Bộ Xây dựng cho biết đang cùng các đơn vị có liên quan đẩy nhanh công tác xây dựng cơ chế để sớm huy động các nguồn lực trong xã hội đẩy nhanh nguồn cung nhà giá thấp trong thời gian tới.
![]() |
Ảnh minh họa |
Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại đô thị.
Tiến độ thực hiện chương trình nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại đô thị đến nay ra sao, thưa ông?
Cho đến nay đã có 24 dự án nhà ở công nhân được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 công nhân tại các khu công nghiệp.
Đã có 9 dự án hoàn thành bàn giao với tổng diện tích sàn 200.000m2 đáp ứng cho khoảng 27.000 chỗ ở cho công nhân.
Về dự án xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, các địa phương đăng ký với tổng số dự án cho giai đoạn 2009-2015 là 189 dự án với tổng vốn đầu tư 28.550 tỷ đồng (trong đó vốn từ doanh nghiệp 27.240 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 1.310 tỷ đồng), hoàn thành 166.390 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 700.000 người.
Đến nay đã có 37 dự án được khởi công, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 64.000 người. Đã có 927 căn hộ hoàn thành phần xây dựng (tại Hà Nội có 815 căn hộ, Tp. Hồ Chí Minh 112 căn hộ) đang thực hiện xem xét các đối tượng để bàn giao cho thuê hoặc mua nhà.
Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng đã ban hành được một năm nhưng có thể thấy số lượng dự án đã và đang triển khai trong cả nước không nhiều, đặc biệt với nhà cho người thu nhập thấp mới chỉ có khoảng hơn 900 căn hộ sắp được bàn giao trong khi nhu cầu lại rất cao. Vì sao tiến độ lại chậm như vậy thưa ông?
Đây là chủ trương lớn, tuy nhiên việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị gặp khó khăn lớn nhất là vấn đề vốn đầu tư (Nhà nước không đầu tư xây dựng nhà cho hai đối tượng này). Bộ Xây dựng đang phối hợp với nhiều đơn vị tìm kiếm bổ sung các nguồn vốn huy động khác như vốn vay của các tổ chức tín dụng trong nước, vốn FDI, vốn ODA...
Đến nay hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch bố trí quỹ đất để chuẩn bị cho việc phát triển nhà ở công nhân và nhà ở cho người có thu nhập thấp mặc dù điều này đã được quy định rất rõ.
Đáng nói hơn là 43 dự án, trong đó có 11 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp và 32 dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam về chủ trương tiếp nhận thẩm định cho vay nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định xong nên chưa dự án nào được giải ngân.
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Hà |
Vậy còn việc giải ngân các dự án đầu tư nhà ở cho sinh viên có đáp ứng được tiến độ đề ra và hiện có bao nhiêu dự án nhà ở sinh viên đã chính thức được khởi công, thưa ông?
Sau một năm thực hiện đến nay, nhìn chung việc triển khai các dự án đầu tư nhà ở cho sinh viên tại các địa phương đều đáp ứng tiến độ đã đề ra.
Nhiều địa phương đang tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đã dành những quỹ đất có giá trị kinh tế cao để thực hiện đầu tư xây dựng các khu ký túc xá tập trung như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Đến nay toàn bộ 94 dự án đã được khởi công. Tính đến cuối tháng 8, các dự án đang triển khai đã giải ngân được khoảng 4.000 tỷ đồng, đạt 73% tổng số vốn đã được phân bổ. Theo ước tính của chúng tôi, tính đến cuối năm nay, các dự án đang triển khai sẽ có khối lượng xây lắp hoàn thành đạt 8.200 tỷ đồng.
Dự kiến đến tháng 10/2010 có khoảng 90 khối nhà sẽ hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 170.000 sinh viên. Đến cuối năm nay sẽ có thêm 25 khối nhà được hoàn thành đưa vào sử dụng,đáp ứng chỗ ở cho khoảng 72.000 sinh viên. Trong năm 2011 sẽ có thêm 99 khối nhà được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nói như vậy có nghĩa là chương trình phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên đang diễn ra rất thuận lợi và đây sẽ là đối tượng sớm được tiếp cận với mô hình nhà ở mới?
Khu nhà ở tập trung cho sinh viên với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và đồng bộ về hạ tầng xã hội đúng là một mô hình mới. Song các dự án này thường có quy mô lớn do vậy để đẩy nhanh tiến độ thi công, cần khối lượng vốn đầu tư không nhỏ.
Một lý do khác là hiện nay do cách hiểu của một số bộ, ngành và địa phương là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ được phép để thanh toán chi phí xây lắp hạng mục công trình nhà ở sinh viên mà không bao gồm khoản chi phí xây lắp các hạng mục công trình khác. Vì vậy, các địa phương đơn vị thiếu nguồn vốn để thanh toán cho công tác đầu tư xây dựng các hạng mục này nhằm đảm bảo hoàn thành dự án đồng bộ trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Vậy Bộ Xây dựng có giải pháp gì để sớm đẩy nhanh nguồn cung nhà cho sinh viên, công nhân và cho người thu nhập thấp?
Bộ sẽ sớm có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Chúng tôi kiến nghị các địa phương phải xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp là một trong những chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các chỉ tiêu này phải được xây dựng hàng năm. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan lập quy hoạch và bố trí đủ quỹ đất để triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Riêng đối với nhà ở sinh viên, chúng tôi có kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét và phê duyệt chương trình đầu tư nhà ở học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê giai đoạn 2011-2015, nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng về chỗ ở cho khoảng 60% số học sinh, sinh viên với khoảng 6.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Hạnh Liên // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com