Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập cần có các điều khoản để “nâng tầm” giá trị của báo cáo kiểm toán độc lập.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, sau 20 năm đưa thị trường kiểm toán vào vận hành, số lượng doanh nghiệp (DN) kiểm toán đã tăng từ 2 DN 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính (năm 1991) lên con số 162 vào thời điểm hiện nay, trong đó có 5 công ty kiểm toán 100% vốn nước ngoài, 2 liên doanh, 4 công ty hợp danh, còn lại là công ty kiểm toán TNHH.
Để thúc đẩy thị trường kiểm toán, Dự thảo Luật kiểm toán độc lập (KTĐL) đang được Bộ Tài chính xây dựng tiếp tục nâng cao giá trị của báo cáo kiểm toán do các công ty kiểm toán độc lập thực hiện. Cụ thể, báo cáo kiểm toán được coi là một trong những tài liệu để cơ quan nhà nước và đơn vị cấp trên sử dụng cho quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao…
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, sản phẩm của KTĐL (báo cáo kiểm toán) là những thông tin kinh tế, tài chính đã được các kiểm toán viên độc lập có đủ năng lực xác nhận về mức độ phù hợp với các chuẩn mực đã được thiết lập. Báo cáo kiểm toán là căn cứ quan trọng cho bên thứ ba như cổ đông, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng… đưa ra các quyết định kinh tế của mình. Vì vậy, Luật KTĐL cần phải “nâng tầm” giá trị của báo cáo kiểm toán.
“Theo quy định hiện hành, DN nhà nước, tổ chức tín dụng, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước hoặc có nguồn vốn nhà nước…, đồng thời là đối tượng kiểm toán của KTĐL và các cơ quan quản lý nhà nước khác như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, thanh tra chuyên ngành… Chính vì thế, trong thực tế, không ít trường hợp, những đối tượng này sau khi các cơ quan quản lý nhà nước vào làm việc đã phủ nhận sạch trơn toàn bộ báo cáo của KTĐL đã đưa ra trước đó”, ông Kiêm cho biết. Vẫn theo ông Kiêm, trong trường hợp báo cáo kiểm toán bị phủ nhận giá trị, thì cần phải có chế tài xử lý công ty kiểm toán đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính thiếu chính xác, không trung thực. Ngược lại, nếu báo cáo KTĐL đúng thì cũng phải có chế tài xử lý cơ quan quản lý nhà nước phủ nhận kết quả kiểm toán.
Ông Phạm Xuân Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC cho biết, những người làm kiểm toán, kế toán vẫn băn khoăn là “không biết báo cáo kiểm toán của KTĐL hay kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tài liệu nào có giá trị pháp lý cao hơn?”. Trong khi không có câu trả lời thì báo cáo của KTĐL thường bị “bỏ xó”, nếu khách hàng của họ bị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ. “Luật KTĐL cần phải quy định, nếu các cơ quan quản lý nhà nước không chấp thuận với báo cáo kiểm toán của KTĐL thì đưa ra toà án giải quyết. Cơ quan nào sai thì bị xử lý theo đúng pháp luật để tránh tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước luôn coi kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có giá trị pháp lý cao hơn KTĐL”, ông Vạn kiến nghị.
Công ty TNHH Kiểm toán ACSC là đơn vị đã có “thâm niên” trên thị trường, từng kiểm toán nhiều công trình lớn như Đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, Phòng họp của Văn phòng Chính phủ ở (số 1, Hoàng Hoa Thám)… được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, nhưng ông Ngô Đức Đoàn, Giám đốc ACSC vẫn cho rằng, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự tin tưởng vào báo cáo do KTĐL thực hiện, mà các DN nhà nước - khách hàng lớn của các công ty kiểm toán cũng thấy “rất lăn tăn” khi cân nhắc có nên thuê KTĐL hay không.
Theo đại diện nhiều công ty kiểm toán, Luật KTĐL cần phải quy định cụ thể về giá trị báo cáo kiểm toán, tránh “xung đột” với kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… thì mới đạt được mục tiêu đề ra là hoạt động KTĐL góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của DN, tổ chức; lành mạnh hoá môi trường đầu tư; góp phần thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí và đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước.
(Đầu tư điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com