Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự kiến tăng thuế tài nguyên

Triển khai thực hiện Luật Thuế Tài nguyên vừa được Quốc hội khóa XII thông qua, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Biểu thuế suất Thuế Tài nguyên và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.

Dự kiến mỗi năm thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 24.000 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng số thu thuế tài nguyên

Cả 2 văn bản dự thảo này được xây dựng theo hướng, ban hành cụ thể biểu thuế suất thuế tài nguyên với các mức thuế áp dụng thống nhất, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng, thu hút thêm sự đầu tư cho ngành khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Đánh thuế cao đối với tài nguyên không có khả năng tái tạo

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, mức thuế suất thuế tài nguyên được xác định theo nguyên tắc tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao (khoáng sản kim loại và một số loại tài nguyên quý hiếm khác như kim cương, rubi, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than...); tài nguyên có khả năng tái tạo thì thuế suất thấp (nước, hải sản tự nhiên...).

Danh mục nhóm, loại tài nguyên chịu thuế được phân thành 9 nhóm theo quy định của Luật Thuế Tài nguyên. Trong mỗi nhóm sẽ quy định các loại tài nguyên với mức thuế suất cụ thể.

Trước tiên, trong nhóm khoáng sản kim loại, đây là loại tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn. Để góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả nên dự kiến mức thuế suất cao. Đa số các kim loại thuộc nhóm này dự kiến mức thuế suất tăng từ 7% hiện đang áp dụng lên 10% (sắt, mangan, titan, bạch kim, bạc, thiếc, chì, kẽm, nhôm...), riêng vàng và đất hiếm dự kiếm mức thuế suất là 12% (vàng hiện đang áp mức 9%, đất hiếm 12%).

Trong nhóm khoáng sản không kim loại, đối với một số loại tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như kim cương, rubi, sapphire, ôpan quý... được đề nghị mức thuế suất cao (15% và 20%) để hạn chế khai thác. Một số loại tài nguyên có giá trị không lớn và là đầu vào của các ngành sản xuất như đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình, đất làm gạch, apatit, sỏi... mức thuế suất sự kiến thấp, khoảng từ 3 - 5%.

Với mức thuế suất thuế tài nguyên như dự kiến thì số thu thuế tài nguyên mỗi năm khoảng 27.360 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 24.000 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng số thu thuế tài nguyên); khoáng sản không kim loại khoảng 1.852,4 tỷ đồng; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện khoảng 620 tỷ đồng; khoáng sản kim loại khoảng 467,3 tỷ đồng.

Gỗ rừng tự nhiên là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, việc khai thác tác động lớn tới môi trường. Hiện nay, Nhà nước đang thực hiện chủ trương hạn chế khai thác rừng tự nhiên. Do đó, mức thuế suất đối với nhóm này cũng được dự kiến ở mức cao. Cụ thể, gỗ nhóm I mức thuế suất là 35%, gỗ nhóm II 30%, gỗ nhóm III, IV là 20%; gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác là 15%. Riêng trầm hương, kỳ nam là loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao nên áp mức thuế suất 25%.

Đối với hải sản tự nhiên, vẫn giữ nguyên mức thuế cũ là 10% đối với ngọc trai, bào ngư, hải sâm và 2% đối với các hải sản tự nhiên khác.

Nhóm nước thiên nhiên về cơ bản vẫn giữ các mức thuế suất như hiện hành. Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp mang lại giá trị kinh tế cao có mức thuế suất cao là 8%. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện mức thuế suất là 2%.

Đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, thuế suất được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than khai thác bình quân mỗi ngày và có phân biệt giữa "dự án khuyến khích đầu tư" và "dự án khác". Các mức thuế suất đều được giữ nguyên như hiện hành (từ 6 - 27% đối với dầu thô và 1 - 10% đối với khí thiên nhiên, khí than), riêng khí thiên nhiên, khí than có sản lượng khai thác đến 5 triệu m3/ngày hiện hành đang áp dụng mức thuế suất 0%, nay khung thuế suất mới là 1-30% nên phải tăng mức thuế suất lên 1% để đảm bảo phù hợp với khung thuế suất của Luật.

Trao đổi với Ban chủ trì soạn thảo các dự thảo trên, Bộ Tài chính cho biết, với mức thuế suất mới sẽ góp phần tăng thu ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương (xây dựng điện, đường, trường, trạm,...), nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân nơi khai thác, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò của tài nguyên sẽ khuyến khích các địa phương lựa chọn phương thức đầu tư khai thác, chế biến tài nguyên hợp lý và lựa chọn đường lối phát triển kinh tế xã hội thích hợp với điều kiện địa phương mình.

Bên cạnh đó là tác dụng tăng cường công tác quản lý và cấp phép khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện, tiềm lực để khai thác, chế biến tài nguyên; có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị tài nguyên. Từ đó, tài nguyên ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường. 

Về phương diện quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp, với các mức thuế suất cụ thể áp dụng thống nhất không phân biệt giữa các thành phần kinh tế cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản, nâng cao giá trị tài nguyên khai thác, đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp mũi nhọn cho quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Đó là chưa kể đến cơ sở thuận lợi giúp người nộp thuế, cơ quan quản lý tổ chức thực hiện, hạn chế được thắc mắc, khiếu nại của người nộp thuế; thuận tiện cho cơ quan thuế trong việc quản lý thuế - là những vấn đề vốn đang còn nhiều bất cập hiện nay.

(Theo Chính phủ)

  • Đánh giá các Chương trình mục tiêu quốc gia 2006-2010
  • EVN: Đảm bảo cấp điện ổn định dịp Tết
  • Tháng 1- 2010: Giá trị sản xuất công nghiệp cả nước đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng
  • 6 nhiệm vụ, 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2010
  • Lần đầu tiên có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão
  • Ngành Nội vụ năm 2010 : Tập trung thực hiện CCHC mạnh mẽ
  • Chính thức thiết lập 4 đường hàng không mới
  • "Doanh nghiệp có tổ chức Đảng hoạt động tốt hơn"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi