Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ Internet: Chuyển hướng về hạ tầng kỹ thuật

Việc cung cấp dịch vụ Internet trên nền mạng cáp quang được nhận định là sẽ thúc đẩy thị trường này phát triển. Ảnh: minh họa.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet bắt đầu cạnh tranh cung cấp dịch vụ trên nền mạng cáp quang (FTTH). Sự cạnh tranh này được nhận định là sẽ tạo ra bước đột phá, thúc đẩy thị trường băng thông rộng cố định tiến thêm một bước mới trong giai đoạn tới.

Thời gian qua, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã bắt đầu dịch chuyển hạ tầng kỹ thuật từ mạng cáp đồng sang mạng cáp quang FTTH (Fiber to the home).

FTTH là phương thức truy cập Internet tốc độ cao, dễ dàng kết nối cáp quang từ nhà cung cấp đến khách hàng. Nền tảng này cho phép các ISP đưa ra các dịch vụ với băng thông lên đến hàng gigabit mỗi giây nhưng chất lượng truyền dẫn tín hiệu ổn định và không bị suy hao bởi các tác động như nhiễu điện từ, thời tiết hay chiều dài tuyến cáp.

Về mặt lý thuyết, FTTH có thể cho tốc độ tải đến 10 Gb/giây, nhanh gấp 200 lần so với ADSL2+, trong khi độ bảo mật cao hơn và dễ dàng nâng cấp băng thông khi có nhu cầu. Nhờ được cung cấp với các IP tĩnh, đây là nền tảng giúp các ISP tích hợp đa dịch vụ trên một kết nối cho các nhu cầu về dịch vụ trực tuyến như lưu trữ mail, truyền dữ liệu tốc độ cao, đặt máy chủ riêng, mạng riêng ảo (VPN), truyền hình tương tác hay hội nghị truyền hình…

Đối tượng chính là khách hàng doanh nghiệp

Số người sử dụng Internet (tính đến tháng 6): 24.653.553.

Tỷ lệ số dân sử dụng: 28,74%

(Nguồn: Trung tâm Internet Việt Nam)

Hiện nay, chi phí đầu tư cho mạng cáp quang còn cao, vì thế các ISP chủ yếu thiết kế các gói dịch vụ dành cho doanh nghiệp.

Theo dự báo của IDC, kết nối băng thông rộng cố định tại Việt Nam trong ba năm tới tiếp tục tăng trưởng 40% mỗi năm, cao nhất trong các dịch vụ viễn thông. Hiện kết nối ADSL vẫn chiếm ưu thế, chưa đến mức bão hòa vì tỷ lệ dân số sử dụng Internet vẫn còn thấp và sẽ tiếp tục đóng vai trò chính. Tuy nhiên, các dịch vụ băng thông cáp quang sẽ dần thay thế ADSL trong năm năm tới do nhu cầu về băng thông đang tăng nhanh, giống như kết nối ADSL đã từng loại bỏ dial-up vốn chậm chạp và lỗi thời. Đặc biệt, khối khách hàng doanh nghiệp đang là phân khúc mang lại doanh thu cao và trở thành đích ngắm của các ISP.

FPT đã khởi động hạ tầng cáp quang từ năm 2006, và nay Viettel, VDC, CMC-NetNam đều đã nhảy vào “lãnh địa” này. Các ISP đang nỗ lực thu hút khách hàng chuyển đổi từ dịch vụ ADSL sang FTTH. Nhiều ISP đã chia sẻ tài nguyên để tận dụng cơ sở hạ tầng và giảm giá thành.

Trong quá trình chuyển đổi từ ADSL sang FTTH, nhiều “dịch vụ lai” được các ISP cung ứng ra thị trường, vừa tận dụng hạ tầng cáp đồng vừa cung cấp dịch vụ băng thông cao. Chẳng hạn dịch vụ FTTC (Fiber to the curb) của FPT với tốc độ băng thông upload/download đối xứng 100/100Mb/giây, nhanh gấp năm lần tốc độ ADSL2+, tạo nền tảng cho dịch vụ truyền hình độ nét cao (HDTV). Hoặc gói dịch vụ Triple Play được tích hợp trên nền IP với đường truyền ADSL cho băng thông 8Mb/giây và các dịch vụ truyền hình tương tác (ITV), điện thoại cố định công nghệ IP (Ivoice). So với việc sử dụng riêng lẻ từng dịch vụ thì mức chi phí cho Triple Play tiết kiệm được hơn 20%.

Viettel cung cấp ba gói cước FTTH gồm Pub, Office và Pro. Gói Office được thiết kế với chi phí phù hợp cho nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng có nhu cầu về dịch vụ tốc độ cao, trong khi gói Pro có băng thông quốc tế cao, nhiều IP tĩnh, triển khai được các ứng dụng cao cấp như máy chủ riêng, mạng riêng ảo, truyền hình tương tác, hội nghị tương tác…

Từ giữa tháng Năm, Viettel bắt đầu nâng cấp nhiều gói cước FTTH cho khách hàng cũ lên 2,5 lần với cước phí không đổi, đồng thời triển khai chương trình khuyến mãi với rất nhiều khoản ưu đãi cho khách hàng mới. Dù dẫn đầu thị trường này nhưng đến tháng Năm vừa qua, VDC mới chính thức cho ra mắt dịch vụ Internet cáp quang FiberVNN với sáu gói dịch vụ nhắm vào các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ Internet công cộng, gia đình… Chỉ hai tuần sau khi ra mắt, ISP này cũng đã công bố giảm cước và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi.

Theo khảo sát của Viettel hồi tháng Năm, tại hai thị trường lớn là TP.HCM và Hà Nội cũng mới có khoảng 7% doanh nghiệp sử dụng FTTH. Tỷ lệ này là rất thấp, vì thế đây là khu vực có nhiều tiềm năng để khai thác. Hiện tại mỗi ISP đều có các gói cước nhằm thu hút các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng băng thông cáp quang. Thị trường đang hứa hẹn một cuộc cạnh tranh mạnh hơn, trước mắt nhắm đến việc chiếm lĩnh khối khách hàng doanh nghiệp. Mức độ cạnh tranh càng lớn, giá dịch vụ giảm nhanh hơn sẽ thúc đẩy quy mô thị trường này lớn nhanh hơn. Các chuyên gia dự báo thời gian tới khi cáp quang trở nên thông dụng thì việc cạnh tranh không chỉ ở băng thông truy cập mà sẽ hướng vào các dịch vụ cộng hưởng như truyền hình IPTV, VoIP…

Đường cạnh tranh còn dài

FPT Telecom là mạng đi đầu trong việc triển khai FTTH từ năm 2006. Sau thời gian đầu chú trọng “gặt hái” tại TP.HCM và Hà Nội, ISP này đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới đến 40 tỉnh, thành và dự tính phủ rộng cả nước vào năm 2015. Về dịch vụ FTTH, giai đoạn đầu FPT cung cấp dịch vụ dung lượng từ 20Mb/giây và đến nay đã tăng lên 80Mb/giây và cho biết sẽ nâng cấp đường truyền lên 100Mb/giây cho khách hàng cá nhân và tăng từ 300Mb/giây trở lên cho khách hàng doanh nghiệp. Đó là một phần trong việc đầu tư của FPT hiện nay, ước tính gần nửa tỷ đô-la cho hạ tầng FTTH song song với các dịch vụ và nội dung.

Theo ông Trương Đình Anh, Phó tổng giám đốc FPT, hiện chi phí đầu tư cho mạng cáp quang cao hơn bốn lần mạng cáp đồng, đây sẽ là công nghệ tất yếu trong khoảng năm năm tới. FPT hiện cung cấp dịch vụ song song trên hạ tầng đã đầu tư. Cho đến cuối tháng Sáu, nhà cung cấp này đã có tổng cộng 400.000 khách thuê bao Internet, trong đó 20% là khách hàng doanh nghiệp.

Riêng dịch vụ FTTH hiện có khoảng 20.000 khách hàng doanh nghiệp. Ông Anh cũng cho biết bên cạnh việc nhanh chóng hoàn thành mạng cáp trên toàn quốc, mở rộng dung lượng và kênh kết nối quốc tế, FPT Telecom cũng nhắm đầu tư vào Campuchia. Hiện mạng cáp quang đã được kéo đến sát biên giới và FPT đang xúc tiến kế hoạch đầu tư giai đoạn đầu khoảng 10 triệu đô-la Mỹ tại ba thành phố Siem Riep, Phnom Penh và Sihanouk Ville.

NetNam cũng cho biết sẽ dần thay thế dịch vụ bằng kết nối cáp quang. Lộ trình của NetNam có những thay đổi sau khi Tập đoàn CMC (CMG) đầu tư nắm giữ gần 44% cổ phần của mạng này để kết hợp khai thác thị trường viễn thông - Internet mà họ còn ở vị trí khiêm tốn. CMC cho biết sẽ hướng vào phân khúc doanh nghiệp, nơi được xem là có nhiều cơ hội song sức ép cạnh tranh cũng khá lớn. Hướng dịch vụ của ISP này là giải pháp tích hợp. Nhờ đầu tư sau nên CMG sở hữu công nghệ viễn thông thế hệ mới vốn cho dịch vụ tích hợp chất lượng cao và băng thông lớn.

Về toàn cục thị trường Internet, VDC đang nắm lợi thế dẫn đầu với gần 2,5 triệu khách thuê bao, chiếm khoảng 75% thị trường Internet. Trong hai năm qua, VDC đã liên tục tăng dung lượng kết nối đi quốc tế lên gấp bốn lần và sở hữu lưu lượng băng thông quốc tế lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, lộ trình cáp quang lại chính là thách thức lớn nhất đối với nhà cung cấp này. VDC đang sở hữu mạng cáp đồng trải rộng trên cả nước, đang cần thời gian, nguồn vốn để chuyển đổi sang mạng cáp quang với lộ trình hợp lý để giảm thiểu chi phí.

VNPT cho biết trong vòng năm năm mỗi năm đầu tư khoảng 1 tỷ đô-la Mỹ để phát triển hạ tầng cáp quang đồng bộ và năm 2011 sẽ hoàn thành hạ tầng mạng băng thông cực lớn với công nghệ IP hiện đại. Tuy nhiên, VDC chưa phải là doanh nghiệp dẫn đầu về dịch vụ FTTH và đang ở thế rượt đuổi trong phân khúc này, mặc dù theo công bố hiện nay đã có 14.000 khách hàng FTTH.

Trong khi đó Viettel đã phủ Internet trên cả nước nhưng mảng Internet những năm qua đã không “tỏa sáng” như mảng điện thoại di động. ISP này đang có lợi thế cung cấp mạng Internet cho hệ thống giáo dục trên cả nước, tuy nhiên vẫn đang đi sau các nhà cung cấp khác về các dịch vụ giá trị gia tăng và về số lượng khách hàng doanh nghiệp.

(Theo Hoàng My // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Tập trung kiểm soát cung cầu hàng hóa
  • Đấu nối lưới điện 500KV với các nước trong khu vực
  • FDI chuyển hướng vào chế biến và sản xuất
  • 2/3 chặng đường thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ
  • Từ 1/9, giá gas tăng 14.000 - 15.000 đồng/bình
  • Chương trình quốc gia ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước
  • Đề xuất giải pháp tái cơ cấu Vinashin
  • Hiệp hội không phải là công cụ để ép giá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi