Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi các bộ không “phục” chỉ số tồn kho

Khi các bộ không “phục” chỉ số tồn kho
Chỉ số tồn kho mà Tổng cục Thống kê đưa ra không phải là không có lý, bởi theo nhiều ý kiến, cơ quan này không tự nghĩ ra mà tính toán theo thông lệ quốc tế.

Mỗi chỉ số thống kê khi được công bố đều có lý và có ý nghĩa riêng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, có những con số thống kê bị xem là bi quan thái quá, tạo hiệu ứng không tốt cho xã hội. Điển hình là chỉ số tồn kho.

Bất đồng, bất phục

Tại kỳ họp giao ban sản xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số tồn kho được công bố tại thời điểm 1/10/2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Tổng cục Thống kê cho rằng, mặc dù mức tồn kho còn cao nhưng đã có xu hướng giảm dần trong mấy tháng gần đây (thời điểm 1/5 tăng 29,4%; 1/6 tăng 26%; 1/7 tăng 21%; 1/8 tăng 20,8%; 1/9 tăng 20,4%).

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, gồm: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 23,9%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng: 32%; May trang phục tăng 48%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 55,1%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 56,5%; sản xuất xi măng tăng 53,1%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 38%...

Tuy nhiên, con số này đã không được đại diện các bộ nhất trí.
 

Trước băn khoăn của đại diện các bộ về tính đúng đắn của chỉ số tồn kho, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, không có chuyện sai, vì đã thống kê theo thông lệ quốc tế.


Cụ thể, tính riêng đối với ngành xi măng, theo Tổng cục Thống kê, con số tồn kho tăng 53,1%. Nhận định về con số “khủng” này, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, “nghe có vẻ sợ”, chứ thực tế không đến mức như vậy.

Vị đại diện này lý giải, trong 10 tháng đầu năm, sản xuất xi măng đạt 46,5 triệu tấn so với kế hoạch cả năm (56 triệu tấn), tương ứng đạt được 80% kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì tồn kho xi măng vào khoảng 2,6 triệu tấn, tương đương 15-18 ngày sản xuất. Đây là một con số bình thường, do đặc thù của ngành là luôn luân chuyển sản xuất. Trong khi, con số tồn kho theo Tổng cục Thống kê tăng những 51,3%, khiến người ngoài không biết nội tình sẽ lo ngại là dư thừa lớn.

Ông này cũng cho biết, trong điều kiện khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đều phải sản xuất cầm chừng, nếu hàng không bán được, thì họ cũng chẳng dại gì mà sản xuất ra quá nhiều.

Trước sự lý giải của Bộ Xây dựng, một đại biểu tại cuộc họp lo ngại, nếu làm kế hoạch theo con số của thống kê thì sẽ phải hạn chế sản xuất, và khi giải pháp thay đường nhựa bằng đường bê tông để thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng thì lúc đó, xi măng không phải dư thừa mà sẽ thành thiếu cung.

Đại diện Bộ Công Thương cũng “không phục” chỉ số tồn kho mà Tổng cục Thống kê đưa ra. Theo vị này, cần kiểm tra lại chỉ số tồn kho. Cần làm rõ chỉ số tồn kho thế nào là chuẩn? Rõ ràng, chỉ số tồn kho do Tổng cục Thống kê đưa ra là cao, nhưng đến hỏi doanh nghiệp, họ lại bảo bình thường. “Điều này khiến việc làm kế hoạch rất khó khăn”, vị này cho biết.

Chia sẻ điều này, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị cần phải xem xét lại chỉ số này khi công bố, vì hiện nay vấn đề tồn kho đang được xem là “nút thắt” của nền kinh tế. Vì thế, phải tính toán chính xác thì mới tháo được nút.

Chỉ số tồn kho và…

Trước băn khoăn của đại diện các bộ về tính đúng đắn của chỉ số tồn kho, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, không có chuyện sai, vì đã thống kê theo thông lệ quốc tế.

Theo ông Lâm, hiện nay, trên thế giới đang sử dụng rất nhiều chỉ số tồn kho được tính trên các cơ sở khác nhau. Có thể là chỉ số tồn kho so với tổng mức, tồn kho so với công suất thiết kế, tồn kho so với khả năng tiêu thụ…

Còn chỉ số tồn kho do Tổng cục Thống kê công bố là số liệu so với cùng kỳ, tức là chỉ số của 10 tháng năm 2011.

Trước cuộc tranh luận này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đề nghị Tổng cục Thống kê nên bổ sung thêm hệ thống chỉ tiêu tồn kho so với tổng (để tính chính xác tồn kho các mặt hàng). Có như vậy, sẽ sát với thực tế hơn, dễ cho người lập kế hoạch hơn.

Nhưng, chỉ số tồn kho mà Tổng cục Thống kê đưa ra không phải là không có lý, bởi theo nhiều ý kiến, cơ quan này không tự nghĩ ra mà tính toán theo thông lệ quốc tế.

Bước sang năm 2012, trong tình hình kinh tế khó khăn, hầu như các doanh nghiệp đều có xu hướng không mở rộng, thậm chí thu hẹp sản xuất. Vậy tại sao tồn kho lại đột ngột tăng vọt tới 20,3% so với cùng kỳ?


Câu hỏi được đặt ra là, tại sao hầu hết các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lại tồn kho “kỷ lục”? Tồn kho thực tế chỉ là một hiện tượng, còn nguyên nhân sâu xa được “mổ xẻ” cho thấy là do cung nhiều, trong khi nhu cầu về tiêu dùng trong dân cư, tích lũy tài sản và xuất khẩu ít.

Nhìn lại trong suốt 10 năm (2000-2010), tồn kho luôn chiếm từ 3-5% trong GDP. Riêng năm 2011, số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy, tồn kho cũng chỉ chiếm khoảng 3,2% trong GDP, đây là mức thấp nhất từ năm 2007 đến nay. Song bước sang năm 2012, trong tình hình kinh tế khó khăn, hầu như các doanh nghiệp đều có xu hướng không mở rộng, thậm chí thu hẹp sản xuất. Vậy tại sao tồn kho lại đột ngột tăng vọt tới 20,3% so với cùng kỳ?

Số liệu này khiến các nhà nghiên cứu phải đặt câu hỏi tìm hiểu lại nguồn của các số liệu để xem xét có thật nền kinh tế ứ đọng, tồn kho nhiều đến vậy hay không?

Theo các chuyên gia số liệu, trong GDP “gói gọn” tiêu dùng của hộ gia đình, tiêu dùng của Chính phủ, tích lũy tài sản cố định, thay đổi tồn kho và xuất khẩu, nhập khẩu. Trong 9 tháng năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,77% của cùng kỳ năm 2011. GDP tăng trưởng được 4,73% chính là do lượng tồn kho và tăng trưởng nhập khẩu giảm khá sâu.

Nguy cơ nằm ở chỗ, vì bản chất tăng trưởng GDP của thời kỳ trước dựa vào tồn kho, nên thời kỳ sau doanh nghiệp không còn “mặn mà” để mở rộng sản xuất. Hơn thế, sản xuất trong nước lại “ăn theo” nhập khẩu, vì thế khi nhập khẩu giảm sút sẽ kéo sản xuất xuống “đáy” đình đốn.

Rõ ràng, lượng tồn kho lớn của nền kinh tế xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu tiêu dùng cuối cùng. Khi nhu cầu giảm sút sẽ không kích thích được phía cung.

Điều này cũng được cơ quan thống kê và các cơ quan quản lý Nhà nước cùng thừa nhận như trong phần cuối của báo cáo phục vụ cuộc họp giao ban sản xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là “nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho còn nhiều, sản xuất - kinh doanh của các danh nghiệp và đời sống người dân vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức”.

(Theo Vneconomy)

  • Đổi mới CG từ năm 2013?
  • Xăng chưa giảm giá, DN muốn tăng hoa hồng?
  • Sai phạm hàng tỷ đồng tại 2 công trình “1.000 năm Thăng Long”
  • Không điều chỉnh giá điện trong tháng 10
  • Kiến nghị công nhận đảo Cát Bà là di sản thế giới
  • Bộ Xây dựng muốn trực tiếp quản lý hai tập đoàn
  • Giảm thuế, không tăng giá xăng dầu
  • 10 năm thi hành Luật Đất đai: “Công” và “tội”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi