Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư “trần tình” về thực trạng kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đồng chủ trị Hội nghị CG.

Tăng trưởng chưa bền vững, ngày càng phụ thuộc tăng vốn đầu tư; xuất khẩu chủ yếu là gia công, lắp ráp; trình độ công nghệ thấp; chênh lệch về trình độ phát triển với các nước trong khu vực cùng độ mở lớn khiến nền kinh tế dễ tổn thương…

Đây là những nhận xét tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được công bố tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) tổ chức sáng 7/12. Theo ghi nhận, đây là một báo cáo nhìn nhận thẳng thắn, đầy đủ về những tồn tại của nền kinh tế Việt Nam.

Bốn lưu ý từ chất lượng tăng trưởng

Thứ nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam kéo dài liên tục trong 19 năm qua nhưng tính ổn định còn chưa cao, thể hiện rõ nhất qua các năm 1991-1992, 1997-1998, và 2007-2008.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở hai trường hợp sau, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với năm trước và đều rơi vào những năm khủng hoảng tài chính châu Á và thế giới, kết hợp với bất ổn kinh tế vĩ mô, cho thấy nền kinh tế dễ bị tổn thương từ các cú sốc bên ngoài.

Thứ hai, từ năm 1991 trở đi, tăng trưởng ngày càng dựa nhiều vào vốn, ít tạo việc làm và hiệu quả chưa cao, hiện đầu tư đang đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng GDP hàng năm.

Trong khi đó, dù Việt Nam dồi dào về lao động, đóng góp của nhân tố này lên tăng trưởng GDP còn thấp do chất lượng và hiệu quả sử dụng lao động chưa cao, đặc biệt là khu vực nhà nước. Ngành nông nghiệp có năng suất lao động thấp nhất nhưng chiếm gần 52% tổng lao động có việc làm.

Ngược lại, chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả, chất lượng tăng trưởng là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) có xu hướng giảm nhanh từ 1991 đến nay. Điều này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là đáng xem xét.

Thứ ba, tăng trưởng nhanh đi liền với xóa đói giảm nghèo nhưng tốc độ giảm nghèo chậm lại và gia tăng bất bình đẳng về phân phối thu nhập. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, xu hướng giảm nghèo chậm lại với hệ số co giãn tỷ lệ nghèo chỉ bằng một nửa so với thời kỳ 2000-2004.

“Điều này cảnh báo giảm nghèo sẽ khó khăn hơn, chủ yếu do bản chất nghèo đói đã thay đổi so với trước. Trong khi đó, mức độ bình đẳng về thu nhập tăng dần cùng quá trình tăng trưởng, mặc dù tốc độ chậm lại”, báo cáo lưu ý.

Thứ tư, mức độ ô nhiễm môi trường cũng tăng lên cùng quá trình tăng trưởng. So với mức trung bình của các nước thu nhập thấp, khối lượng khí thải CO2 của Việt Nam tăng nhanh hơn, từ 1996 đến 2004 tăng trung bình 15%/năm.

Nghiêm trọng nhất là ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là tại những trung tâm công nghiệp lớn, khu công nghiệp tại lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu, sông Nhuệ mà tác nhân chính là sản xuất công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh với mật độ xây dựng cao.

6 điểm yếu của năng lực cạnh tranh

Tại báo cáo nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra 6 điểm yếu của năng lực cạnh tranh.

Điểm yếu thứ nhất, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người còn thấp và có xu hướng chững lại từ năm 2005. Đây là một hệ quả của tăng trưởng dưới mức tiềm năng. “Điều này làm cho mục tiêu đuổi kịp về thu nhập bình quân đầu người của nước ta với các nước khác trong khu vực và Trung Quốc trở nên khó khăn hơn”, báo cáo nhìn nhận.

Điểm yếu thứ hai, tốc độ tăng năng suất lao động còn chậm và chủ yếu nhờ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao hơn.

Báo cáo cho biết, từ 1991-2005, đóng góp của tăng trưởng năng suất lao động bản thân các ngành giảm dần, trong khi đóng góp của chuyển dịch cơ cấu ngành tăng dần. Điều này cho thấy hiệu quả và chất lượng tăng trưởng ngành còn thấp.

Trong khi đó, các ngành có giá trị gia tăng cao, cần thiết để tăng chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh không những đóng góp vào GDP thấp mà tỷ trọng này không tăng như khoa học công nghệ và giáo dục.

Điểm yếu tiếp theo được chỉ rõ là một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng được thị phần trên thị trường thế giới nhưng chủ yếu vẫn là hàng thô và sơ chế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này cho thấy chúng ta đang dựa vào tài nguyên (khoáng sản, đất đai, rừng) để có tăng trưởng.

Năm 2008, tỷ lệ hàng chế biến hoặc đã tinh chế chỉ chiếm trên 55% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam (65% trong số này là da giày, dệt may, đồ nội thất có hàm lượng công nghệ thấp), kém xa các nước trong khu vực.

Năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp còn thấp, thiếu những doanh nghiệp trong nước có thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới được coi là điểm yếu thứ tư.

Xét về tổng tài sản, có 92,5% trên tổng số khoảng 350 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt dưới 20 tỷ đồng. Trong khi đó, những doanh nghiệp được gọi là lớn của Việt Nam mới chỉ ngang với doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và vừa ở các nước khác.

“Điều đó cũng giải thích cho thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đa phần chỉ thực hiện các công đoạn sơ chế, gia công thuộc vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu của các hãng lớn, chứ rất khó có thể cạnh tranh bằng thương hiệu trên thị trường nước ngoài”, bộ này nhìn nhận.

Cũng theo đánh giá của Bộ, điểm yếu thứ nămlà nền kinh tế Việt Nam luôn phải đối mặt với những mất cân đối vĩ mô lớn như thâm hụt thương mại, chênh lệch tiết kiệm - đầu tư, lạm phát và tỷ giá hối đoái.

Mặc dù được coi là nền kinh tế hướng đến xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn xuất. Nếu nhập khẩu hàng hóa vốn để tạo cơ hội cho gia tăng xuất khẩu thì khi đó thâm hụt thương mại chỉ là tạm thời có thể chấp nhận trong một giai đoạn nhất định, nhưng phần nhập khẩu phục vụ tiêu dùng cũng đang tăng lên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Trong khi đó, mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư vốn là tồn tại của các nền kinh tế tích lũy vốn thấp và đang phát triển nhanh, với Việt Nam hiệu quả đầu tư thấp lại là vấn đề lo ngại. Được tài trợ bằng các khoản vốn bên ngoài, quan ngại về khả năng trang trải thâm hụt đối ngoại của Việt Nam ngày càng tăng với nợ công tăng và dự trữ ngoại hối giảm đáng kể.

Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam dao động mạnh với xu hướng tăng lên đáng kể. Những dòng vốn ngoại lớn đổ vào, cùng với tăng trưởng tín dụng trong nước, đã gây ra áp lực đáng kể đối với lạm phát. Khi Việt Nam duy trì tỷ giá danh nghĩa ở mức ổn định, lạm phát dẫn tới tỷ giá thực có hiệu lực tăng lên, buộc Việt Nam phải liên tiếp phá giá nội tệ. Tình trạng đô la hóa cũng góp thêm khó khăn cho kiểm soát lạm phát và tỷ giá, báo cáo phân tích.

Điểm yếu cuối cùng có những dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng vi mô hiện nay (dựa vào tăng vốn đầu tư và lao động giá rẻ) đang vấp phải một số điểm nút thắt về lao động, hạ tầng và hiệu quả đầu tư...

Các doanh nghiệp ngày càng phàn nàn nhiều hơn về tình trạng không tìm được lao động có kỹ năng đáp ứng được yêu cầu. Quan ngại cũng gia tăng về sự thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật, vận tải và năng lượng.

Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân và tác động lan tỏa tích cực của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp, FDI ngày càng tập trung vào lĩnh vực bất động sản và các ngành sử dụng nhiều lao động. Vốn thực hiện và vốn đăng ký ngày càng dãn ra, một phần do “chạy đua” thu hút của địa phương, một phần có thể do khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai dự án, hoặc có thể do đăng ký để giữ chỗ, bán lại dự án… báo cáo thẳng thắn nhìn nhận.

Với hệ số ICOR đo lường mối quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu nhìn tổng thể có thể thấy với mức độ đầu tư tương đương, Việt nam đạt tăng trưởng GDP thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ.

Vẫn chạy theo tốc độ tăng trưởng

Cũng tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu mười nguyên nhân cơ bản cả khách quan và chủ quan, đến từ bên trong nền kinh tế. Đáng chú ý, báo cáo đề cập nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ nhận thức về chiến lược tổng thể.

Bộ cho rằng: “Xu hướng chung vẫn chạy theo tốc độ tăng trưởng, ưu tiên tăng trưởng trước mà ít chú ý đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Một nguyên nhân cơ bản khác đến từ bất cập về mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác và sử dụng tài nguyên. Theo Bộ này, nguồn tài nguyên chưa được sử dụng để mang lại hiệu quả kinh tế cao, thể hiện qua tỷ lệ hàng công nghiệp chế biến sử dụng tài nguyên chiếm tỷ trọng thấp, hàng hóa xuất khẩu dựa vào tài nguyên (chưa qua chế biến và sơ chế) còn cao.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ rõ các khiếm khuyết như tăng trưởng lấy khu vực doanh nghiệp làm điểm tựa ngày càng bộc lộ những bất cập trong sử dụng, phân bổ nguồn lực hiệu quả; cơ cấu đầu tư mất cân đối, đầu tư hình thành tài sản vốn con người và khoa học công nghệ còn thấp; đầu tư nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhưng hiệu quả, chất lượng còn thấp…

(Theo Vneconomy)

  • Nút thắt tự in hóa đơn sẽ được tháo gỡ
  • Giá điện, than, nước sạch... có thể theo cơ chế thị trường từ 2011
  • Phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng 2011 không thay đổi
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp có xu hướng giảm
  • Giá mua điện cho dự án phát điện từ rác quá thấp
  • Cấp biển số xe theo thứ tự từ 6 - 12
  • Sắp phát sóng truyền hình ba chiều
  • Tìm lại vị thế cây bông ở nam Tây Nguyên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi