Hôm nay, ngày 1/10, Thông tư 19/2010/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) dành cho phóng viên cuộc trao đổi nhân dịp này.
Ông có nhận xét gì về việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng tại thời điểm này?
Đây là 1 định hướng tôi cho là rất đúng đắn. Vì sau khi nền kinh tế thế giới có những khủng hoảng và chúng ta không thể tách khỏi nền kinh tế thế giới được. Hơn nữa, thực tế thì hoạt động ngân hàng của chúng ta còn nhiều điểm yếu kém, đặc biệt là những tiêu chí bảo đảm an toàn và rủi ro ở mức cao. Cho nên thông tư 13 là một trong những công cụ tốt để tập trung giải quyết định hướng cho rõ ràng và để bảo đảm những chỉ tiêu an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Tôi cho là, đó là những định hướng tốt để bảo đảm độ an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13 ngay trước khi văn bản này có hiệu lực chỉ vài ngày. Ông có bình luận gì về động thái này của Ngân hàng Nhà nước?
Thông tư 13 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng ra đời đúng lúc nền kinh tế chúng ta đang thiếu vốn và bản thân các ngân hàng cũng thiếu vốn. Kinh tế lạm phát trương đối cao. Vì thế các ngân hàng thương mại không huy động được vốn và vì thế khả năng cung ứng của các ngân hàng là rất khó.
Vì thế những quy định tại thông tư 13 làm cho khả năng đáp ứng vốn của các ngân hàng hẹp lại. Một số ngân hàng gặp khó khăn thì đã đề nghị nên điều chỉnh lại, nhất là những ngân hàng có khả năng thanh khoản yếu.
Theo tôi, việc điều chỉnh một số quy định tại Thông tư 13 là việc nên làm, nhưng chỉ nên chỉnh về mặt kỹ thuật thôi, còn các định hướng bảo đảm độ an toàn, trước sau chúng ta cũng phải phấn đấu. Và đi lên từng bước.
Vậy theo ông tại sao nội dung sửa đổi, bổ sung thông tư 13 rất ít dù có nhiều sức ép từ phía dư luận, ngân hàng... và ngay cả Chính phủ cũng đã yêu cầu rà soát lại?
Việc sửa thông tư 13 nới rộng ra khả năng huy động vốn, nới rộng khả năng để cho ngân hàng sử dụng vốn có hiệu quả hơn, và khả năng này cũng có thể làm cho thanh khoản các ngân hàng được cải thiện.
Căn cứ tình hình hiện nay, và đặc biệt là những khó khăn hiện nay để chúng ta làm cái mốc. Theo Thông tư này thì khả năng tiến lên, hội nhập, thích nghi nền kinh tế mới theo tiêu chuẩn quản lý mới thì chúng ta có bước thụt lùi. Cho nên là phải sửa, có sửa, nhưng nên dừng lại ở mức độ ấy thôi.
Trong khi đó, ta tạo điều kiện cho một số ngân hàng có chuẩn bị tích cực hơn, có những cái vươn lên mạnh mẽ hơn để đáp ứng dần, một mặt mình có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, xây dựng lộ trình cho thích hợp, một mặt tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại vươn lên đáp ứng yêu cầu quản lý này có thể tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng chúng ta phát triển bền vững.
Một điểm đáng chú ý khác là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tại thông tư 13 đang là điều dư luận quan tâm thời gian qua vẫn không thay đổi tại thông tư 19. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các tổ chức tín dụng vẫn là 9%. Nhận xét của ông về vấn đề này thế nào?
Tất nhiên là phải giữ nguyên tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các tổ chức tín dụng vẫn là 9%. Đó là cái ruột của Thông tư 13. Nếu như chỉnh hệ số an toàn xuống, mục tiêu của Thông tư 13 về quản lý bảo đảm an toàn sẽ rất hạn chế. Cho nên không thể hạ tỷ lệ này.
Tôi cũng tán thành có một số ngân hàng khó khăn, có những vấn đề về mặt kỹ thuật, tỷ lệ tính tiền gửi. Lẽ ra tiền gửi thanh toán không được tính vào an toàn này, vì tiền gửi thanh toán là người ta rút ra bất kỳ lúc nào, anh không thể tính vào đây dự trữ để bảo đảm độ an toàn được.
Sự thực, chúng ta có những ngân hàng có thể sử dụng một chút trong tiền gửi thanh toán ấy, chưa sử dụng đến, người ta có thể cho vay để quay vòng nhưng phải chấp nhận ở múc độ tối thiểu, rất an toàn. Nhưng nếu lợi dụng điều này để cho vay một cách quá xá, cuối cùng người ta đến rút tiền không có, là vỡ ngân hàng. Mà sụp đổ một ngân hàng là sụp đổ cả hệ thống.
Ông có cho rằng, với việc ban hành Thông tư 19, khả năng mở rộng tín dụng sẽ thoáng hơn, và điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm lãi suất?
Thông tư 19 có ý nghĩa tạo điều kiện tốt hơn cho các ngân hàng sử dụng vốn và huy động vốn có cải thiện hơn trước. Chứ nói là yếu tố để giải quyết bước ngoặt, từ đây các ngân hàng có điều kiện để vươn lên để huy động vốn một cách mạnh mẽ thì không phải hoàn toàn thế.
Những thay đổi này, cần có thời gian, lộ trình. Và nó không góp phần tạo rất nhiều vốn, giảm lãi suất ngân hàng. Vì mục tiêu của Thông tư 13 là để quản lý chặt hơn, an toàn hơn.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com