Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành công nghiệp: Đứng trước nhiều thách thức

Mặc dù tháng 1, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) toàn ngành công nghiệp (CN) tăng 16,1%, nhập siêu giảm; nhưng điều dễ nhận thấy là khó khăn đã bắt đầu hiển hiện khi giá hàng loạt yếu tố đầu vào liên tiếp tăng và việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ với mức nới rộng đã làm cho không ít ngành sản xuất CN sẽ đứng trước nhiều thách thức.

Những con số ấn tượng

Tháng 1, GTSXCN toàn ngành đạt 73,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Công thương tăng 4,2% so với cùng kỳ, một số đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng 49,3%, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội: 44,9%; Tập đoàn Hóa chất: 18,9%; Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp: 18,1%. Hoạt động sản xuất CN được nhận định là đang phát triển trở lại qua việc sử dụng điện (chiếm tỷ trọng cao nhất trong 4 năm gần đây, 55,5%/tổng tiêu thụ điện). Nhiều ngành sản xuất trọng điểm và các mặt hàng thuộc lĩnh vực CN nhẹ như dệt may, da giày… đều có mức tăng trưởng cao trong tháng 1, hứa hẹn một kết quả khả quan cho cả quý I-2011. Đơn cử như ngành dệt may, ngay trong tháng 1 hầu hết các DN đã ký được đơn hàng đến hết quý I-2011, thậm chí một số DN đã ký được các đơn hàng đến quý III-2011. Với các DN thuộc lĩnh vực da giày, đã có thông tin Hiệp hội Các nhà sản xuất giày châu Âu tuyên bố sẽ không yêu cầu kéo dài thuế với một số loại giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, các mức thuế hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 1-4-2011 là động lực lớn cho các DN. Bởi thế, sản xuất ngành da giày đạt mức tăng trưởng cao: sản phẩm giày thể thao ước đạt 33,1 triệu chiếc, tăng 35,1% so với cùng kỳ.

Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại Công ty Giày Thụy Khuê. Ảnh: Phương An

Lĩnh vực thương mại cũng có sự khởi động đầy thuận lợi khi kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 1 đạt 6 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK của DN trong nước đạt 2,83 tỷ USD, tăng 27,4%. XK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 3,17 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 52,9% KNXK của cả nước. Nhóm hàng nông - lâm - thủy - sản vẫn dẫn đầu với mức tăng 36,9% do nhiều mặt hàng có đơn giá XK tăng; KNXK của một số nhóm khác cũng có sự tăng trưởng ổn định. Theo Bộ Công thương, so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng XK không tăng nhiều về số lượng, nhưng lại gia tăng về giá trị do được lợi về giá, như hạt điều tăng 33,8%, cà phê tăng 35%, hạt tiêu: 66,7%, cao su tăng 69,1%... Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 1 đạt 7 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, cán cân thương mại của tháng đầu tiên năm 2011 ở mức nhập siêu tháng khoảng 1 tỷ USD, chiếm 16,7% KNXK. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu đã ổn định theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ nhập siêu/XK thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 1 đạt 149,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,16% so với tháng 12-2010 và tăng 22,1% so với cùng kỳ, trong đó cao nhất là ngành thương nghiệp, tăng 18,6%, ngành khách sạn, nhà hàng tăng 16,9% và ngành dịch vụ tăng 18%.

Điều chỉnh cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng

Với thực tế NK nguyên phụ liệu cho sản xuất đang chiếm tỷ trọng lớn ở nhiều ngành sản xuất chỉ phục vụ nhu cầu trong nước là chính, như sắt thép, phân bón, nhựa... hay gia công XK như dệt may, da giày, tỷ giá ngoại tệ tăng đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của DN. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng vẫn cao khiến cho các DN không dám tiếp cận. Điều này khiến nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa không có cơ hội tìm được nguồn vốn tốt ở các ngân hàng thương mại trong nước. Bên cạnh áp lực từ việc tìm vốn vay và tỷ giá tăng, các DN sẽ phải đương đầu với việc giá điện sẽ điều chỉnh từ đầu tháng 3. Những diễn biến nêu trên chắc chắn sẽ làm cho các DN sản xuất CN gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm qua, để đạt được mức tăng trưởng GDP 7%, Việt Nam đã phải đầu tư 42% GDP. Nghĩa là để tăng thêm 1 VND sản xuất, chúng ta phải đầu tư 6 VND. So với các quốc gia trong khu vực, hệ số ICOR của Việt Nam là rất cao. Do vậy, phải có các giải pháp quyết liệt chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, gồm cơ cấu đầu tư của từng ngành, từng lĩnh vực ngành công thương, của từng DN trong ngành, theo hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn. Điều chỉnh cơ cấu ngành CN nhằm nâng cao giá trị gia tăng, triển khai tích cực các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển CN hỗ trợ, phát triển các ngành sản xuất thay thế NK. Đổi mới cơ cấu và chính sách thu hút FDI, khuyến khích đầu tư vào những ngành, khu vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, ít tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường, có khả năng đẩy mạnh XK... Tập trung củng cố, tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đi đôi với hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường công tác tự kiểm tra của các DN cũng như tăng cường thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, quản lý…

(Theo Thanh Mai/HNMO)

  • Tiếp tục mua tối đa điện Trung Quốc trong tháng Ba
  • Xuất bán thuốc dự trữ quốc gia, tránh để quá hạn sử dụng
  • 16/3: Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2010
  • Sản lượng lúa gạo 2011 dự báo giảm 240 nghìn tấn
  • Sản xuất công nghiệp: Đương đầu với khó khăn
  • Phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15-3
  • Viễn thông Hà Nội: Doanh nghiệp chủ lực của Thủ đô
  • Kiểm toán 27 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi