cơ sở thực tế nhập của doanh nghiệp để giảm giá xăng dầu vừa qua là có cơ sở. Bởi vì, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhập nhiều hơn khi giá giảm, chỉ giao hàng là không cần ngay lập tức?
Giá hải quan thì là cái rất cụ thể của doanh nghiệp để hạch toán kinh doanh, không phải để điều hành. Cơ quan điều hành phải thoát ly cái cụ thể của doanh nghiệp.
Bởi vì, ông to thì khỏe, ông bé rất nhanh nhẹn, phải chọn một cái gì đó thể hiện cái chung chung giữa hai ông này một cách tương đối. Vì thế mới không dùng chi phí của anh nào để đưa ra thước đo.
Cho nên, giá hải quan không phải là giá để điều hành. Nếu dùng giá hải quan điều hành thì chết ngay. Cứ tưởng tượng một ngày Petrolimex phải nhập hàng chục lô hàng, không kể hàng chục lô hàng các doanh nghiệp khác thì điều hành theo ông nào? Bởi vì có lô thì nhập giá bình quân 10 ngày, có lô bình quân 5 ngày, có lô 30 ngày, có lô mua cách đây một năm hôm nay mới nhận, có lô vừa mua hôm qua nay đã nhận rồi…
Hedging (mua bán phòng ngừa rủi ro - PV) chưa ông nào dám. Lý do là vì hedging có thể lỗ, có thể lãi. Lãi thì dễ rồi, nhưng lỗ thì ai chịu? Cho nên đặt vấn đề tại sao không hedging thì Bộ Tài chính chưa ra quy định về vấn đề đó. Nếu quy định lãi phải trả Bộ Tài chính, lỗ thì bù, lập tức người ta hedging ngay.
Một điểm cũng khiến dư luận băn khoăn là khác biệt giữa con số lãi kinh doanh xăng dầu 780 đồng/lít của Bộ trưởng Vương Đình Huệ và 440 đồng/lít của Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo đưa ra. Theo ông thì nên hiểu như thế nào?
Tôi không lý giải vì anh Huệ (Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - PV) không công khai cách tính ra con số đó. Tôi chỉ biết là, nói gì thì nói con số đó không thể dùng làm con số điều hành được.
Bởi vì, tất cả cơ quan quản lý và điều hành tuân thủ pháp luật, đối với kinh doanh xăng dầu là Nghị định 84. Nghị định quy định kinh doanh xăng dầu có cái thước này để bạn đo, thế mà bạn dùng thước khác đi thì là chết. Thế thì không biết bạn cao hay thấp, béo hay gầy…
Lợi ích của dân không chỉ là giá
Nhưng người ta cũng nói Petrolimex lỗ, lãi bất nhất, không biết doanh nghiệp kinh doanh thế nào, quyền lợi người tiêu dùng đến đâu?
Petrolimex là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, người ta lấy lãi chỗ này bù lỗ chỗ khác, đó là việc của doanh nghiệp, đừng bàn. Hai nữa, hiện nay mọi người tưởng rằng lợi ích của mình chỉ là giá, nhưng không phải.
Lợi ích của người dân có ba thứ mà theo thứ tự quan trọng, thứ nhất phải là có xăng dầu, tức là đủ nguồn và đủ dự trữ. Nếu như không có xăng dầu thì giá rẻ cũng chẳng có mà dùng. Chúng ta đã từng có thời kỳ như vậy. Thời bao cấp cái gì cũng rẻ nhưng cái gì cũng không có.
Thứ hai là hệ thống. Bạn ra khỏi nhà là có cây xăng kia rồi, ghé vào bất quá 5 phút là xong. Nhưng bạn phải nhớ rằng, ở Trung Quốc cũng trong giai đoạn gần đây, do giá xăng dầu biến động thế này, người ta phải đi hằng 10 cây số, xếp hàng 5 tiếng đồng hồ để mua xăng. Thì đấy cũng là lợi ích của người dân.
Cuối cùng mới là giá, và giá đó phải hợp lý. Nếu giá quá thấp đến mức không còn xăng, không còn ai bán thì chẳng giải quyết vấn đề gì, bạn chỉ bị thiệt hại thôi.
Một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp xăng dầu trích hoa hồng cao, trong khi doanh nghiệp cho biết chỉ có 50-70 đồng/lít. Vấn đề hoa hồng cho đại lý hiện nay như thế nào, thưa ông?
Hoa hồng tùy từng thời điểm, từng doanh nghiệp, có khi lên đến hàng nghìn. Những thời điểm kinh doanh xăng dầu thuận lợi…
Tôi nói thêm là trong kinh doanh xăng dầu, cá bé nuốt cá lớn. Khi kinh doanh xăng dầu khó khăn, tất cả các ông nhỏ đều trốn, không nhập, nhưng ông Bảo (Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo - PV) không nhập thì “bay đầu”. Cho nên, ông ấy phải bán mà thậm chí phải bán bù cho những anh kia, nên cứ phải căng mình ra làm.
Nhưng khi thị trường thuận lợi, lập tức các anh nhỏ phải cạnh tranh, bớt 1 nghìn đồng/lít (hoa hồng - PV) thì chỉ mất ít thôi, ông Bảo bớt 1 nghìn đồng/lít thì hàng triệu lít là hàng tỷ bạc thì không làm nổi. Những anh kia làm thế để giành lấy thị phần, để bán được nhiều, thà rằng giảm 1 nghìn đồng lãi bán được nhiều hơn thì tốt hơn.
Quỹ bình ổn, khi thuận lợi là anh bán phải trích lại. Bán được nhiều phải trích nhiều thì doanh nghiệp nhỏ bán rất nhiều, trích được rất nhiều. Khi khó khăn phải chi ra thì doanh nghiệp nhỏ có bán đâu mà chi ra. Cho nên cái quỹ bình ổn cứ đút túi chờ đấy. Như vậy là (Petrolimex - PV) thu thì ít, chi thì nhiều, thằng nào chết? Thằng to chết, thằng bé sống.
Trong khi, Nghị định 84 bãi bỏ việc bù giá rồi. Bù thì nói làm gì cho mệt.
Cũng về Nghị định 84, tại điều 26 có quy định quỹ bình ổn được để lại doanh nghiệp, được hạch toán riêng, không được sử dụng vào mục đích khác. Với lạm phát đến 20%/năm mà để một chỗ như thế thì có lợi gì cho bình ổn?
Đừng nhầm, chúng ta vẫn dùng đấy thôi. Từ ngày có quỹ bình ổn thì chưa bao giờ quỹ được nghỉ một ngày. Tích vào chưa kịp đã phải xả ra, nó cứ liên tục, liên tục như thế.
Quỹ bình ổn tuy là để ở doanh nghiệp nhưng cái quan trọng ai là người quyết định cái đó. Bộ Tài chính là người quyết định thu của ai, thu lúc nào và thu như thế nào, Bộ Tài chính là người quyết định tồn bao nhiêu, chi bao nhiêu, chi lúc nào, chi cho ai.
Thế thì, ai là người quản lý quỹ bình ổn? Chính là Bộ Tài chính. Còn doanh nghiệp cứ ôm khư khư, có được gì ở đấy đâu.
Tiền đó để trong tài khoản doanh nghiệp sinh lời, theo quy định phải hạch toán. Và khi doanh nghiệp hạch toán, Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát được thì đi đâu được. Ngân hàng trả lãi hẳn hoi, có giấy tờ hẳn hoi thì ông nào đút vào túi được?
Nhưng thưa ông, đã có việc Bộ Tài chính phát hiện chi sai quỹ bình ổn, có việc con số tồn quỹ khác nhau giữa doanh nghiệp và Bộ Tài chính. Như vậy, quỹ bình ổn có vẻ như được kiểm soát không chặt chẽ?
Chi sai đây không có nghĩa là cầm đồng tiền ra chợ mua rau. Tức là Petrolimex hạch toàn bằng cách nào đó và khác với Bộ Tài chính. Cái này tôi không bình luận vì không biết rõ, nhưng mà cái chi quỹ bình ổn không phải là cầm tiền ra chi mà hạch toán nó, trên sổ sách thôi.
Tiêu chuẩn kế toán cho phép có nhiều cách hạch toán khác nhau và không ai bắt buộc ai phải theo cách nào. Hiện nay ở Việt Nam tồn tại một số cách hạch toán khác nhau. Anh là doanh nghiệp nhà nước thì phải báo cáo cách hạch toán.
Thị trường cạnh tranh: Đang làm, đừng sốt ruột
Bộ Công Thương và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị điều hành giá theo cơ chế thị trường, nhưng trên thực tế, chúng ta khó có cơ chế thị trường khi mà 3-4 doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất chiếm tới 90% thị phần…
Ở trong một nền kinh tế cạnh tranh tự do, thị phần là dấu hiệu lớn nhất để quyết định có độc quyền hay không. Nhưng chúng ta chưa phải hoàn toàn độc quyền tự do.
Đúng là 3 doanh nghiệp đang chiếm thị phần rất lớn, nhưng cho đến ngày hôm nay, giá bán của họ vẫn do nhà nước quản lý. Và đừng quên rằng họ là doanh nghiệp nhà nước, họ làm sai thì sẽ bị xử lý ngay lập tức.
Với đặc thù cơ chế Việt Nam, Petrolimex là một cánh tay của Chính phủ. Trong khi Bộ Tài chính nắm điều hành về giá, Petrolimex lại muốn giá thị trường thì có phải là một sự mâu thuẫn với cơ chế?
Đấy không phải là muốn hay không muốn. Phải hiểu rằng, ưu điểm của thị trường là những diễn biến thị trường lập tức sẽ được phản ảnh vào trong hoạt động kinh doanh.
Còn cơ quan nhà nước hết sức nặng nề. Ví dụ cơ chế giá, hai ông trong tổ điều hành thị trường trong nước phải bàn với nhau chán rồi, không thống nhất được mới đưa lên mấy ông thứ trường, bộ trưởng, và nếu không thống nhất được thì lên Thủ tướng quyết định.
Tôi thử hỏi, nếu mai giá xăng giảm rất sâu rồi mà doanh nghiệp chưa giảm được, vì nhà nước có cho đâu, trong khi xã hội gây sức ép thì là bạn có thích không? Tôi nghĩ là không thích. Bạn muốn rằng nếu giảm thì bạn giảm, nếu tăng thì bạn tăng…
Ở đây tôi muốn nói một điều là thị trường không đáng sợ như vậy, thị trường không phải là cứ thị trường là mọi người gian lận. Ví dụ như gạo là thị trường, nhưng không phải ai muốn bán giá nào thì bán. Nếu anh bán cao thì anh mất hệ thống. Vì với anh không phải chỉ là giá, anh còn có hệ thống nữa chứ.
Nên anh phải nhằm nhằm người ta mà bán, làm sao cho "xêm xêm" như người ta. Nếu anh bán thấp quá thì có thể lấy được hệ thống của người khác nhưng anh lại thiệt, anh gánh lỗ về mình… Đấy là sức mạnh thị trường, phản ánh thực tiễn cung, cầu trên thị trường. Đừng nghĩ rằng có thị trường là người ta gian lận.
Ngoài ra, dù Việt Nam hay bất cứ đất nước nào thì đều còn có sự quản lý của nhà nước, có thể nhiều hơn, hay ít hơn. Nhà nước là trọng tài, khi có bất lực của thị trường thì nhà nước giải quyết…
Thưa ông, muốn làm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu, nhiều người nói là phải cải tổ lại các công ty xăng dầu, ví dụ như chia nhỏ Petrolimex. Vấn đề này đã bao giờ được Bộ Công Thương tính đến hay chưa?
Giải pháp để chống độc quyền thị trường khi có một công ty quá lớn là chia nhỏ công ty đó thành nhiều công ty nhỏ. Đấy là một giải pháp đã được sử dụng nhiều trên thế giới. Tuy nhiên, nó chỉ được sử dụng khi có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Còn ngày hôm nay, nhà nước vẫn nắm chặt. Có 9 phần, doanh nghiệp chỉ có 1 phần và phần đó cũng nhà nước giám sát chặt, có thể phù quyết bất cứ lúc nào, thì chúng ta đừng vội vàng.
Chúng ta hãy chờ đợi đến một ngày nào đó, đến điều kiện nào đó nếu thị trường đã tương đối tự do mà vẫn chưa giải quyết được thì ta có quyền điều hành với công ty nhà nước là tách 3, tách 5, tách 7... Nhưng hôm nay, thực sự chúng ta chưa đạt đến mức độ đó.
Chúng ta đang sợ rằng cạnh tranh thì chúng ta bị giá cao. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, bao giờ cạnh tranh cũng cho giá hợp lý. Chúng ta đang từng bước giải quyết vấn đề đó.
Nghi định 84 giải quyết hai vấn đề lớn, thứ nhất là giải quyết tự do hóa một phần giá xăng dầu để doanh nghiệp làm quen. Điều thứ hai là cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Nghị định 55 thì điều kiện đầu tiên phải là doanh nghiệp nhà nước, nhưng 84 thì bất cứ là doanh nghiệp nào, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được tham gia.
Tạo ra càng nhiều doanh nghiệp tham gia càng tốt để tạo thị trường cạnh tranh. Đấy là tất cả những việc chúng ta đang làm, đừng sốt ruột.
vneconomy
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com