![]() |
Việc tái cơ cấu ngành điện sẽ giúp minh bạch hoá thị trường, mang lại lợi ích cho người sử dụng điện |
Đây là đề nghị của Bộ Công thương vừa được đưa ra cuối tuần trước nhằm nâng cao năng lực của ngành điện vốn luôn bị coi là “độc quyền”, kém “năng động”.
Lực bất tòng tâm
Trong bản báo cáo về tình hình thiếu điện mùa khô năm 2010 và các biện pháp khắc phục, Bộ Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện của hệ thống điện quốc gia đạt 47,5 tỉ kWh, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, trong các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 6/2010), do tình trạng hệ thống thiếu nguồn và phụ tải tăng cao, toàn hệ thống đã phải thực hiện cắt giảm sản lượng điện ước tính lên tới 1,3 tỉ kWh, tương đương với khoảng 5,3% nhu cầu của hệ thống.
Trước thực trạng thiếu điện như vậy, EVN cũng đã cố gắng làm đủ mọi cách như: huy động các nhà máy nhiệt điện ở mức cao, trưng dụng các tổ máy đang trong giai đoạn nghiệm thu, chạy thử để cung cấp điện tối đa cho hệ thống; khống chế sản lượng điện toàn hệ thống theo khả năng phát của các nhà máy điện; phân bổ sản lượng điện tiêu thụ theo mức trung bình ngày cho các TCty phân phối điện... nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.
Bộ Công thương cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do thiếu nguồn điện. Đây là khó khăn khách quan mà ngành điện không thể tự mình giải quyết. Đó là việc hầu hết các nhà máy điện mới không đi vào vận hành đúng tiến độ, thường có độ trễ kéo dài tới 1 năm khiến cho sản lượng và công suất khả dụng của hệ thống bị thiếu hụt. Bên cạnh đó lại chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm chuyên trách giám sát và điều hành thực hiện các dự án nguồn điện này dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”. Mặt khác, cơ chế giá điện hiện hành cũng chưa hợp lý, chưa có cơ chế cho phép điều chỉnh giá điện một cách linh hoạt theo biến động của thị trường.
Cần tái cơ cấu lại
Mặc dù có những khó khăn từ phía khách quan đem lại, nhưng Bộ Công Thương cũng phải thừa nhận nội tại trong quản lý ngành điện vẫn còn những lỗ hổng. Hiện tại, cơ cấu ngành điện được tổ chức theo mô hình tích hợp dọc, gồm cả phát, truyền tải, phân phối, mua bán điện và điều hành hệ thống. Điều này không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư vào nguồn điện mới, dẫn đến thiếu nguồn điện dự phòng.
Vì vậy, Bộ đã đề nghị Chính phủ sớm xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống để hình thành thị trường cạnh tranh trong khâu phát điện. Theo Bộ, đây là giải pháp then chốt vì khi đó giá phát điện sẽ thực sự do thị trường xác lập, giúp minh bạch hoá, mang lại lợi ích cho người sử dụng điện.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com