Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sẽ xả 1/3 quĩ bình ổn để giữ giá xăng dầu

Phương án “giải khó” cho doanh nghiệp xăng dầu trong bối cảnh phải kìm giá là sẽ xả Quỹ bình ổn giá, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã khẳng định: “Chúng tôi đã chốt quyết định, sẽ áp dụng biện pháp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chứ không giảm thuế nhập khẩu.”

Hiện Quĩ bình ổn giá xăng dầu tính đến tháng 3 là 1.500 tỷ đồng. Ước, việc xả Quĩ ở mức chiếm 1/3 số dư trên của Quĩ sẽ là vừa đẹp, ông Thỏa chia sẻ.

Sau khi yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu giãn thời gian tăng giá từ nay đến hết tháng 6, hôm 22/3, Cục Quản lý giá phát đi “lệnh” không tăng giá bán xăng… vô thời hạn.

Động thái siết chặt lại việc tăng giá xăng dầu này xuất phát từ một thực tế là cần kiềm chế lạm phát, khi CPI 3 tháng đầu năm đã tăng tới 4,12%, giá than, giá điện, giá gas đều đã đồng loạt tăng.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng muốn “trấn an” người tiêu dùng đang ôm mối lo ngại về khả năng tăng tốc vù vù của xăng dầu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xăng dầu ngay lập tức phản ứng, đồng loạt kêu lên Bộ Tài chính phải có biện pháp “đính kèm” mệnh lệnh trên, như giảm thuế hoặc xả quĩ Bình ổn.

Hiện, các doanh nghiệp này đều lỗ bình quân từ 500- 800 đồng/lít xăng dầu.

Ông Thỏa xác nhận, doanh nghiệp đòi giảm 5-10% thuế nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, việc tăng, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay là phải theo ba- rem mới của Bộ Tài chính, ứng với từng khung giá xăng dầu thế giới sẽ “ra” mức thuế nhập khẩu cụ thể.

Do đó, không thể giảm lỗ cho doanh nghiệp bằng giảm thuế được, ông Thỏa nói.

Về việc xả Quĩ bình ổn, ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích tiếp, lượng tiền xả ra bao nhiêu sẽ còn phụ thuộc vào thời điểm “hủy bỏ” lệnh ngừng tăng và quyết định này cũng lại tùy thuộc vào biến động giá thế giới.

Khi đó, mỗi doanh nghiệp sẽ báo cáo lên Bộ Tài chính cụ thể số lỗ phát sinh do phải giữ giá bán hiện hành, tính từ ngày 22/3 cho đến ngày gỡ bỏ lệnh neo giá.

Căn cứ vào đó, Bộ Tài chính sẽ cho xả quĩ Bình ổn giá ở mức tương ứng, để bù đắp phần lỗ đó, đủ để hòa vốn cho doanh nghiệp.
 
Do vậy, mức xả Quỹ bình ổn tại mỗi một doanh nghiệp sẽ khác nhau. Hiện nay, theo báo cáo của các doanh nghiệp, Tổng công ty Dầu Việt Nam, chiếm 25% thị phần xăng dầu đang bị lỗ nhiều nhất.

Cục Quản lý giá cũng dự kiến sẽ có 2 phương án, hoặc chỉ xả quĩ để bù lỗ và vẫn giữ giá bán lẻ hiện hành, hoặc vừa tăng giá ở mức độ nhất định, vừa xả quĩ để bù đắp một phần lỗ như Thông tư 159 qui định.

Tại thời điểm ban hành lệnh tạm ngừng tăng giá ngày 22/3, giá bình quân 30 ngày của xăng và dầu thành phẩm là trên 87USD/thùng. Đây là mức giá rất cao.

Ông Thỏa cho rằng, nếu giá xăng dầu thế giới vẫn tăng mạnh lên tới ngưỡng 90 USD/thùng (giá bình quân 30 ngày), chúng tôi sẽ cho rút lại việc “neo giá” và đồng thời, vừa cho xả quĩ, vừa cho tăng giá.

Nếu trong trường hợp giá bình quân 30 ngày của mặt hàng xăng dầu giảm dần xuống dưới 87USD/thùng thì các doanh nghiệp có thể sẽ giữ giá và Quĩ cũng sẽ được trích ra, bù lỗ cho khoảng thời gian phát sinh lỗ.

Ông Thỏa khẳng định, việc giữ giá xăng dầu này sẽ không kéo dài quá lâu, để phù hợp sức chịu đựng của doanh nghiệp và để việc bù lỗ cũng vừa khả năng của Quĩ bình ổn.

Theo Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, xu hướng giá xăng dầu thế giới vẫn dao động ở mức cao. Khoảng chênh lệnh giá vốn và giá bán lẻ đang ngày càng giãn ra.

Ngày 26/3, giá bình quân 30 ngày của xăng A92 là 88,17USD/thùng, đưa mức giá vốn chênh lên tới 6,1% so với giá bán lẻ hiện hành. Tương tự, giá bình quân của dầu diesel cũng tăng lên 87,80USD/thùng, khiến giá vốn cao hơn giá bán lẻ là 5,7%. 10 ngày trước, tỷ lệ chênh lệch của 2 mặt hàng trên chỉ là 5,2%- 5,3%.

(Vietnamnet)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi